October 12, 2022 | 12:38 GMT+7

Một số món ăn quen bị “gạt” khỏi danh sách thực phẩm lành mạnh của FDA

Hoài Phương -

Các tiêu chuẩn cũ, được FDA đưa ra cách đây gần hai thập kỷ, gồm giới hạn về tổng lượng chất béo, chất béo bão hòa. Ngoài ra, thực phẩm cũng phải cung cấp ít nhất 10% giá trị hàng ngày các vitamin A, C, canxi, sắt, protein, chất xơ…

Ảnh: PopSugar
Ảnh: PopSugar

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cho biết việc sử dụng thuật ngữ "lành mạnh" trên nhãn mác thực phẩm phải đáp ứng các tiêu chuẩn cụ thể. Định nghĩa mới được công bố cùng Hội nghị về Đói, Dinh dưỡng và Sức khỏe của Nhà Trắng, là một phần trong chiến lược quốc gia của FDA nhằm chấm dứt nạn đói, cải thiện dinh dưỡng và ngăn ngừa các bệnh mạn tính liên quan đến chế độ ăn uống. Theo đó, FDA mới đây đã đưa ra nguyên tắc mới bao gồm các giới hạn nghiêm ngặt hơn với một số thành phần hoặc chất dinh dưỡng.

SỮA CHUA CÓ ĐƯỜNG KHÔNG CÒN LÀNH MẠNH?

Theo Healthline, để được dán nhãn “lành mạnh”, các sản phẩm phải đáp ứng hai tiêu chí. Trước tiên, chúng cần chứa một lượng thực phẩm nhất định từ ít nhất một trong các nhóm hoặc nhóm phụ được khuyến nghị bởi “Hướng dẫn chế độ ăn uống cho người Mỹ 2020 - 2025”, chẳng hạn như trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt hoặc sữa.

Thứ hai, thực phẩm phải tuân thủ các hạn mức cụ thể của một số chất dinh dưỡng, chẳng hạn như chất béo bão hòa, cholesterol và muối. Ngưỡng giới hạn được đưa ra theo tỷ lệ phần trăm giá trị hằng ngày (DV) cho từng chất dinh dưỡng và sẽ điều chỉnh tùy vào nhóm thực phẩm và thực phẩm.

Bên cạnh đó, thực phẩm "healthy" phải chứa hàm lượng tối thiểu vitamin A, C, calci, sắt, protein và chất xơ hòa tan. FDA đề xuất thực phẩm đáp ứng tiêu chí phải chứa không quá 230mg natri (có trong muối ăn) và 2,5gr đường phụ gia (vốn không có trong tiêu chuẩn cũ). Thay vì tập trung vào tổng lượng chất béo có trong thực phẩm, FDA khuyến nghị ưu tiên thay chất béo bão hòa bằng chất béo không bão hòa.

Ví dụ, về ngũ cốc, sẽ cần phải chứa 21 gam ngũ cốc nguyên hạt và không quá một gam chất béo bão hòa, 230 miligam natri và 2,5 gam đường bổ sung để được coi là lành mạnh. Như vậy, mọi loại hoa quả, rau củ tươi (nguyên quả) cũng sẽ được coi là thực phẩm "lành mạnh".

Rau củ, trái cây, cá béo... mới được FDA cập nhật vào danh sách "healthy".
Rau củ, trái cây, cá béo... mới được FDA cập nhật vào danh sách "healthy".

Theo định nghĩa mới, các thực phẩm như bơ, quả hạch, hạt và cá béo (như cá hồi, cá cơm và cá ngừ) được xếp vào nhóm lành mạnh, dù trước đây chúng không có mặt trong nhóm này. Dầu ô liu, sữa chua ít đường và thậm chí cả nước đóng chai cũng được khuyên dùng.

Đồng thời, bánh mì trắng, sữa chua có đường, ngũ cốc đóng gói… không được coi là lành mạnh nữa. Các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, bánh mỳ có chứa hàm lượng muối cực lớn, nhất là với những loại bánh mỳ đóng gói sẵn. Với người thường xuyên sử dụng các món ăn làm từ bánh mỳ như pizza, hamburger hay sandwich dù chỉ ăn một phần cũng nạp vào cơ thể lượng muối vượt mức cho phép.

Định nghĩa mới được đề xuất sẽ củng cố lời khuyên dinh dưỡng mà các chuyên gia đưa ra trước đó: Rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, hải sản, trứng, đậu, đậu Hà Lan, đậu lăng, các loại hạt, sản phẩm từ sữa ít béo, thịt nạc, và thịt gia cầm (khi được chế biến với ít hoặc không thêm đường, chất béo bão hòa và natri) là những thực phẩm giàu chất dinh dưỡng có thể giúp chúng ta khỏe mạnh.

NHỮNG PHẢN ỨNG TRÁI CHIỀU

Tiêu chuẩn áp dụng thuật ngữ "lành mạnh" dành cho các nhà sản xuất, doanh nghiệp được FDA đưa ra vào năm 1994. Đây là lần đầu tiên cơ quan này đề xuất thay đổi thuật ngữ nhằm phù hợp với những hướng dẫn dinh dưỡng mới nhất. Ngành khoa học về dinh dưỡng đã phát triển nhanh, đòi hỏi FDA phải cập nhật, thay đổi định nghĩa của mình.

"Mục tiêu là định nghĩa lại từ lành mạnh trên bao bì thực phẩm, giúp người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn những loại đồ ăn có chất dinh dưỡng cao nói chung", tiến sĩ Dana Ellis Hunnes, chuyên gia dinh dưỡng lâm sàng tại trường y tế công cộng UCLA Fielding, nhận định.

FDA tin tưởng rằng các tiêu chuẩn mới sẽ không chỉ giúp mọi người xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh hơn mà còn có thể cải thiện chất lượng của các sản phẩm thực phẩm. Theo FDA, trong nỗ lực đảm bảo tiêu chuẩn lành mạnh, các nhà sản xuất có thể đưa thêm trái cây, rau, sữa và ngũ cốc nguyên hạt, đồng thời hạn chế chất béo bão hòa, natri và đường bổ sung trong sản phẩm của họ.

 
Đồng thời FDA cũng đang nghiên cứu một biểu tượng để các nhà sản xuất có thể dán lên bao bì để người tiêu dùng biết đó là sản phẩm đáp ứng định nghĩa “lành mạnh” mới. 

Tuy nhiên, sau khi định nghĩa mới được đưa ra, khá nhiều chuyên gia Mỹ lại cho rằng việc xác định điều gì làm cho thực phẩm có lợi cho sức khỏe là một quá trình phức tạp. Chẳng hạn, định nghĩa được đề xuất dường như khuyến khích ăn thực phẩm nguyên hạt thay vì thực phẩm đã qua chế biến. Điều đó phù hợp với tâm lý ăn kiêng hiện đại khuyến khích mọi người "ăn sạch" (eat clean), một xu hướng mới nổi vài năm gần đây. Nhưng trên thực tế, không phải tất cả người Mỹ đều có quyền sử dụng thực phẩm nguyên hạt, chưa qua chế biến, đặc biệt là những người sống tại các vùng thiếu thốn thực phẩm như sa mạc.

Cùng với đó, việc hạn chế thêm đường, natri và chất béo bão hòa có thể làm người tiêu dùng hình thành suy nghĩ rằng một số loại thực phẩm và chất dinh dưỡng là "xấu", có thể dẫn đến cảm giác tội lỗi về thực phẩm và chứng rối loạn ăn uống. Bánh mì trắng không có thành phần dinh dưỡng giống như cải xoăn và rau bina, nhưng rẻ hơn, để được lâu hơn, dễ tìm hơn và có vị ngon.

“Vẫn có chỗ cho những thực phẩm này trong chế độ ăn của chúng ta, và cảm giác tội lỗi khi ăn một thứ không được dán nhãn lành mạnh - cho dù đó là vấn đề sở thích, chi phí hay khả năng tiếp cận - không giúp bất kỳ ai cảm thấy tốt hơn về bản thân”, chuyên gia dinh dưỡng Maggie Ryan từ tờ PopSugar nhận định.

Thực tế, việc xác định điều gì làm cho thực phẩm có lợi cho sức khỏe là một quá trình phức tạp. 
Thực tế, việc xác định điều gì làm cho thực phẩm có lợi cho sức khỏe là một quá trình phức tạp. 

Đáng chú ý, một số công ty thực phẩm được cho là đã kích động FDA cập nhật hướng dẫn mới theo hướng có lợi cho nhà sản xuất, theo The Washington Post, thay vì phát sinh từ chính các nghiên cứu của FDA. Chẳng hạn, công t Kind Snacks trước đây tiếp thị các thanh ngũ cốc ăn nhẹ của mình là "lành mạnh", nhưng đã nhận được cảnh báo từ FDA vào năm 2015 vì các thanh snack chứa các loại hạt này có quá nhiều chất béo bão hòa để được sử dụng thuật ngữ này vào thời điểm đó. Sau khi công ty gửi đơn yêu cầu FDA cập nhật các quy định về việc ghi nhãn "lành mạnh", FDA đã cho phép Kind sử dụng thuật ngữ này.

Mặc dù định nghĩa được đề xuất về nhãn "lành mạnh" nhằm giúp người tiêu dùng đưa ra lựa chọn sáng suốt hơn, nhưng nhãn này cũng có mối liên hệ mật thiết với các tập đoàn thực phẩm chủ yếu tập trung vào việc tạo ra lợi nhuận. Dù sao đi nữa, lành mạnh có nghĩa là gì khi các cơ thể khác nhau phản ứng với các loại thực phẩm khác nhau theo những cách khác nhau? Do đó, điều quan trọng là mỗi người phải lắng nghe cơ thể mình.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate