Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đang đề xuất 2 phương án về tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định.
LÀM RÕ TÁC ĐỘNG CỦA HAI PHƯƠNG ÁN TIỀN LƯƠNG ĐÓNG BẢO HIỂM
Góp ý về nội dung này, Bộ Tư pháp cho rằng, tại báo cáo đánh giá tác động chính sách, cơ quan chủ trì soạn thảo chưa xác định vấn đề cần giải quyết, nguyên nhân của vấn đề liên quan đến căn cứ xác định tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của người lao động theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động; những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thực hiện quy định về tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.
Cơ quan chủ trì soạn thảo mới tổng hợp và đưa ra nhận định: “Theo phản ánh của các địa phương, mặc dù Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và các văn bản quy phạm pháp luật đã hướng dẫn chi tiết mức tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội nhưng ở một số doanh nghiệp vẫn tồn tại 3 loại thu nhập, bao gồm: Thu nhập để làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội; thu nhập để doanh nghiệp thực hiện quyết toán, và thu nhập thực tế chi trả cho người lao động.
Thu nhập để làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội luôn ở mức thấp nhất (bằng mức lương tối thiểu vùng, cộng 7% đối với lao động đã qua đào tạo nghề và cộng thêm 5% hoặc 7% đối với lao động làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm). Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến mức hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, đặc biệt là mức hưởng lương hưu khi về già”.
Theo nhận định này của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, hiện nay, các văn bản quy phạm pháp luật đã hướng dẫn chi tiết về tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.
Bộ Tư pháp cho rằng, như vậy, vấn đề bất cập ở việc tổ chức thực hiện quy định pháp luật khi các doanh nghiệp, người sử dụng lao động đã phân chia tiền lương của người lao động thành các khoản khác nhau để tránh đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động; không xuất phát từ vướng mắc của quy định pháp luật.
Tại dự thảo Luật, cơ quan chủ trì soạn thảo đề xuất 2 phương án, nhưng chưa có sự phân tích ưu, nhược điểm của mỗi phương án và tác động, ảnh hưởng đến người lao động, người sử dụng lao động khi thực hiện các phương án này.
Qua rà soát, Bộ Tư pháp nhận thấy, hiện nay, quy định về căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tương đối đầy đủ. Hơn nữa, với các lý do nêu trên, cơ quan chủ trì soạn thảo chưa làm rõ, giải trình được các vấn đề cần thiết, những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quy định của pháp luật hiện hành về tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội, chưa phân tích được ưu, nhược điểm và đề xuất lựa chọn 1 trong 2 phương án nêu tại dự thảo Luật.
Do đó, để đảm bảo tính khả thi, hiệu quả, phù hợp thực tiễn và có cơ sở để đề xuất cấp có thẩm quyền quyết định, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, bổ sung làm rõ các nội dung đã nêu.
KHÓ TÁCH BẠCH TỪNG PHẦN ĐÓNG
Liên quan đến căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, thực tế, qua thực hiện thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế tại một số đơn vị sử dụng lao động, cơ quan này phát hiện ngoài mức lương tính đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế thì hàng tháng người lao động được hưởng khoản bổ sung.
Dù các khoản bổ sung này có tính chất thường xuyên hàng tháng, được xác định trước với người lao động ở mức tối thiểu và được trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương, song đơn vị sử dụng lao động không ghi cụ thể khoản bổ sung này cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động nên không tính đóng bảo hiểm cho người lao động.
Trước những phát sinh trong quá trình đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, tình trạng doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng gia tăng, ông Ninh Quang Dương, Trưởng Ban Chính sách – Pháp luật, Liên đoàn Lao động tỉnh Lào Cai góp ý có nên quy định rõ việc người lao động tự đóng trực tiếp cho cơ quan Bảo hiểm xã hội, hay qua một tổ chức trung gian khác mà không qua người sử dụng lao động hay không?
“Qua đi giám sát ở các cơ sở, chúng tôi nhận thấy nhiều doanh nghiệp vẫn thu tiền bảo hiểm xã hội của người lao động nhưng không đóng nộp cho cơ quan Bảo hiểm xã hội. Chính vì vậy, đến khi người lao động nghỉ việc, bị cắt hợp đồng họ mới biết doanh nghiệp không đóng, trong khi người lao động đóng không thiếu tháng nào, cuối cùng người lao động cũng không được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội chỉ vì những lí do như vậy”, ông Dương thông tin.
Tuy nhiên, theo ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách – Pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), dù đây là vấn đề phát sinh từ thực tiễn song rất khó để sửa đổi và thực hiện được. Theo ông Quảng, qua tìm hiểu thì hầu như tại các quốc gia trên thế giới, chưa có giải pháp khả thi nào để tách bạch được từng phần đóng của người lao động và người sử dụng lao động.
Ở góc độ cơ quan chủ trì soạn thảo Luật, ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), cho biết ban soạn thảo cũng từng nghiên cứu về việc có nên cho người lao động đóng trực tiếp hay không, tuy nhiên nhận thấy còn nhiều băn khoăn.
Theo ông Cường, trong quy định hiện hành thì người sử dụng lao động sẽ trích trực tiếp từ thu nhập của người lao động để nộp cho cơ quan Bảo hiểm xã hội, với hơn 16 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, thì cơ quan Bảo hiểm xã hội chỉ quản lý hơn 200.000 doanh nghiệp.
“Phần đông số này đang đóng rất kịp thời, đầy đủ, chỉ số ít đang rơi vào tình trạng chậm đóng và chưa xử lí được. Vì vậy, nếu quy định từng người lao động đóng trực tiếp cho cơ quan Bảo hiểm xã hội thì không hiệu quả. Vấn đề này chúng tôi đã có nghiên cứu, nhưng chúng ta không vì xử lí phần số ít mà lại làm phức tạp thêm vấn đề”, ông Cường lí giải.
Phương án 1: Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương tháng bao gồm mức lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác được xác định bằng mức tiền cụ thể ghi trong hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật.
Phương án 2: Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương tháng bao gồm mức lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung theo quy định của pháp luật lao động.
Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội này không bao gồm tiền thưởng, các khoản hỗ trợ và trợ cấp khác không liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động.