Chỉ số VN-Index đã tăng 34% so với đầu năm 2021. Đóng góp cho đà tăng trưởng của chỉ số phải nhắc đến đầu tiên là nhóm ngân hàng. Giá cổ phiếu ngân hàng tăng 40% so với đầu năm, với tỷ trọng khoảng 30% trong chỉ số VN-Index, đã đóng góp mức tăng trưởng 12 điểm phần trăm trên mức tăng trưởng 34% của VN-Index, nhờ vào hoạt động mạnh mẽ của ngành Ngân hàng. Bên cạnh đó, cổ phiếu nhóm dịch vụ tài chính, vật liệu xây dựng, bất động sản cũng tăng mạnh từ đầu năm.
CỔ PHIẾU NGÀNH BIA SỚM “SỦI BỌT”?
Trái ngược với mức tăng trưởng vượt trội của hầu hết các nhóm ngành, giá cổ phiếu của các công ty tiêu dùng thực phẩm đồ uống hàng đầu Việt Nam gồm sữa Vinamilk và Bia Sabeco, Bia Hà Nội đều giảm khoảng 20% so với đầu năm vì nhiều lý do, bao gồm sự sụt giảm trong doanh số bán hàng dưới lệnh phong tỏa Covid vào đầu năm nay.
Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính với lĩnh vực giao thông cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp ngành bia. Mặt khác, giá hàng hoá nguyên vật liệu đầu vào cao cũng khiến tỷ suất lợi nhuận gộp của nhiều doanh nghiệp giảm mạnh.
Hầu hết các cổ phiếu ngành bia khác cũng "lỳ đòn" trước sự tăng trưởng bứt phá của thị trường. VTL của Vang Thăng Long giảm 12,7% từ đầu năm; SCD giảm 11%; HAD của Bia Hà Nội - Hải Dương cũng giảm so với mặt chung tương ứng khoảng 20%.
Tuy nhiên, bước sang năm 2022, ngành thực phẩm đồ uống được kỳ vọng sẽ phục hồi và tăng trưởng trở lại nhờ động lực chính đến từ việc mở cửa lại các dịch vụ ăn tại chỗ và sự phục hồi tiêu dùng nội địa. Các hoạt động dịch vụ bao gồm du lịch, vận tải và vui chơi giải trí có thể được phép hoạt động hết công suất kể từ Quý 2/2022 sau khi Việt Nam đạt mục tiêu tiêm chủng đầy đủ cho hơn 70% dân số.
Số liệu từ tổng cục thống kê cũng cho thấy, hoạt động thương mại và dịch vụ tiêu dùng khôi phục trở lại, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý IV/2021 tăng 28,1% so với quý trước. Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 12 năm 2021 ước đạt 458,5 nghìn tỷ đồng, tăng 4,6% so với tháng trước và tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý IV/2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1.312,6 nghìn tỷ đồng, tăng 28,1% so với quý trước giảm 2,8% so với cùng kỳ năm trước tốc độ này giảm đáng kể so với quý liền kề trước đó.
Tiếp nối quý 4/2021, kỳ vọng tiêu dùng sẽ tăng trưởng trở lại với tổng doanh thu bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng tăng mạnh so với năm 2021. Ước tính của VnDirect, tổng mức bán lẻ hàng hoá có thể tăng 10-12% trong năm 2022.
Thu nhập thực của người dân được cải thiện với dự báo GDP của Việt Nam sẽ tăng 7,5% so với cùng kỳ trong khi lạm phát dự kiến tăng 3,45% so với cùng kỳ vào năm 2022, đạt mục tiêu của Chính phủ là kiểm soát lạm phát dưới 4,0%.
Ngoài ra, du lịch hồi sinh sau khi các chuyến bay quốc tế được cấp phép cho mục đích thương mại kể từ Quý 1/2022, kéo theo sự phục hồi mạnh mẽ của hoạt động du lịch, giải trí, lưu trú và ăn uống trong đó các ngành thực phẩm đồ uống như bia, giải khát dự báo được phục hồi mạnh mẽ.
CỔ PHIẾU SỮA “NGỌT” HƠN NHỜ GIÁ NGUYÊN LIỆU GIẢM
Đối với riêng ngành sữa, Chứng khoán VnDirect cho rằng, kỳ vọng các doanh nghiệp sản xuất sữa sẽ lấy lại đà tăng trưởng trong năm 2022 nhờ 1) nhu cầu trong nước phục hồi và 2) giá bột sữa nguyên liệu giảm nhẹ, sẽ giảm bớt áp lực lên chi phí nguyên liệu đầu vào.
Kỳ vọng giá bột sữa sẽ hạ nhiệt vào năm 2022 nhờ nguồn cung phục hồi và nhu cầu sữa bột từ Trung Quốc giảm dần. Theo Eurostat, sản lượng sữa được dự báo sẽ phục hồi nhờ vào năng suất sản xuất cao hơn trong năm 2022. Bên cạnh đó, Rabo Research dự báoTrung Quốc sẽ hạ tỷ trọng mua và dự trữ bột sữa nguyên kem (WMP) và bột sữa tách béo (SMP) trong năm tới. Do Trung Quốc là khách hàng lớn nhất trên các thị trường sữa toàn cầu, chúng tôi cho rằng điều này sẽ làm hạ nhiệt giá bột sữa toàn cầu vào năm 2022 so với mức đỉnh vào Quý 2 năm nay.
Theo quan điểm của công ty chứng khoán này, Công ty CP Sữa Việt Nam (VNM) sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ xu hướng này khi gần 60% nguyên liệu bột sữa cho các sản phẩm sữa bột (trẻ em và người lớn) và bột dinh dưỡng được nhập khẩu từ Mỹ, Châu Âu và Châu Đại Dương.
Theo Euromonitor, thị trường sữa Việt Nam đạt giá trị 135.000 tỷ đồng vào năm 2020, tăng hơn 8% so với năm 2019, nhờ sự tăng trưởng nhanh chóng của phân khúc sữa chua và sữa uống. Các ngành hàng ghi nhận mức tăng trưởng cao bao gồm sữa nước (+10%), sữa chua (+12%), pho mát (+11%), bơ (+10%) và các sản phẩm từ sữa khác 8% trong khi sữa bột chỉ tăng 4% về giá trị. Sữa nước là phân khúc đóng góp giá trị lớn nhất trong ngành sữa Việt Nam bao gồm các thương hiệu phổ biến như Vinamilk, Mộc Châu milk, TH True milk, Dutch Lady, Nutifood. Trong đó CTCP Sữa Việt Nam (VNM) hiện đang chiếm thị phần lớn nhất với thương hiệu quen thuộc “Vinamilk”.
Mảng sữa nước sẽ đạt mức tăng trưởng kép 7,7% về doanh số trong giai đoạn 2021-2025 nhờ: Nhu cầu sữa nước ngày càng tăng do các trường học mở cửa trở lại và chính phủ thúc đẩy "Chương trình Sữa học đường" - sữa được phân phối đến các trường mầm non và tiểu học, với nỗ lực cải thiện tình trạng dinh dưỡng và tầm vóc thể chất cho trẻ nhỏ.
Thu nhập và nhận thức về chăm sóc sức khỏe của người tiêu dùng thành thị cao hơn sẽ làm tăng nhu cầu về các loại sản phẩm cao cấp hơn như các sản phẩm hữu cơ. Trong đó, cả ba công ty lớn trong ngành sữa, bao gồm Vinamilk, FrieslandCampina và TH Food Chain đều đã tung ra các sản phẩm sữa hữu cơ ra thị trường.
Thị trường nước ngoài sẽ là động lực tăng trưởng mới cho ngành sữa trong những năm tới khi thị trường nội địa tăng trưởng chậm lại. Tính đến T3/2021, đã có bảy công ty sữa Việt Nam được cấp phép xuất khẩu sang Trung Quốc. Chúng tôi cho rằng Trung Quốc sẽ là thị trường tiềm năng với các công ty sản xuất sữa với dân số đông nhất thế giới cũng như mức tiêu thụ sữa bình quân đầu người gấp 3,5 lần Việt Nam.
Tuy nhiên, rủi ro cho ngành bao gồm giá bột sữa nguyên liệu cao hơn dự kiến và đại dịch Covid-19 kéo dài hơn dự kiến dẫn đến gián đoạn chuỗi cung ứng, phân phối và vận chuyển.