Thị trường hào hứng sau kỳ nghỉ với dòng tiền mua giá cao mạnh lên, kéo cổ phiếu tăng giá trên diện rộng. VN-Index được loạt blue-chips lớn với nòng cốt là nhóm ngân hàng đẩy tăng 0,77% lên 1.233,48 điểm. Như vậy chỉ còn khoảng cách hơn chục điểm nữa là chỉ số có thể vượt lên đỉnh cao mới.
Độ rộng là tín hiệu tích cực nhất trong phiên mở đầu tháng 9. Lúc VN-Index thấp nhất khoảng 9h40 vẫn ghi nhận 312 mã tăng/115 mã giảm. Độ rộng duy trì suốt thời gian của phiên sáng và chốt trước kỳ nghỉ là 372 mã tăng/115 mã giảm. Số giảm chỉ có 33 mã giảm hơn 1%, số tăng có 138 mã tăng trên 1%.
Cổ phiếu tăng giá áp đảo với biên độ tăng khá tốt cho thấy lực cầu giá cao đã duy trì được sức ép ổn định. Mặc dù diễn biến của chỉ số cho thấy mức dao động trong phiên (trừ lúc mở cửa) là khá hẹp, nhưng độ lùi giá ở cổ phiếu không nhiều. Nói các khác, tuy vẫn có lực bán ra nhưng cầu hoạt động nhiệt tình, đẩy thanh khoản lên.
Tổng giá trị khớp lệnh hai sàn niêm yết sáng nay tăng 14% so với phiên trước, đạt 11.922 tỷ đồng, cao nhất 3 phiên sáng gần đây. HoSE tăng gần 14%, đạt 10.729 tỷ đồng. Đặc biệt thanh khoản của nhóm tăng giá trên 1% chiếm tới 40,4% tổng khớp sàn này. Điều đó càng thể hiện rõ hơn lực cầu nâng đỡ ở vùng giá cao.
VN-Index chốt phiên sáng tăng 9,43 điểm nhưng biên độ tăng sau khi mở cửa (tăng trong phiên) chỉ khoảng 4,5 điểm. Khả năng giữ điểm số đang phụ thuộc vào giao dịch của nhóm cổ phiếu blue-chips: VCB tăng 0,67%, VNM tăng 1,93%, MBB tăng 2,7%, BID tăng 1,06%, GAS tăng 1,32%, CTG tăng 1,39%, TCB tăng 1,45%, MBB tăng 2,7%, SHB tăng 2,41%... Có thể thấy nhóm cổ phiếu ngân hàng đang có vai trò quan trọng trong khi các trụ mạnh hơn lại khá đuối. Ngoài VCB kéo điểm chủ đạo nhờ vốn hóa hơn là biên độ giá, VIC cũng chỉ tăng 0,81%, VHM tăng 0,37%. Tuy vậy sự trễ nhịp của các trụ hàng đầu có thể lại là cơ hội khi Vn-Index tiến sát lên đỉnh cũ.
Hiện tượng khó mở biên độ tăng ở chỉ số sáng nay cũng phản ánh áp lực chốt lời vùng giá cao đang diễn ra. Nhóm VN30 có 12 cổ phiếu bị ép xuống quá 1% so với mức đỉnh. VIC dao động khá mạnh khi tụt giá trên 2% với thanh khoản lớn thứ 2 thị trường, ở mức 428,3 tỷ đồng. FPT cũng đang gặp khó khăn nhất đỉnh khi chinh phục đỉnh cao lịch sử mới, sáng nay thanh khoản khá thấp và giá cũng tụt khoảng 1,72% so với đỉnh, chỉ còn tăng 0,31%. Thanh khoản VN30 tăng khoảng 32% trong sáng nay, đạt hơn 3.923 tỷ đồng. Nhóm giao dịch sôi động nhất như VIC, MBB, SHB, STB, VHM đều có hiện tượng tụt giá.
Việc chốt lời lần nữa xuất hiện khi VN-Index tiệm cận đỉnh cao ngắn hạn là bình thường. Hiện thị trường đang ở vùng trũng thông tin trong khi đợt tăng trước đó thanh khoản cao hơn đáng kể so với hiện tại. Nhóm blue-chips cũng có nhiều cổ phiếu quay lại ngưỡng kháng cự tháng 8.
Khả năng đẩy chỉ số hiện đặt hết lên vai các cổ phiếu vốn hóa lớn và dòng tiền vào nhóm này vẫn chưa có gì nổi bật. Trái lại nhóm vốn hóa vừa và nhỏ nhiều mã tăng bứt phá, đặc biệt là các cổ phiếu thanh khoản trung bình thấp quanh mức 50 tỷ đồng trở xuống. Sáng nay EVG, QCG, CNG, PSH, HHP kịch trần. Nhóm MSB, NVL, MSH, FCN, VPG, OCB, HAH, CTD đều tăng trên 3% với giao dịch khá sôi động. Lợi thế về vốn hóa lẫn thanh khoản đang giúp nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ đạt biên độ biến động tốt hơn hẳn so với blue-chips.
Nhà đầu tư nước ngoài sáng nay cũng phát tín hiệu kết thúc tuần mua ròng cuối tháng 8. Tuần trước do có hoạt động tái cân bằng danh mục của các quỹ ETF nên khối này ghi nhận mua ròng khoảng 1.059 tỷ đồng đối với cổ phiếu sàn HoSE. Sáng nay mức bán ra khá lớn, đạt 920,6 tỷ đồng ở sàn này, cao nhất 10 phiên. Trong khi đó mua vào chỉ đạt 628 tỷ, tương ứng bán ròng 292,6 tỷ đồng. Cả HNX lẫn UpCOM cũng đang bị bán ròng nhẹ vài tỷ.
Với giao dịch tỷ trọng khá thấp, khối ngoại không phải là bên gây áp lực đáng kể lên giá cổ phiếu. Dù vậy chuỗi ngày bán ròng liên miên chỉ được ngắt quãng bằng tuần tái cơ cấu danh mục cũng là tín hiệu bất lợi, nhất là khi tỷ giá đang biến động. Loạt cổ phiếu bị xả lớn sáng nay là SSI -101,1 tỷ, HPG -67,2 tỷ, VIC -65,5 tỷ, STB -38,9 tỷ. Bên mua có TPB +107,3, tỷ, VNM +52,9 tỷ, MWG +35,8 tỷ, GMD +23,8 tỷ.