Giá cổ phiếu Country Garden tăng gần 20% trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (4/9), sau khi một nhóm chủ nợ của “gã khổng lồ” bất động sản này vào cuối tuần vừa rồi nhất trí cho lùi thời hạn thanh toán một lô trái phiếu nhân dân tệ đáo hạn hôm thứ Bảy.
Sự “nhân từ” này của các chủ nợ trái phiếu giúp cho Country Garden - công ty đang chênh vênh bên bờ vực vỡ nợ - có thêm thời gian xoay sở để thanh toán các khoản nợ trong nước và ngoài nước nối tiếp nhau đến hạn.
Lô trái phiếu nói trên có trị giá gần 5,83 tỷ nhân dân tệ, tương đương khoảng 800 triệu USD, được phát hành vào tháng 9/2016 với lãi suất cuống phiếu 5,65%. Theo kế hoạch tái cơ cấu nợ được sự nhất trí của hơn 56% trái chủ nắm giữ lô trái phiếu này, Country Garden được phép thanh toán 550 triệu USD tiền gốc theo nhiều đợt nhỏ trong thời gian 3 năm.
Dữ liệu của công ty Dealogic cho thấy các công ty phát triển bất động sản của Trung Quốc có 38 tỷ USD nợ trái phiếu nhân dân tệ và USD đáo hạn trong 4 tháng tới. Country Garden có tổng số nghĩa vụ nợ khoảng 200 tỷ USD ở thời điểm cuối tháng 6 năm nay. Theo ước tính của Moody’s, Country Garden có khoảng 4,3 tỷ USD trái phiếu sẽ đáo hạn trong thời gian từ nay đến cuối năm 2024.
Thông tin trên đưa giá cổ phiếu của Country Garden niêm yết ở Hồng Kông có lúc tăng tới 19,1% trong phiên ngày thứ Hai. Tuy nhiên, nếu tính từ đầu năm, cổ phiếu này vẫn giảm hơn 60%.
Country Garden - công ty phát triển địa ốc lớn nhất Trung Quốc xét về doanh số và từng được coi là một trong những doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc có khả năng vỡ nợ thấp nhất trong cuộc khủng hoảng này - đã trễ hạn thanh toán một số khoản nợ gần đây.
Cách đây khoảng 1 tháng, công ty lỡ hạn thanh toán số tiền lãi 22,5 triệu USD của hai lô trái phiếu quốc tế có tổng trị giá 600 triệu USD. Đợt thanh toán này có thời gian ân hạn là 1 tháng, và đến ngày thứ Tư tuần này nếu không thực hiện được việc thanh toán, Country Garden sẽ bị coi là vỡ nợ.
Những diễn biến này đưa Country Garden trở thành tâm điểm thu hút sự quan tâm của thị trường tài chính toàn cầu về khủng hoảng bất động sản Trung Quốc. Tình hình của Country Garden giờ đây đang được xem như một thước đo về mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng này.
Một chỉ số đo giá cổ phiếu của các công ty bất động sản Trung Quốc đại lục niêm yết ở Hồng Kông tăng tới 10,5% trong phiên đầu tuần. Ngoài thông tin khả quan về Country Garden, nhà đầu tư còn hứng khởi khi Chính phủ Trung Quốc nới lỏng quy định về tiền đặt cọc mua nhà trên toàn quốc đối với cả người mua lần đầu và lần thứ hai.
Trong những tuần gần đây, các địa phương Trung Quốc cũng đồng loạt nới quy định về vay thế chấp nhà, sau mấy năm liên tục siết chặt nhằm ngăn sự phát triển quá mức của ngành bất động sản. Tuần trước, các thành phố lớn gồm Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thẩm Quyến đều giảm mức lãi suất tối thiểu đối với các vay thế chấp nhà.
Ông Ting Lu, một nhà phân tích của ngân hàng Nomura, nhận định các động thái nới lỏng gần đây là một “bước đi quan trọng trong việc kích thích ngành bất động sản” của Trung Quốc, nhưng “vẫn chưa đủ” để đưa ngành này ra khỏi cuộc khủng hoảng thanh khoản kéo dài.
Dữ liệu của công ty Dealogic cho thấy các công ty phát triển bất động sản của Trung Quốc có 38 tỷ USD nợ trái phiếu nhân dân tệ và USD đáo hạn trong 4 tháng tới. Tuần trước, tổ chức đánh giá tín nhiệm Fitch Ratings cảnh báo doanh số bán nhà mới ở Trung Quốc trong năm nay có thể giảm tới 15%. Fitch cũng cho rằng tình hình của Country Garden “có thể làm trầm trọng thêm tâm lý vốn đã xấu của người mua nhà” ở nước này.
Về phần mình, Country Garden có tổng số nghĩa vụ nợ khoảng 200 tỷ USD ở thời điểm cuối tháng 6 năm nay. Tuần trước, công ty báo lỗ 7 tỷ USD trong nửa đầu năm, với lý do được đưa ra là cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài và môi trường huy động vốn ngày càng khó khăn. Theo ước tính của tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody’s, Country Garden có khoảng 31 tỷ nhân dân tệ, tương đương 4,3 tỷ USD, trái phiếu sẽ đáo hạn trong thời gian từ nay đến cuối năm 2024.