Rất nhiều cổ phiếu đột ngột xuất hiện lực bán giá thấp rất mạnh hôm nay, khiến giá lao dốc nặng. Nhóm cổ phiếu dầu khí giảm sốc dù giá dầu thế giới vẫn neo rất cao. VN-Index bị đánh thủng mốc 1.300 điểm, kích hoạt nhu cầu bán ra tăng vọt.
Ngưỡng tâm lý 1.300 điểm được duy trì tốt hôm nay, dù phần lớn thời gian chỉ số đỏ. “Điểm gãy” là khoảng 2h chiều khi nhiều cổ phiếu lớn bị đánh cực mạnh. GAS xuất hiện nhịp lao dốc chóng mặt.
GAS giảm sàn là diễn biến rất sốc vì không có bất kỳ thông tin tiêu cực nào. Thậm chí, giá dầu thế giới vẫn đang neo rất cao, dầu WTI vẫn trên 120 USD/thùng, dầu Brent trên 122 USD/thùng. GAS lao dốc đã kéo cả nhóm dầu khí giảm theo: PVS giảm 7,76%, PVC giảm 9,09%, PVD giảm 5,59%, PVO giảm 5,88%, PLX giảm 4,05%, OIL giảm 5,73%...
Cổ phiếu dầu khí lao dốc khiến loạt cổ phiếu liên quan khác cũng chịu sức ép lớn: DCM, DPM thuộc nhóm phân bón giảm sàn. Cổ phiếu cao su giảm 3-6% cả loạt. Hóa chất vẫn còn DGC tăng 0,79% nhưng giá cũng tụt khá sốc vì đầu phiên còn tăng 6,35%...
GAS giảm sàn không chỉ liên lụy đến nhiều nhóm cổ phiếu khác, mà còn khiến VN-Index bốc hơi hơn 4 điểm. Trong bối cảnh nhiều cổ phiếu lớn khác như GVR, FPT, BID, CTG, VRE, VPB cũng giảm sâu, chỉ số chính bốc hơi 23,72 điểm tương đương 1,81% giá trị lúc đóng cửa. VN30-Index cũng giảm 1,28%.
Nhóm cổ phiếu liên quan đến giá dầu như phân bón, hóa chất, dầu khí, cao su... đồng loạt lao dốc hôm nay nhưng không phải chịu tác động từ giá dầu biến động. Mặc dù giá dầu thế giới đêm qua có điều chỉnh, nhưng xu hướng tăng vẫn rất rõ ràng. Áp lực bán tháo ở nhóm cổ phiếu liên quan đến giá dầu hôm nay có lẽ là do nhu cầu chốt lời: Rất nhiều cổ phiếu đã tăng mạnh, thậm chí là quay lại đỉnh lịch sử hoặc vượt đỉnh lịch sử. Lãi quá lớn trong ngắn hạn đã ảnh hưởng đến giá cổ phiếu, hơn là các yếu tố thị trường thay đổi.
Với độ rộng 375 mã giảm/85 mã tăng, sàn HoSE hôm nay xác nhận một phiên giảm toàn diện. Áp lực giảm đã có từ sáng, khi độ rộng nghiêng mạnh về phía giảm (116 mã tăng/306 mã giảm). Tuy vậy VN-Index giảm không nhiều do vẫn còn vài trụ nâng đỡ, chẳng hạn HPG, VCB, TCB, SAB vẫn xanh tốt. Buổi chiều độ rộng thu hẹp rất nhanh và hàng loạt trụ sụp giá. VN30 chỉ có 4 mã tăng/25 mã giảm, ngoài GAS còn 10 mã khác giảm trên 2%, 8 mã giảm trên 1%.
Trên toàn sàn HoSE, có 24 mã giảm hết biên độ, 160 mã giảm trên 2%, 59 mã giảm trên 1%. Như vậy tỷ lệ cổ phiếu gây thiệt hại là khá lớn. Tổng giá trị khớp lệnh hai sàn niêm yết 34% so với hôm qua, đạt 17.612 tỷ đồng.
Biến động giá theo hướng giảm mạnh này là do áp lực bán tăng, thể hiện là thanh khoản buổi chiều rất cao. Với độ rộng hẹp và thanh khoản khá cao từ sáng, áp lực bán đã có tín hiệu. Đến chiều giao dịch hai sàn còn tăng 3% so với phiên sáng, là phiên chiều hiếm hoi giao dịch lớn hơn buổi sáng. Đáng tiếc là các phiên chiều sôi động trước đó thì giá tăng, hôm nay thì ngược lại.
Phiên sụt giảm mạnh hôm nay đem lại hiệu ứng khá xấu. Đầu tiên là VN-Index để mất ngưỡng 1.300 điểm, chỉ còn 1.284,08 điểm. Dù chỉ số không nhất thiết đại diện hết cho giao dịch của cổ phiếu, nhưng điều này có thể ảnh hưởng đến tâm lý. Nếu ngưỡng kháng cự kỹ thuật không vượt qua được thì thị trường có triển vọng là kết thúc nhịp hồi và giảm.
Thứ hai, các cổ phiếu mạnh nhất thị trường lúc này như dầu khí, hóa chất, phân bón... giá tăng cao và bị xả lớn đảo chiều, tức là nhu cầu hiện thực hóa lợi nhuận ngắn hạn đang tăng. Tâm lý này có thể ảnh hưởng đến nhiều cổ phiếu khác cũng có nhịp hồi tốt vừa qua.
Nhà đầu tư nước ngoài đứng ngoài áp lực bán lớn của phiên hôm nay. Tổng giá trị bán trên HoSE chỉ khoảng 921,4 tỷ đồng, tương đương 5,4% tổng giá trị giao dịch của sàn. Lực bán như vậy chủ đạo là từ nhà đầu tư trong nước. Thậm chí, khối ngoại hôm nay còn giải ngân 1.007,6 tỷ đồng, tương đương vị thế mua ròng 86,2 tỷ đồng. STB, HDB, DGC, GMD, MSN, DXG là những cổ phiếu được mua ròng trên 20 tỷ đồng. Phía bán ròng có CTG, GAS, VNM, PVD bị bán ròng trên 20 tỷ đồng.