June 10, 2022 | 12:54 GMT+7

Chứng khoán giảm khiến người Mỹ mất nửa nghìn tỷ USD tài sản trong 3 tháng

Bình Minh -

Tổng tài sản ròng của người Mỹ giảm chóng mặt trong quý 1 năm nay, khi thị trường chứng khoán nước này tụt dốc.

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Theo dữ liệu do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố ngày 9/6, giá trị tài sản ròng của các hộ gia đình và tổ chức phi lợi nhuận ở nước này “bốc hơi” 500 tỷ USD trong 3 tháng đầu năm, còn 149,3 nghìn tỷ USD. Đây là một sự đảo ngược xu hướng tăng mạnh mẽ mà khối tài sản của người Mỹ ghi nhận từ giữa năm 2020 nhờ giá nhà và giá chứng khoán cùng tăng mạnh.

Sự sụt giảm tài sản nói trên phản ánh biến động trên thị trường chứng khoán Mỹ vào đầu năm nay. Trong quý 1, giá trị tài sản là cổ phiếu được nắm giữ trực tiếp và gián tiếp của người Mỹ giảm 3 nghìn tỷ USD. Ở thời điểm cuối quý 1, cổ phiếu chiếm 46,3 nghìn tỷ USD, tương đương 31%, tổng tài sản của các hộ gia đình ở nước này.

Hai chỉ số Dow Jones và S&P 500 của thị trường chứng khoán Mỹ giảm gần 5% trong 3 tháng đầu năm, trong khi chỉ số Nasdaq sụt gần 9%. Đó là quý giảm tồi tệ nhất của chứng khoán Mỹ kể từ quý 1/2020 - thời điểm Covid-19 đảo lộn nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Năm nay, những nhân tố gây áp lực giảm lớn lên thị trường chứng khoán Mỹ là cuộc chiến tranh Nga-Ukraine, giá dầu tăng mạnh, lạm phát không ngừng tăng, chính sách tiền tệ thắt chặt của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), cũng như mối lo tiếp diễn về đại dịch Covid.

Tuy nhiên, sự sụt giảm tài sản do biến động thị trường chứng khoán gây ra đã được bù đắp phần nào bởi mức tăng tài sản 1,7 nghìn tỷ USD nhờ tăng giá bất động sản và tỷ lệ tiết kiệm cá nhân ngày càng tăng. Các hộ gia đình và tổ chức phi lợi nhuận ở Mỹ nắm lượng bất động sản trị giá 44,1 nghìn tỷ USD.

Tỷ lệ tài sản ròng của hộ gia đình Mỹ so với thu nhập khả dụng vẫn đang gần mức cao kỷ lục và tiếp tục cao hơn nhiều so với mức trước đại dịch ở thời điểm năm 2019.

Trong khi đó, nợ của hộ gia đình tăng với tốc độ 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái, phản ánh tăng trưởng mạnh ở cả các khoản vay thế chấp nhà và vay tiên dùng – theo Fed.

Giá nhà tiếp tục tăng dẫn tới mức tăng trưởng 8,6% ở các khoản vay thế chấp nhà. Người Mỹ cũng sử dụng thẻ tín dụng nhiều hơn và vay tiền nhiều hơn để mua ô tô, dẫn tới vay tiêu dùng tăng 8,7% trong quý 1 năm nay so với cùng kỳ năm 2021.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate