August 29, 2022 | 15:41 GMT+7

Cổ phiếu dầu khí, phân bón tăng ngoạn mục

Kim Phong -

Thị trường xuất hiện nhịp phục hồi khá tích cực chiều nay, dù độ rộng vẫn rất kém, nhưng cổ phiếu thoát đáy với biên độ lớn. Đặc biệt những cổ phiếu mạnh tăng vượt trội, ngoạn mục nhất là các mã dầu khí, phân bón...

VN-Index được kéo phục hồi khá tốt trong phiên chiều nay.
VN-Index được kéo phục hồi khá tốt trong phiên chiều nay.

Thị trường xuất hiện nhịp phục hồi khá tích cực chiều nay, dù độ rộng vẫn rất kém, nhưng cổ phiếu thoát đáy với biên độ lớn. Đặc biệt những cổ phiếu mạnh tăng vượt trội, ngoạn mục nhất là các mã dầu khí, phân bón.

Phiên chiều có khối lượng cổ phiếu về rất lớn, do thị trường bắt đầu được giao dịch T+2. Thế nhưng không giống với tưởng tượng, lực bán có tín hiệu suy yếu và cầu bắt đáy mạnh dần lên, giúp thị trường hình thành một nhịp đi lên.

VN-Index chốt phiên chỉ còn giảm 11,77 điểm, tương đương 0,92% so với tham chiếu. Mức giảm này là rất nhẹ so với đáy ngay cuối phiên sáng chỉ số mất tới 2,6%. VN30 cũng hồi lên đáng kể, chỉ số của rổ này chốt phiên còn giảm 1,04% so với mức đáy giảm 2,4%.

HoSE kết phiên cũng mới chỉ có 73 mã tăng/399 mã giảm. So với cuối phiên sáng với 31 mã tăng nhưng có tới 430 mã giảm, mức độ cải thiện cũng chưa rõ rệt. Tuy vậy những phiên như hôm nay nên nhìn dưới góc độ phản ứng của những nhà đầu tư sẵn lòng bắt đáy mua vào, hơn là từ những người muốn tháo chạy.

Nhịp đảo chiều ở chỉ số VN-Index có ảnh hưởng của khá nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn, trong đó nổi bật là GAS. Chốt phiên sáng GAS thuộc nhóm giảm nhẹ (-0,35%) và sang chiều thì bật tăng mạnh mẽ. Đà đi lên liên tục giúp GAS đóng cửa tăng ngược tới 2% so với tham chiếu.

Cảm hứng từ GAS đã đẩy cả nhóm cổ phiếu dầu khí chuyển động theo: PVD bật tăng kịch trần 6,97%, PVS tăng 7,41%, PVC tăng kịch trần 10%, BSR tăng 1,95%, PVB tăng 4,65%, PVO tăng 2,11%. Riêng PLX còn giảm 1,38% nhưng so với mức đáy ngay 10 phút đầu phiên chiều giảm tới 4,14% thì đây là cải thiện đáng kể.

Nhóm cổ phiếu phân bón vốn đã mạnh ngay từ sáng, chiều nay càng khỏe hơn: DCM tăng kịch trần 6,91%, DPM tăng 6,8%, BFC tăng 4,45%, LAS tăng 2,11%. Các mã hóa chất như CSV, DGC cũng đảo chiều tăng mạnh tương ứng 3,7% và 0,83%.

Cổ phiếu phân bón, hóa chất tăng nổi bật giữa "biển" cổ phiếu đỏ rực.
Cổ phiếu phân bón, hóa chất tăng nổi bật giữa "biển" cổ phiếu đỏ rực.

Với 73 cổ phiếu vượt tham chiếu thời điểm cuối phiên trên sàn HoSE và khoảng 50 mã trên HNX, khó có thể nói hôm nay là một phiên giao dịch tích cực được. Tuy nhiên ít nhất thị trường cũng cho thấy hiệu ứng của dòng tiền và sự lựa chọn của dòng tiền vẫn còn. Những cổ phiếu thanh khoản rất cao như PVD, DCM, DPM, HDC, MWG, HAG, VCI không thể coi là đại diện tất cả cho các nhóm ngành, nhưng ít nhất là những câu chuyện riêng lẻ có giá trị.

Mặt khác, thị trường hôm nay phản ứng khá tốt trong phiên chiều, ngay cả khi tổng hợp lượng cổ phiếu T+2 và T+3 cùng về tài khoản. Giao dịch trên hai sàn niêm yết phiên chiều khá nhẹ, chỉ đạt 8.372 tỷ đồng khớp lệnh, thấp hơn phiên sáng tới 36%. Điều đó nghĩa là khối lượng cổ phiếu mới khổng lồ đã không bán tống bán tháo như buổi sáng. Thay vào đó, lực bán nhẹ đã giúp cầu bắt đáy nâng được giá dần lên.

Thống kê trên sàn HoSE có 200 mã đảo chiều tăng ít nhất 2% so với đáy trong phiên. Những mã như PAN đảo chiều tới 9,17%, PET đảo chiều 9%, PVD: 8,86%, HDC: 8,13%, CKG: 7,95%, VCI: 7,04%... Thậm chí ngay cả khi còn đỏ thì nhiều cổ phiếu cũng có biên độ phục hồi rất mạnh như VND, ANV, FRT... đều đạt 5%-6%. Điều này nghĩa là nếu nhà đầu tư có khả năng lướt sóng thì biên lợi nhuận ngắn hạn là rất tốt.

Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay bán ròng khá mạnh 371,1 tỷ đồng trên HoSE, trong đó tập trung vào TLG (-102 tỷ), DGC (-54 tỷ), HPG (-33,4 tỷ). Phía mua ròng có DXG (+26,1 tỷ), MSN (+21,4 tỷ) là đáng chú ý. Nhìn chung với tỷ trọng mua chỉ chiếm 3,2% sàn và bán chiếm 5%, nguồn lực từ nhà đầu tư trong nước vẫn là chủ đạo.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate