December 18, 2021 | 09:16 GMT+7

Cổ phiếu dầu khí sẽ là “thế lực mới” trong năm 2022?

Kiều Linh -

Nhìn vào triển vọng hồi phục kinh tế, hầu hết các chuyên gia và công ty chứng khoán đều chung một nhận đình rằng đây là thời điểm tốt để mua cổ phiếu dầu khí đón đầu cho năm 2022...

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Cụ thể, trong báo cáo cập nhật vừa công bố, chứng khoán VnDirect kỳ vọng năm 2022 giá dầu sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao do nhu cầu tiếp tục phục hồi mạnh mẽ trong khi nguồn cung có thể không bắt kịp nhu cầu do các khoản đầu tư mới cho hoạt động thượng nguồn sụt giảm trong nhiều năm, gây khó khăn trong việc gia tăng sản lượng.

GIÁ DẦU BRENT ĐẠT TRUNG BÌNH 75 USD/THÙNG NĂM 2022

Nhu cầu dầu thô thế giới sẽ được thúc đẩy bởi mức tiêu thụ xăng dầu tăng mạnh và hoạt động du lịch quốc tế sôi động trở lại khi nhiều quốc gia mở lại biên giới bên cạnh động lực ngắn hạn đến từ việc chuyển đổi từ khí sang dầu trong ngành điện ở khu vực châu Á và châu Âu. Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) dự báo nhu cầu toàn cầu sẽ tăng 3,3 triệu thùng/ngày lên mức trung bình 100,9 triệu thùng/ngày cho cả năm 2022, tương đương nhu cầu dầu thô trước đại dịch.

Về nguồn cung, trong tháng 11, các nước tiêu thụ dầu lớn do Mỹ dẫn đầu đã tuyên bố giải phóng lượng dầu dự trữ chiến lược nhằm hạn chế đà tăng của giá dầu, nhưng nhiều khả năng đây chỉ là yếu tố ngắn hạn và có tác động hạn chế đến cán cân toàn cầu. Mặc dù sự phục hồi nguồn cung theo sau đà tăng giá dầu có thể đang diễn ra, song nguồn cung sẽ không tăng đủ nhanh để bắt kịp với sự phục hồi nhu cầu dầu thô toàn cầu, và điều này sẽ hỗ trợ cho giá dầu tiếp tục duy trì ở mức cao trong vài quý tới, trung bình 75 USD/thùng trong năm 2022.

Cổ phiếu dầu khí sẽ là “thế lực mới” trong năm 2022? - Ảnh 1

Ở thượng nguồn, giá dầu tăng mạnh sẽ tác động tích cực đến nền tảng cơ bản của các công ty thượng nguồn trong thời gian tới. Hoạt động Thăm dò & Khai thác (E&P) tại Đông Nam Á cũng sẽ được thúc đẩy nhờ giá dầu tăng mạnh, giúp cho thị trường khoan trong khu vực sôi động trở lại trong trung hạn và mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khoan như PVD.

Đối với năm 2022, nhà đầu tư nên để mắt đến dự án khai thác khí trọng điểm Lô B – Ô Môn. Có nhiều tín hiệu cho thấy Chính phủ vẫn sẽ ưu tiên triển khai dự án nhà máy điện Ô Môn III bằng nguồn vốn ODA. Theo đó, VnDiret kỳ vọng Chính phủ sẽ phê duyệt dự án Ô Môn III trong Q2/22 sau khi ban hành Nghị định mới liên quan đến vốn vay ODA, điều này đồng nghĩa với việc các dự án thượng nguồn và trung nguồn liên quan cũng có thể có quyết định đầu tư cuối cùng (FID), tạo tiền đề cho dự án Lô B – Ô Môn khởi công trong nửa cuối năm 2022.

Với tổng vốn đầu tư cho dự án phát triển mỏ và dự án đường ống dẫn khí lần lượt là 6,7 tỷ USD và 1,3 tỷ USD, đây sẽ là động lực tăng trưởng lớn cho các công ty trong chuỗi giá trị dầu khí tại Việt Nam trong dài hạn, củng cố nền tảng cơ bản của ngành và trước hết là cung cấp cơ hội việc làm cho các nhà thầu và nhà cung cấp dịch vụ thượng nguồn nội địa như PVS và PVD.

Ngoài ra, do nhu cầu tiêu thụ điện ở Việt Năm được dự báo sẽ đạt tốc độ trăng trưởng hằng năm kép là 8,1% trong giai đoạn 2021-2030.

Ở hạ nguồn, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước phục hồi trở lại trong trạng thái “bình thường mới”. Thị trường kinh doanh xăng dầu tăng trưởng trong năm 2022, được hỗ trợ bởi: (1) nhu cầu đi lại của người dân và hoạt động sản xuất của Việt Nam phục hồi từ Q4/21 trở đi khi Chính phủ nới lỏng giãn cách xã hội, và (2) mức tiêu thụ các sản phẩm xăng dầu tính theo đầu người ở mức thấp so với các nước trong khu vực.

Bên cạnh đó, là một quốc gia đang phát triển với tốc độ tăng trưởng GDP cao khoảng 7%/năm và tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, nhu cầu ô tô sẽ nhanh chóng phục hồi khi đại dịch được kiểm soát từ Q4/21, mang lại lợi ích cho các nhà phân phối xăng dầu lớn như PLX và PV Oil (OIL).

Theo Dự thảo Kế hoạch Phát triển Năng lượng Quốc gia giai đoạn 2021-2030, Chính phủ dự kiến nhu cầu xăng dầu của Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,5%/năm trong cùng thời kỳ, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng toàn cầu là 1,3%/năm. Đáng chú ý, do tổng lượng xăng dầu tồn kho tăng mạnh do tiêu thụ nội địa sụt giảm trong Q3/21, điều này có thể giúp các đơn vị phân phối xăng dầu cải thiện tỷ suất LNG trong quý sắp tới trong bối cảnh giá bán lẻ xăng dầu đang có xu hướng tăng.

Cổ phiếu dầu khí sẽ là “thế lực mới” trong năm 2022? - Ảnh 2

Ngoài ra, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều kiện kinh doanh xăng dầu thay thế cho Nghị định 83. VnDirect kỳ vọng những thay đổi này có thể sẽ giúp các nhà phân phối xăng dầu như PLX, OIL giảm bớt tác động tiêu cực của việc giảm giá hàng tồn kho trong trường hợp giá dầu thế giới sụt giảm mạnh như 6T20.

Do có mối tương quan cao với giá dầu Brent, VnDirect cho rằng giá dầu sẽ vẫn là một trong những động lực chính đối với các cổ phiếu dầu khí trong năm tới.

CƠ HỘI ĐẦU TƯ

Trong báo cáo về triển vọng nhóm dầu khí mới đây, Chứng khoán Mirae Asset cũng cho rằng nhóm dầu khí sẽ hồi phục mạnh trong năm 2022. Giá dầu đã thiết lập đỉnh cao mới trong 5 năm trong 2021 và đang hướng về vùng giá trên 100 USD/thùng của năm 2013 – 2014. Nguồn cung dầu mỏ được dự báo sẽ tăng chậm trong thời gian tới trong khi nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ đang hồi phục mạnh, cụ thể trong tháng 11/2021 nhu cầu của thế giới đã vượt 100 triệu thùng/ngày.

Điểm hòa vốn trung bình của các dự án khai thác dầu khí ngoài khơi của khu vực Đông Á hiện nay vào khoảng 55 USD/thùng. Vì vậy, với mức giá hiện nay, chúng tôi kỳ vọng các dự án thăm dò, khai thác sẽ được tái khởi động tạo nên sự sôi động cho khâu thượng nguồn trong năm 2022. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khoan, xây lắp giàn khoan, kho nổi dự kiến có được các hợp đồng mới với giá trị cao hơn.

Ngoài ra, các dự án lớn trong nước cũng được kỳ vọng sẽ triển khai nhanh, trong đó dự án Lô B Ô Môn đang có những dấu hiệu tích cực. Trong mảng này các doanh nghiệp niêm yết có kinh doanh như PVD, PVS. Ngoài ra còn có GAS tham gia đầu tư vào dự án Sư Tử Trắng.

Cổ phiếu dầu khí sẽ là “thế lực mới” trong năm 2022? - Ảnh 3


Hoạt động vận tải dầu và khí đang bước vào giai đoạn tăng trưởng: Nhu cầu vận tải dầu năm 2022 sẽ gia tăng khi nhu cầu tiêu thụ sản phẩm hóa dầu từ các dự án Dung Quất, Nghi Sơn hồi phục. Từ 2023, khi dự án lọc dầu Long Sơn hoàn thành sẽ tiếp tục làm tăng nhu cầu vận tải.

Nhu cầu nhập khẩu LPG trong năm 2021 dự kiến sẽ tăng trưởng trên 20% và dự báo sẽ duy trì mức tăng trưởng từ 20 – 22% đến năm 2025. Nhu cầu nhập khẩu LNG sẽ tiếp tục thúc đẩy việc xây dựng hệ thống kho chứa. Giai đoạn đến năm 2025 dự kiến có thêm 4 dự án LNG sẽ khởi công, trong đó dự án LNG Thị Vải GĐ 2 và LNG Sơn Mỹ GĐ 1 do GAS tham gia đầu tư có tính khả thi cao.

Ông Nguyễn Đức Nhân, Giám đốc Trung tâm kinh doanh, Công ty Chứng khoán KB cũng cho rằng kỳ vọng sau dịch Covid được khống chế thì nhu cầu về năng lượng thế giới tăng mạnh. Nhóm cổ phiếu dầu khí đang hấp dẫn hơn nhiều so với chỉ số Vn-index và hấp dẫn hơn so với các ngành khác. Nếu nhìn triển vọng 3-6 tháng thì đây là các cổ phiếu có cơ hội.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate