Trong báo cáo đánh giá thị trường những ngày cuối cùng của năm 2021, Chứng khoán Agriseco Research duy trì quan điểm tích cực đối với thị trường nhờ hai động lực chính.
Thứ nhất, kết quả kinh doanh Quý 4/2021 của các doanh nghiệp sẽ được công bố trong thời gian tới. Thông thường đây là quý có điểm rơi lợi nhuận cao nhất với việc nhiều nhóm doanh nghiệp sẽ tập trung ghi nhận kết quả kinh doanh. Trong Quý 3/2021 mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid, tổng lợi nhuận các doanh nghiệp trên sàn vẫn tăng 56,3% so với cùng kỳ 2020. Với việc mở cửa lại nền kinh tế, khôi phục sản xuất, kỳ vọng thời gian tới sẽ có nhiều doanh nghiệp công bố mức lợi nhuận tăng trưởng mạnh mẽ.
Thứ hai, Chính phủ đang nghiên cứu các gói kích thích hỗ trợ nền kinh tế với tổng quy mô kỳ vọng ở mức rất lớn. Kỳ vọng thời gian tới các thông tin chi tiết của gói hỗ trợ sẽ được công bố và tạo ra tác động lan tỏa và là cú hích lớn tới tâm lý thị trường.
Agriseco đánh giá triển vọng chung của thị trường vẫn rất tích cực, tuy nhiên cơ hội sẽ không đồng đều với các nhóm ngành mà sẽ có sự phân hóa. Theo công ty chứng khoán này, thống kê dữ liệu lớn được thực hiện bởi Agriseco đã chỉ ra tính chu kỳ khá rõ nét tại 1 số nhóm cổ phiếu.
Cụ thể trong khoảng thời gian 1 tháng tới (từ ngày 15/12 tới ngày 15/1 năm sau), thường là giai đoạn tăng điểm của nhiều nhóm cổ phiếu gồm: Dịch vụ Tài chính, Ngân hàng, Bất động sản, Nhựa cao su & sợi.
Thứ nhất, với nhóm dịch vụ tài chính, tỷ suất trung bình theo Agriseco là 10,4%. Mảng môi giới và tự doanh thúc đẩy tăng trưởng. Theo số liệu từ VSD,
số lượng tài khoản chứng khoán mở mới từ đầu năm tới nay đã đạt trên 1,3 triệu đơn vị, lớn hơn so với tổng cộng cả 4 năm từ 2017 – 2020. Thanh khoản thị trường cũng được cải thiện đáng kể, theo thống kê mức thanh khoản bình quân mỗi phiên từ đầu năm đạt 21.326 tỷ đồng/phiên, tăng hơn 243% so với mức trung bình của năm 2020.
Ngoài mảng môi giới được hưởng lợi từ sự bùng nổ của thanh khoản thị trường, mảng tự doanh của nhiều công ty chứng khoán cũng đã gặt hái được thành công trong năm nay khi thị trường chung tăng điểm tích cực, so với đầu năm, VN-Index đã tăng 43%.
Về trung và dài hạn, nhóm này vẫn được đánh giá tích cực nhờ thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục thu hút dòng tiền tốt trong thời gian tới do: (1) mặt bằng lãi suất vẫn duy trì ở mức thấp và môi trường lạm phát đang được kiểm soát tốt; (2) triển vọng về nâng hạng thị trường; (3) sự xuất hiện của các sản phẩm tài chính mới như bán khống, T+0,... Từ những lý do này, triển vọng lợi nhuận của các công ty chứng khoán trong thời gian tới vẫn sẽ giữ được sự tích cực.
Nhóm thứ hai là ngân hàng với tỷ suất trung bình 10,2%. Tăng trưởng tín dụng kỳ vọng phục hồi trong Quý 4 và năm 2022. Agriseco kỳ vọng tốc độ tăng trưởng tín dụng trong Quý 4/2021 sẽ phục hồi tích cực khi các hoạt động kinh tế dần lại bình thường. Tín dụng đã có dấu hiệu tăng trở lại vào Tháng 10, đáng chú ý chỉ trong 3 tuần cuối tháng 10, tổng tín dụng đã tăng tích cực 1,28% so với tốc độ trung bình khoảng 0,48%/tháng Q3 và 1,07%/tháng 6 tháng đầu năm.
Nợ xấu có thể tiếp tục gia tăng nhưng vẫn trong tầm kiểm soát: Nợ cần chú ý (Nợ nhóm 2) của các ngân hàng tăng trong Quý 3 có thể gây áp lực tăng nợ xấu trong tương lai. Tuy nhiên, các ngân hàng đã chủ động đẩy mạnh trích lập dự phòng lên mức cao kỷ lục, đồng thời thị trường bất động sản (tài sản đảm bảo chính của các ngân hàng) duy trì mặt bằng giá và thanh khoản tích cực sẽ là những điều kiện thuận lợi để các ngân hàng xử lý nợ trong trường hợp xấu.
Trước diễn biến thị trường thuận lợi, nhiều ngân hàng đã và đang có kế hoạch phát hành tăng vốn trong thời gian tới. Việc tăng vốn thông qua phát hành riêng lẻ hoặc phát hành cho cổ đông hiện hữu sẽ giúp các ngân hàng gia tăng vốn chủ sở hữu, từ đó cải thiện hệ số an toàn vốn CAR và tăng trưởng kinh doanh trong dài hạn. Quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, nhiều ngân hàng đang dần hình thành hệ sinh thái ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm với các sản phẩm tài chính công nghệ 4.0 giúp gia tăng giá trị thặng dư.
Nhóm thứ ba là Nhựa cao su và sợi với tỷ suất 8,8%. Các tháng cuối năm thường là mùa cao điểm của ngành cao su do đây là giai đoạn ngay trước khi cây cao su thay lá. Giá cao su trên thị trường quốc tế cũng đang hồi phục khá tốt sau khi đã phát đi tín hiệu tạo đáy vào cuối tháng 09 vừa qua.
Đà hồi phục của giá cao su sẽ mang tính bền vững do: (1) giá dầu thô tăng mạnh thời gian qua đã kéo theo giá của sản phẩm cao su nhân tạo; (2) theo Hiệp hội Cao su Thế giới, tình trạng thiếu hụt mủ cao su sẽ tăng lên vào năm tới khi các quốc gia lớn khôi phục hoạt sản xuất công nghiệp sau đại dịch. Nhìn chung, sự hồi phục của giá bán và sản lượng sẽ là động lực để các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác, kinh doanh mủ cao su ghi nhận lợi nhuận quý IV tăng trưởng tích cực.
Theo số liệu từ Cục Xuất nhập khẩu, tổng sản lượng xuất khẩu cao su trong 11 tháng vừa qua đã đạt hơn 1,7 triệu tấn tăng 12% so với cùng kỳ. Kỳ vọng tăng trưởng của hoạt động xuất khẩu sẽ được duy trì trong tháng 12 và năm 2022 khi giá cước vận tải BDI tính đến nay đã giảm hơn một nửa so với vùng đỉnh hồi tháng 10. Ngoài ra, một số công ty cao su ghi nhận lợi nhuận đột biến từ việc đền bù đất khu công nghiệp.
Cuối cùng là bất động sản với tỷ suất trung bình 7,4%. Mặt bằng lãi suất cho vay mua nhà hiện nay vẫn đang được duy trì thấp và dự báo vẫn ở mức dưới 10% trong năm 2022. Điều này là yếu tố thúc đẩy nhu cầu đầu tư bất động sản trong thời gian tới. Đồng thời, các chính sách nới lỏng tiền tệ, tài khóa, các
gói hỗ trợ hậu Covid sẽ được phê duyệt; tạo thêm dư địa tăng trưởng cho ngành bất động sản.
Các doanh nghiệp bất động sản còn được hưởng lợi từ đầu tư công: Việc đẩy nhanh tiến độ phát triển hạ tầng sẽ giúp nâng tầm mặt bằng giá bất động sản trong khu vực, đồng thời cũng là chất xúc tác tăng trưởng cho ngành trong trung – dài hạn. Cuối năm thường là thời điểm các doanh nghiệp bất động sản thực hiện bàn giao dự án và ghi nhận lợi nhuận. Một số doanh nghiệp có khoản mục "để dành" thể hiện ở số dư "Người mua trả tiền trước tăng tốt sẽ có tiềm năng ghi nhận lợi nhuận đột biến vào quý tới đây.