Cụ thể, theo số liệu thống kê, 11 tháng năm 2021, nhà đầu tư cá nhân đã mua ròng kỷ lục 91.500 nghìn tỷ đối ứng với lực bán mạnh của nước ngoài và tổ chức trong nước. Trong đó, nhóm bất động sản, tài nguyên cơ bản gồm thép và ngân hàng được nhà đầu tư cá nhân trong nước mua ròng mạnh nhất. Tiếp theo là nhóm dịch vụ tài chính, thực phẩm và đồ uống.
Top 5 cổ phiếu được nhà đầu tư cá nhân mua ròng nhiều nhất là HPG, VPB, VNM, CTG và VIC. Ở chiều ngược lại, MWG, MSN, TCB, TPB và OCB là những mã bị bán ròng mạnh nhất 11 tháng năm 2021.
Ở chiều ngược lại, nhà đầu tư nước ngoài cũng lập kỷ lục bán ròng trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam với giá trị bán 60.000 tỷ đồng, tỷ lệ sở hữu giảm 3,5% trong vòng 2 năm qua. Trong khi nhà đầu tư trong nước mua ròng mạnh tại ba nhóm ngân hàng, thép và thực phẩm đồ uống thì đây lại là 3 nhóm nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh nhất.
Đối với giao dịch nội bộ gồm cổ đông nội bộ, tổ chức liên quan, lãnh đạo và người liên quan bán ròng 15.500 tỷ đồng trong 11 tháng vừa qua và sôi động nhất trong những tháng cuối năm. Ước tính trong tháng 12, nhóm này tiếp tục bán ròng 1.002 tỷ đồng.
Bán ròng tập trung ở nhóm thực phẩm đồ uống, xây dựng vật liệu và tài nguyên cơ bản, hoá chất, ngân hàng, công nghệ thông tin. Ngược lại, nhóm này mua ròng ở nhóm Dầu khí, Hàng dịch vụ và Công nghiệp, truyền thông, dịch vụ tài chính, bất động sản, bán lẻ...
Trong đó cổ đông tổ chức bán ròng mạnh nhất, riêng tháng 9 bán ròng 7.000 tỷ đồng. Suốt 11 tháng năm 2021, chỉ có hai tháng duy nhất cổ đông tổ chức mua ròng là tháng 4 và tháng 7 giá trị không đáng kể.
Ghi nhận của VnEconomy cũng cho thấy, thời điểm Vn-Index chính thức phá đỉnh lịch sử mới 1.500 điểm tháng 11 tới nay, lãnh đạo và người nhà nhiều doanh nghiệp đồng loạt bán ra cổ phiếu thu lời hàng chục, hàng trăm tỷ đồng.
Đơn cử, mới đây nhất, ông Nguyễn Trung Kiên, em trai ông Nguyễn Việt Cường - Chủ tịch HĐQT Công ty CP KOSY (KOS) đã bán thỏa thuận 3,5 triệu cổ phiếu KOS vào ngày 13/12/2021. Sau giao dịch, ông Kiên giảm tỷ lệ sở hữu tại KOS từ 3,68% tương đương gần 8 triệu cổ phiếu về còn 2,06% gần 4,5 triệu cổ phiếu. Trong khi đó, cá nhân ông Cường đang sở hữu gần 102 triệu cổ phiếu KOS, chiếm 46,95% vốn điều lệ của Công ty.
Trong phiên 13/12/2021, dữ liệu ghi nhận giá trị giao dịch thỏa thuận được em trai Chủ tịch thực hiện là 105 tỷ đồng. Như vậy, ước tính ông Kiên đã bán khối lượng cổ phiếu trên với mức giá giao dịch trung bình là 30.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 5% so với giá đóng cửa của phiên này, ước tính thu về 105 tỷ đồng. Trên thị trường, giá cổ phiếu KOS sau khi lập đỉnh tại 34,900 đồng/cp (phiên 05/11/2021) đã điều chỉnh, giảm còn 31.700 đồng/cp đóng phiên 15/12/2021, mức giảm tương đương 9%.
Tại Công ty CP Đầu tư LDG, khoảng thời gian từ ngày 29/11-13/12, ông Nguyễn Khánh Hưng – Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư LDG (LDG) đã bán thành công 3 triệu cổ phiếu được đăng ký trước đó. Toàn bộ giao dịch của ông Hưng đều được thực hiện thông qua khớp lệnh trên sàn. Chiếu theo giá đóng cửa trung bình, ước tính vị Chủ tịch thu về hơn 41 tỷ đồng sau thương vụ. Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của ông tại Công ty giảm từ 12,54% xuống còn 11,29%. Ngoài ông Hưng, trong tháng 11 vừa qua, 2 người nội bộ khác của LDG cũng đã có động thái đăng ký thoái vốn.
Dự kiến, những ngày cuối cùng của năm 2021 giao dịch bán ra cổ phiếu của người nội bộ doanh nghiệp còn sôi động hơn nữa. Mới đây nhất, vì nhu cầu cá nhân, bà Cao Thị Ngọc Dung – Chủ tịch HĐQT CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) đăng ký bán 5 triệu cổ phiếu PNJ trong thời gian 14/12/2021 – 12/01/2022. Nếu giao dịch được thực hiện thành công, Chủ tịch PNJ sẽ không còn là cổ đông lớn của Công ty khi giảm tỷ lệ sở hữu từ 5% gần 11,4 triệu cổ phiếu xuống còn 2,8% gần 6,4 triệu cổ phiếu. Với giá cổ phiếu PNJ kết phiên 15/12/2021 là 96.500 đồng/cp), ước tính Chủ tịch PNJ có thể thu về hơn 480 tỷ đồng.