Cổ phiếu PacWest “bốc hơi” 50% trong phiên giao dịch ngoài giờ sau khi thị trường chứng khoán Mỹ đã đóng cửa phiên giao dịch chính thức ngày thứ Tư (3/5). Nhà băng khu vực đặt ở bang California này trở thành ngân hàng cỡ trung mới nhất phải tìm kiếm một “phao cứu sinh” giữa lúc hệ thống tài chính Mỹ trải qua biến động tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng 2008.
Nguồn thạo tin tiết lộ với tờ Financial Times rằng PacWest đã đề nghị ngân hàng đầu tư Piper Sandler giúp rà soát các lựa chọn chiến lược, bao gồm bán lại. Tuy nhiên, chưa có kế hoạch bán lại nào được khởi động và PacWest cũng đang cân nhắc khả năng huy động thêm vốn mới - nguồn tin cho hay.
Cân nhắc của PacWest diễn ra chỉ vài ngày sau khi Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi Liên bang (FDIC) tiếp quản một ngân hàng khu vực khác là First Republic Bank và bán lại hầu hết các khoản vay, tiền gửi và tài sản khác của First Republic cho ngân hàng JPMorgan Chase. Cách đây 6 tuần, PacWest tuyên bố sẽ cải thiện thanh khoản bằng cách huy động 1,4 tỷ USD thông qua một chương trình cho vay được hậu thuẫn bởi công ty đầu tư Atlas SP Partners.
Cổ phiếu Western Alliance, một ngân hàng khác đang thu hút sự chú ý của nhà đầu tư, cũng giảm hơn 1/4 trong phiên ngoài giờ ngày thứ Tư. Hai nhà băng khác là Zions Bancorp và Comerica giảm khoảng 10% mỗi cổ phiếu.
Trước First Republic, đã có 3 ngân hàng khu vực khác của Mỹ đổ bể trong tháng 3, gồm Silvergate Bank, Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank.
PacWest đã rơi vào “tầm ngắm” của thị trường tài chính và giới chức Mỹ sau vụ sập SVB hôm 10/3. Đó là bởi PacWest có nhiều điểm tương đồng với SVB, bao gồm mối quan hệ chặt chẽ với cộng đồng startup công nghệ, có lượng lớn tiền gửi không thuộc diện bảo hiểm, và thua lỗ chưa hiện thức hoá ở danh mục đầu tư trái phiếu.
Có trụ sở ở Beverly Hills, PacWest vào tháng trước cho biết đã bị rút ròng hơn 5 tỷ USD tiền gửi trong quý 1. Tuy nhiên, ngân hàng này nói đã giải quyết được tình trạng “chảy máu” tiền gửi và nhận được hơn 1 tỷ USD tiền gửi kể từ tháng 3. PacWest cũng cho biết lượng tiền gửi ở thời điểm đó đạt gần 29 tỷ USD, nên quy mô của ngân hàng này nhỏ hơn nhiều so với SVB hay First Republic.
Trong vụ sập First Republic, JPMorgan Chase đã nhất trí mua lại 173 tỷ USD trong số các khoản vay, cùng 30 tỷ USD chứng khoán và 92 tỷ USD tiền gửi.
Giá cổ phiếu PacWest đã giảm 77% từ đầu tháng 3 tới nay. Tỷ lệ bán khống đối với cổ phiếu PacWest đã tăng vọt từ mức chưa đầy 1% vào thời điểm cuối tháng 1 lên mức 25% trong tuần này.
Sau một thời gian đạt lợi nhuận ít ỏi, PacWest báo lỗ ròng 1,21 tỷ USD trong quý 1 năm nay. Ngoài ra, PacWest còn có 860 triệu USD thua lỗ chưa được hiện thực hoá trong danh mục đầu tư trái phiếu. Tuu nhiên, tỷ lệ tiền gửi không thuộc diện bảo hiểm ở PacWest đã giảm xuống mức 29% từ 52% trước đó.
Hơn 3/4 vốn vay mà PacWest cấp cho khách hàng là cho vay bất động sản - một lĩnh vực đương đầu nhiều rủi ro trong môi trường lãi suất tăng; 8% cấp cho các dự án đầu tư mạo hiểm. Ở thời điểm cuối tháng 3, bộ phận phục vụ khách hàng trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm của PacWest có 6 tỷ USD tiền gửi.
“Thị trường đang tìm kiếm quân cờ domino tiếp theo có khả năng đổ xuống”, nhà phân tích ngân hàng kỳ cựu Christopher McGratty nói với hãng tin CNBC. “Chúng ta đang ở trong một tình thế rất giống với hồi tháng 3, khi cổ phiếu được giao dịch theo nỗi sợ hãi và tâm trạng chứ không dựa trên các yếu tố nền tảng”.
Nhưng điều đó sẽ không khiến cho mối nguy đối với các ngân hàng cỡ trung trở nên bớt thực hơn. Sức ép đối với cổ phiếu ngân hàng có thể khiến người gửi tiền một lần nữa ồ ạt rút tiền.
“Chúng tôi tin tưởng vào thanh khoản và mức vốn của các ngân hàng sau quý 1, nhưng không thể phớt lờ rủi ro mà ở đó sức ép của thị trường đối với cổ phiếu ngân hàng có thể dẫn tới một vòng xoáy đi xuống”, nhà phân tích John Pancari của Evercore ISI nhận định trong một báo cáo.