August 24, 2021 | 12:57 GMT+7

Cổ phiếu thủy sản: Xuất khẩu giảm kéo dài đến quý 4/2021?

An Nhiên -

Sóng cổ phiếu thủy sản có vẻ hơi ngắn khi vừa nổi được một thời gian đã lại ngập trong thông tin tiêu cực từ Covid-19. Triển vọng ngành được dự báo tích cực, tuy nhiên, trong một tuần trở lại đây, cổ phiếu nhóm này lại rực lửa...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Hầu hết các doanh nghiệp thủy sản niêm yết đều có lợi nhuận ròng trong quý 1/2021 giảm do chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng nhanh hơn so với giá bán bình quân và chi phí logistics cao hơn.

Bước sang quý 2, triển vọng nhóm này trở nên tốt hơn khi mà xuất khẩu thủy sản đã trở nên hồi phục mạnh mẽ kể từ tháng 4/2021. Sự phục hồi đã diễn ra trong giai đoạn tháng 3-tháng 4/2021, khi xuất khẩu thủy sản tăng lần lượt 17% -30% so với cùng kỳ.

SÓNG NGẮN CỔ PHIẾU THỦY SẢN

6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam tăng 18% so với cùng kỳ đạt 788 triệu USD, được thúc đẩy bởi nhu cầu phục hồi của Mỹ đối với dịch vụ ăn uống sau khi nền kinh tế mở cửa trở lại. Sản lượng xuất khẩu cá tra trở lại mức trước Covid, tăng 19% so với cùng kỳ, trong đó sản lượng xuất khẩu sang Mỹ tăng 60%. Tương tự, kim ngạch xuất khẩu tôm tăng 13% so với cùng kỳ, đạt 1,7 tỷ USD do nhu cầu tăng ở các thị trường chính như Mỹ, EU và Nhật Bản.

Hầu hết các công ty thủy sản đều ghi nhận mức tăng trưởng tích cực về doanh thu và lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm 2021. Đáng chú ý, VHC và FMC đạt mức tăng trưởng doanh thu hai con số, chủ yếu nhờ xuất khẩu sang Mỹ tăng.

Trên thị trường chứng khoán, sau suốt một thời gian dài lặng sóng, cổ phiếu nhóm thủy sản đã bứt phá trong giai đoạn tháng 6 và tháng 7 dựa trên nền lợi nhuận tích cực và tín hiệu xuất khẩu khả quan.

Hầu hết các dự báo đều cho rằng đến cuối năm 2021, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam có thể được hưởng lợi từ 2 cơ hội chính: Giành thị phần từ đối thủ cạnh tranh có sản lượng sản xuất bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 và Tiếp tục tăng trưởng từ mảng bán lẻ và bán hàng trực tuyến trong khi nhu cầu từ kênh nhà hàng sẽ sớm phục hồi.

Cổ phiếu thủy sản: Xuất khẩu giảm kéo dài đến quý 4/2021? - Ảnh 1

Cụ thể, với mặt hàng tôm, xuất khẩu được dự báo sẽ tiếp tục tăng do nhu cầu toàn cầu tăng nhẹ trong khi nguồn cung từ nhiều nước sản xuất sẽ giảm do Covid. Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã công bố kết quả thuế quan chống bán phá giá sơ bộ rằng tôm Ấn Độ sẽ bị đánh thuế ở mức kỷ lục 7,57%. Thuế chống bán phá giá này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho khả năng cạnh tranh về giá bán của Việt Nam.

Ngoài nhu cầu tăng từ thị trường chính, nhu cầu đối với tôm Việt Nam cũng sẽ hưởng lợi từ những khó khăn của các đối thủ cạnh tranh. Đặc biệt, nguồn cung tôm từ Ấn Độ và Indonesia bị suy giảm do Covid-19 và hầu như chưa phục hồi trước mùa lễ hội cuối năm, mở ra cơ hội cho các nhà sản xuất Việt Nam.

Ngoài ra, việc thay đổi hành vi của người tiêu dùng đối với các sản phẩm tôm chế biến sẽ thúc đẩy xuất khẩu tôm của Việt Nam ngay cả sau đại dịch. Theo McKinsey, người tiêu dùng Hoa Kỳ và EU có xu hướng duy trì nấu ăn ở nhà nhiều hơn sau đại dịch, dẫn đến nhu cầu thực phẩm đóng gói và chế biến gia tăng. Tôm chế biến là lợi thế cạnh tranh của Việt Nam, nhờ đó được hưởng lợi từ sự gia tăng nhu cầu này. Giá bán tôm do đó được kỳ vọng sẽ tăng nhanh hơn giá tôm nguyên liệu.

Với mặt hàng cá tra, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra được hưởng lợi từ nhu cầu tại Mỹ phục hồi. Với nhu cầu sản phẩm thủy sản tăng mạnh tại Mỹ, giá bán trung bình của cá tra và tôm đã tăng lần lượt 15% và 5% trong 6 tháng đầu năm 2021 kể từ cuối năm 2020.

Cổ phiếu thủy sản: Xuất khẩu giảm kéo dài đến quý 4/2021? - Ảnh 2

Triển vọng tích cực là vậy, tuy nhiên, trong một tuần trở lại đây, cổ phiếu nhóm này lại rực lửa do tác động tiêu cực của Covid-19 lên triển vọng ngành. VHC của Công ty CP Vĩnh Hoàn giảm 8,5% trong vòng một tuần trở lại; ANV giảm 12,5%; FMC giảm 9%; ACL giảm 6,2%…

VÌ ĐÂU ĐẾN NỖI?

Covid-19 - biến số bất định với toàn bộ nền kinh tế gồm cả thủy sản. Chỉ thị 16 của Chính phủ nhằm thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến thể Delta đã khiến các doanh nghiệp thủy sản gặp khó.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), trước kia, mọi chi phí nguyên vật liệu đã tăng, nay doanh nghiệp lo thêm chi phí ăn ở, sinh hoạt, phụ cấp cho người lao động ở lại làm việc “3 tại chỗ”. Trong khi công suất chế biến, lượng hàng mua - xuất đều giảm thì chi phí chi phí điện, chi phí bao bì, phí xét nghiệm cho công nhân, tài xế vận chuyển hàng, chi phí logistics, cước vận tải biển đều tăng từ 5 - 7 lần.

Bị ảnh hưởng từ Covid-19, nhiều nhà máy bao bì, dịch vụ, nguyên vật liệu phụ trợ buộc đóng cửa. Để tìm nguồn cung thay thế, các doanh nghiệp liên tục tìm các nhà cung cấp, tuy nhiên hầu hết đều đàm phán kéo dài thời gian giao hàng. Cước vận chuyển đường biển tăng phi mã, thiếu container, thời gian thanh toán và giao hàng của nhà nhập khẩu cũng lâu hơn do cảng quốc tế bị ách tắc.

Trong báo cáo cập nhật ngành thủy sản vừa công bố, Chứng khoán VDSC cũng cho rằng triển vọng nguồn cung vốn đã khó khăn đối với thủy sản Việt Nam càng thêm phức tạp do các biện pháp giãn cách xã hội được thực hiện để ngăn chặn sự lây lan của biến thể Delta có hiệu lực vào ngày 19/07. Nhiều nhà máy chế biến thủy sản đã phải đóng cửa, và những nhà máy có thể tiếp tục hoạt động phải giảm công suất hoạt động, đồng thời phải thực hiện “3 tại chỗ” và xét nghiệm nhanh Covid thường xuyên với các công nhân tại nhà máy.

Trong tháng 7/2021, giá trị xuất khẩu thủy sản đã giảm 4% so với cùng kỳ sau khi tăng 15% so với cùng kỳ đạt 4,1 tỷ USD trong 6 tháng năm 2021. Số lượng nhân viên chỉ chiếm 30-50% mức bình thường gây ra sụt giảm công suất khoảng 50 - 60% công suất sản xuất. Theo Undercurrent News, sản lượng xuất khẩu cá tra của Việt Nam đã giảm khoảng 18% so với tháng trước trong tháng 7.  

Cổ phiếu thủy sản: Xuất khẩu giảm kéo dài đến quý 4/2021? - Ảnh 3

Theo AgroMonitor, trong nửa đầu tháng 8, sản lượng xuất khẩu cá tra giảm mạnh hơn 30% so với cùng kỳ. Do đó, VDSC kỳ vọng rằng các công ty thủy sản sẽ bắt đầu chứng kiến xuất khẩu giảm mạnh kể từ tháng 8 trở đi. Sự sụt giảm này có thể diễn ra tiếp tục vào quý 4/2021 do các ca nhiễm Covid-19 ở Việt Nam vẫn chưa có dấu hiệu được kiểm soát.

“Nhìn chung, nhu cầu đã dồi dào nhưng nguồn cung thủy sản trong nước chưa thể đáp ứng đủ do công suất hoạt động thấp, dẫn đến triển vọng xuất khẩu của ngành trong nửa cuối năm 2021 tương đối kém khả quan. Nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát giúp các doanh nghiệp trở lại sản xuất bình thường trong nửa cuối năm nay, chúng tôi tích cực về triển vọng của ngành thủy sản trong năm 2022”, VDSC nhấn mạnh.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate