June 28, 2022 | 15:51 GMT+7

“Cổ phiếu vua” trở lại, thanh khoản tăng cao

Kim Phong -

Nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục tăng rực rỡ trong phiên chiều như thể một khoản đảm bảo cho chỉ số tăng cao thêm. Tới 8/10 mã dẫn dắt VN-Index phiên này thuộc về nhóm ngân hàng và đóng góp thanh khoản cũng lên cao nhất 7 tuần...

VN-Index được nhóm cổ phiếu ngân hàng kéo lên mạnh trong buổi chiều.
VN-Index được nhóm cổ phiếu ngân hàng kéo lên mạnh trong buổi chiều.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục tăng rực rỡ trong phiên chiều như thể một khoản đảm bảo cho chỉ số tăng cao thêm. Tới 8/10 mã dẫn dắt VN-Index phiên này thuộc về nhóm ngân hàng và đóng góp thanh khoản cũng lên cao nhất 7 tuần.

Cổ phiếu ngân hàng điều chỉnh rất mạnh kể từ đầu năm đến nay, phần lớn tạo đỉnh trước VN-Index. Bốc hơi 30-40% giá trị, nhiều cổ phiếu nhóm này bị coi là “của nợ”, nhưng lúc này lại bắt đầu hấp dẫn trở lại.

Tương tự nhiều cổ phiếu/nhóm cổ phiếu khác, ngân hàng đã kiểm định đáy tháng 5/2022 và thoát đáy đến T+5 hoặc T+7. Mức giảm sâu trước đó đột nhiên trở thành lợi thế thu hút dòng tiền.

Cổ phiếu ngân hàng giao dịch sôi động giúp thanh khoản thị trường phục hồi mạnh và tăng đáng kể. Điều này gợi nhớ lại giai đoạn đột biến thanh khoản 40-50 ngàn tỷ đồng vừa qua, cổ phiếu ngân hàng cũng là trụ cột về thanh khoản.

Hôm nay trong 10 cổ phiếu giao dịch lớn nhất toàn thị trường, cổ phiếu ngân hàng có 3 mã là MBB, VPB và STB. Tính chung tất cả các cổ phiếu ngân hàng trên sàn HoSE, giá trị khớp lệnh đạt 2.511 tỷ đồng, tăng 90% so với hôm qua, tăng 74% so với mức trung bình tuần trước. Tỷ trọng thanh khoản của cổ phiếu ngân hàng cũng đóng góp 20,1% tổng giá trị khớp lệnh sàn HoSE, là tỷ trọng cao nhất trong 7 tuần trở lại đây.

Nhờ giao dịch mạnh của cổ phiếu ngân hàng, sàn HoSE hôm nay cũng tăng 28% giao dịch, đạt gần 12.521 tỷ đồng. Đặc biệt trong rổ VN30, các mã ngân hàng chiếm tới gần 41% tổng giá trị phiên này.

Không chỉ giúp kéo thanh khoản lên, nhóm “cổ phiếu vua” cũng đóng góp lớn cho chỉ số VN-Index và VN30-Index tăng mạnh hôm nay. Trong 10 mã kéo điểm của VN-Index, ngân hàng chiếm 8 mã là BID tăng 5,98%, VCB tăng 1,87%, CTG tăng 4,3%, VPB tăng 3,81%, TCB tăng 3,23%, VIB tăng 6,76%, EIB tăng 6,68% và MBB tăng 2,49%. VN-Index tăng 15,28 điểm tương đương 1,27%, thì xấp xỉ 10 điểm đến từ những mã nói trên.

Hai cổ phiếu ngân hàng duy nhất đỏ trên thị trường là SGB giảm 0,74% và NVB giảm 1,59%. Tuy nhiên 2 mã này vừa nhỏ, thanh khoản lại thấp. Ngoài SSB tăng yếu 0,32%, cổ phiếu ngân hàng còn lại giảm nhẹ nhất là BVB cũng là +1,5%. Tới 17/27 cổ phiếu ngân hàng tăng trên 3% hôm nay cho thấy sức mạnh đồng đều ở nhóm này.

Cổ phiếu ngân hàng tăng nổi bật trong nhóm vốn hóa lớn nhất của VN-Index.
Cổ phiếu ngân hàng tăng nổi bật trong nhóm vốn hóa lớn nhất của VN-Index.

Ngoài ngân hàng, phần còn lại của thị trường cũng mạnh. Midcap tăng 1,62%, Smallcap tăng 1,14%. Độ rộng HoSE ghi nhận 326 mã tăng/126 mã giảm, với 27 mã kịch trần, 104 mã tăng từ 2% trở lên, 60 mã tăng trên 1%. Mức tăng giá như vậy thể hiện một phiên giao dịch rất tích cực.

Trong số các trụ, nhóm kiềm chế đà đi lên của VN-Index là NVL giảm 4,7%, HPG giảm 1,75%, VIC giảm 0,27%, VNM giảm 0,42%. Các mã này cũng có chuyển biến khá tốt lúc đóng cửa, chẳng hạn VIC xuất hiện lực cầu gần 1,26 triệu cổ kéo từ 72.700 đồng lên 73.600 đồng lúc đóng cửa.

Nhóm cổ phiếu kịch trần chiều nay tiếp tục xuất hiện nhiều mã có tính đầu cơ cao như FLC, TSC, DLG, OGC, ROS, HAR, FIT, DQC... Các mã bất động sản nhỏ chiếm khá nhiều.

Với giá trị khớp lệnh trên 13,8 ngàn tỷ đồng trên hai sàn niêm yết hôm nay, thị trường đánh dấu việc thanh khoản quay lại ngưỡng trung bình thấp sau hai phiên cuối tuần trước tụt xuống dưới mốc 10 ngàn tỷ đồng. Việc thanh khoản cải thiện dần sau tuần kiểm định đáy giảm giao dịch đột biến là một tín hiệu tốt. Dòng tiền dường như bắt đầu quay lại mạnh mẽ hơn, dù còn kém xa giai đoạn bình thường trong khoảng 15-20 ngàn tỷ đồng trước đó.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate