Theo đó, Nghị định số 78/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 quy định điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa, được sửa đổi, bổ sung bởi các nghị định sau: (i) Nghị định số 128/2018/NĐ-CP ngày 24/9/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực đường thủy nội địa; (ii) Nghị định số 54/2022/NĐ-CP ngày 22/8/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 78/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 quy định điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa và Nghị định số 08/2021/NĐ-CP ngày 28/1/2021 quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa, có hiệu lực kể từ ngày 1/11/2022.
Nghị định này áp dụng đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kinh doanh dịch vụ đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa tại Việt Nam.
Cơ sở đào tạo được chia thành 4 loại, trong đó, cơ sở đào tạo phải đáp ứng các điều kiện về: phòng học chuyên môn, phòng thi, kiểm tra; xưởng thực hành; khu vực dạy thực hành lái và vận hành máy; chương trình đào tạo; đội ngũ giáo viên.
Theo đó, văn bản nêu rõ về điều kiện về phòng học chuyên môn, phòng thi, kiểm tra phải phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống phòng học chuyên môn, phòng thi, kiểm tra; xưởng thực hành; khu vực dạy thực hành lái và vận hành máy của cơ sở đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành.
Bao gồm các phòng học như pháp luật về giao thông đường thủy nội địa, phòng học điều khiển phương tiện thủy nội địa, phòng học lý thuyết máy - điện và phòng học thủy nghiệp cơ bản. Phòng thi, kiểm tra có thể được bố trí chung với các phòng học chuyên môn.
Còn xưởng thực hành phải phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống phòng học chuyên môn, phòng thi, kiểm tra; xưởng thực hành; khu vực dạy thực hành lái và vận hành máy của cơ sở đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành, bao gồm: xưởng thực hành nguội - cơ khí, thực hành máy - điện.
Đáng chú ý, tại Văn bản hợp nhất số 56, trong hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa, bỏ quy định phải nộp 1 bản sao có chứng thực (hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu) Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc tài liệu tương đương khác của cơ sở đào tạo.
Đối với giáo viên dạy thực hành, ngoài thực hiện theo quy định của pháp luật về giáo dục nghề nghiệp, cần bảo đảm các tiêu chuẩn cụ thể. Theo đó, giáo viên dạy thực hành thuyền trưởng, máy trưởng phải có giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng, máy trưởng cao hơn ít nhất 01 hạng so với hạng giấy chứng nhận khả năng chuyên môn được phân công giảng dạy;
Cùng với đó, giáo viên dạy thực hành thuyền trưởng, máy trưởng hạng nhất phải có giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng, máy trưởng hạng nhất và có thời gian đảm nhiệm chức danh hạng nhất từ 36 tháng trở lên.
Văn bản cũng nêu rõ các trường hợp bị thu hồi giấy chứng nhận của cơ sở đào tạo.
Cụ thể, khi cơ sở đào tạo bị phát hiện có hành vi cố tình làm giả hồ sơ để được cấp Giấy chứng nhận; không tổ chức hoạt động đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa trong thời gian 18 tháng liên tục hoặc không triển khai hoạt động sau thời hạn 18 tháng, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận.
Hoặc khi đã hết thời hạn bị đình chỉ hoạt động đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa mà không khắc phục được các vi phạm là nguyên nhân dẫn đến việc bị đình chỉ.
Hay cơ sở đào tạo đã bị xử phạt vi phạm hành chính đình chỉ hoạt động đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa 2 lần trở lên trong 12 tháng và theo các quy định khác có liên quan của pháp luật.