April 03, 2023 | 09:31 GMT+7

“Cởi trói” cho doanh nghiệp nhà nước lấy lại vai trò dẫn dắt nền kinh tế

Song Hà -

Doanh nghiệp nhà nước sở hữu nguồn vốn lớn nhưng hiệu quả chưa tương xứng, chưa có vai trò dẫn dắt, tạo động lực đối với nền kinh tế,… do đó cần có cơ chế chính sách nhằm “cởi trói” giúp doanh nghiệp nhà nước phát huy lợi thế, khắc phục hạn chế, tận dụng cơ hội phát triển...

Cần có cơ chế chính sách nhằm “cởi trói” giúp doanh nghiệp nhà nước phát huy lợi thế.
Cần có cơ chế chính sách nhằm “cởi trói” giúp doanh nghiệp nhà nước phát huy lợi thế.

Ông Nguyễn Hồng Long, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban chỉ đạo Đổi mới phát triển doanh nghiệp, cho rằng doanh nghiệp nhà nước với cốt lõi là 19 tập đoàn, tổng công ty (tính đến năm 2022), tuy chiếm tỷ lệ nhỏ nhưng lại đang sở hữu nguồn vốn lớn.

SÁU HẠN CHẾ CẦN KHẮC PHỤC

Các tập đoàn, tổng công ty đảm bảo khoảng 87% điện năng, 50% xăng dầu bán lẻ, 100% khí khô, 70% khí hoá lỏng, 70% phân bón, 45% thuê bao di động, 41% băng rộng cố định mặt đất, 49% vận tải hành khách hàng không nội địa, quản lý 21/22 cảng hàng không dân dụng trên cả nước, 16% hàng hóa vận tải biển, 100% điều hành và vận tải giao thông đường sắt… Vì vậy, các doanh nghiệp nhà nước có vai trò dẫn dắt, thực hiện phần việc các thành phần kinh tế khác không làm.

Tuy nhiên, tại diễn đàn “Tái định vị doanh nghiệp để phát triển bền vững”, ông Nguyễn Đức Thắng, Giám đốc Trung tâm thông tin Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, thẳng thắn cho rằng bên cạnh những mặt được, kết quả hoạt động và đóng góp của khối doanh nghiệp nhà nước trong thời gian qua vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, nhất là nguồn lực đang nắm giữ và thị trường đang chi phối.

Thứ nhất, về cơ bản, doanh nghiệp nhà nước chưa thực hiện đầy đủ vai trò dẫn dắt, tạo động lực đối với nền kinh tế. Thực tế cho thấy, doanh nghiệp nhà nước tuy nắm giữ nguồn lực lớn của nền kinh tế, nhưng không có các dự án đầu tư phát triển quy mô đủ lớn tạo động lực bứt phá, có sức lan tỏa, nhất là trong các lĩnh vực mới như sản xuất năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, công nghệ cao…

Thứ hai, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ. Khu vực doanh nghiệp nhà nước tiếp tục có xu hướng giảm dần quy mô và tỷ lệ đóng góp ở tất cả các chỉ tiêu về hiệu quả trong giai đoạn 2016-2021.

Nhìn chung, khu vực doanh nghiệp nhà nước chỉ hoạt động hiệu quả nhóm ngành, lĩnh vực có lợi thế tự nhiên như khai thác khoáng sản, dầu khí hoặc viễn thông, tài chính-ngân hàng.

Thứ ba, năng lực cạnh tranh, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu là lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước.

Hoạt động của doanh nghiệp nhà nước chủ yếu thiên về “hướng nội”. Các chỉ tiêu, kế hoạch còn thiên về lượng, chưa chú trọng đến chất. Việc đổi mới quản trị doanh nghiệp triển khai chậm, chưa thực sự tiệm cận theo các nguyên tắc và thông lệ quốc tế tốt, phù hợp với kinh tế thị trường hiện đại.

Thứ tư, việc thực hiện các dự án đầu tư mới của doanh nghiệp nhà nước trong thời gian qua chưa được thúc đẩy mạnh mẽ. Trong giai đoạn 2016 - 2020 vừa qua, rất ít dự án, công trình mới có quy mô lớn của doanh nghiệp nhà nước được khởi công, mà chỉ tiếp tục thực hiện các dự án dở dang hoặc xử lý các dự án không hiệu quả từ giai đoạn trước.

Thứ năm, việc tái cơ cấu toàn diện doanh nghiệp nhà nước vẫn mang tính hình thức, chủ yếu tập trung sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn để có cơ cấu hợp lý hơn, chưa chú trọng thực hiện các định hướng, giải pháp đột phá về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao và một chiến lược kinh doanh dài hạn có tính khả thi cao.

Việc nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực quản trị doanh nghiệp nhà nước theo chuẩn mực quốc tế chưa ghi nhận được kết quả đáng kể. Trình độ quản trị của doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam vẫn còn rất thấp so với chuẩn mực quốc tế. Nên mức lương và các chế độ đãi ngộ khác chưa gắn với hiệu quả công việc.

Thứ sáu, thiếu tầm nhìn chiến lược để phát triển doanh nghiệp nhất là tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu và vươn ra quốc tế.

TÁI CƠ CẤU, NÂNG CAO HIỆU QUẢ VÀ GIÁ TRỊ ĐẦU TƯ

Để phát huy tối đa vị trí, vai trò, sứ mệnh và đề cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp nhà nước trong sản xuất kinh doanh,... theo ông Thắng, cần tiếp tục hoàn thiện đồng bộ pháp luật, cơ chế chính sách đảm bảo hiệu quả, hiệu lực để “cởi trói” doanh nghiệp nhà nước nhằm phát huy được lợi thế, khắc phục hạn chế, tận dụng cơ hội phát triển.

Đồng thời, tăng cường, tạo sự chủ động cho doanh nghiệp, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đẩy mạnh phân công, phân cấp cho Hội đồng thành viên, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp được giao quản lý.

Các bộ, ngành, địa phương cần chủ động thực hiện đầy đủ và hiệu lực các quyền chủ sở hữu tại doanh nghiệp theo quy định pháp luật và thông lệ quốc tế, không can thiệp vào quá trình điều hành, quản trị kinh doanh tại doanh nghiệp.

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 14-2023 phát hành ngày 03-04-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

“Cởi trói” cho doanh nghiệp nhà nước lấy lại vai trò dẫn dắt nền kinh tế  - Ảnh 1
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate