Ngày 17/4, Bộ Nội vụ, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Hội nghị công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2023 (SIPAS 2023), Chỉ số cải cách hành chính năm 2023 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR Index 2023).
Chỉ số cải cách hành chính là công cụ quản lý hiệu quả đã được Bộ Nội vụ ban hành và triển khai áp dụng đến nay là năm thứ 12. Chỉ số này giúp Chính phủ theo dõi, đánh giá, xếp hạng kết quả cải cách hành chính hàng năm của các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND các tỉnh, thành phố.
Đồng thời, việc này giúp cho các bộ, cơ quan, địa phương phân tích, so sánh và xác định rõ những kết quả được, những tồn tại hạn chế trong từng nội dung, nhiệm vụ cải cách hành chính; từ đó, có giải pháp cải thiện, nâng chất lượng, hiệu quả cải cải cách hành chính hàng năm tại cơ quan, đơn vị mình.
Năm 2023, Bộ Nội vụ tiếp tục thực hiện bộ tiêu chí đánh giá tại Đề án xác định Chỉ số CCHC giai đoạn 2021 - 2030 được ban hành tại Quyết định số 876/QĐ-BNV ngày 10.11.2022 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Chỉ số CCHC mới được ban hành bao gồm 2 bộ tiêu chí đánh giá cho cấp bộ và cấp tỉnh.
MỨC ĐỘ NGƯỜI DÂN HÀI LÒNG CŨNG NHƯ SẴN SÀNG THAM GÓP Ý CHÍCH SÁCH CHƯA CAO
Công bố kết quả Chỉ số SIPAS năm 2023, ông Phạm Minh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ), cho biết mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước ở 63 tỉnh, thành phố nằm trong khoảng 75,03- 90,61%.
Có 5 tỉnh, thành phố nhận được mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước nói chung cao nhất là: Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hải Dương, Hà Tĩnh và Hải Phòng; 5 địa phương thấp nhất là: Bắc Kạn, Bình Phước, Cao Bằng, Bắc Ninh và Quảng Nam.
Năm 2023, mức độ mong đợi của người dân đối với 10 nội dung cần cải thiện nằm trong khoảng từ 83,44 - 85,12%, trong đó 3 nội dung người dân mong đợi chính quyền cải thiện nhiều nhất là: Nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết công việc cho người dân, với mức 85,12%; tiếp đến là nâng cao chất lượng tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, với mức 85,11% và nâng cao năng lực của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết công việc cho người dân, với mức 85,03%.
Nhìn nhận về chất lượng phục vụ của công chức, 88,88% số người dân được khảo sát cho rằng không có công chức gây phiền hà, sách nhiễu và 90% cho rằng không có người dân nào phải đưa tiền ngoài quy định cho công chức để công việc được giải quyết.
Người dân được khảo sát trong cả nước hài lòng đối với việc xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách nói chung ở mức 82,49%, tăng so với năm 2022 (79,72%). Người dân hài lòng đối với 4 yếu tố, 23 yếu tố thành phần của nội dung xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách ở các mức độ khác nhau, với sự chênh lệch giữa các mức không cao.
Trong đó, mức độ hài lòng của người dân đối với 4 yếu tố gồm: Trách nhiệm giải trình của chính quyền về chính sách là 81,93%; cơ hội tham gia của người dân vào quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách là 81,83%; chất lượng tổ chức thực hiện chính sách của chính quyền là 82,49%; kết quả, tác động của chính sách là 82,74%.
Mức độ hài lòng của người dân đối với việc xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách của chính quyền ở 63 tỉnh, thành phố nằm trong khoảng 75,14 - 90,47%. Có 5 tỉnh, thành phố nhận được mức độ hài lòng của người dân đối với việc xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách cao nhất là: Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hải Phòng, Hà Tĩnh và Lào Cai; 5 tỉnh thấp nhất là: Bắc Kạn, Bình Phước, Cao Bằng, Bắc Ninh và Long An.
CÁC BỘ, CƠ QUAN, ĐỊA PHƯƠNG CẦN TẬP TRUNG VÀO 6 NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM
Bà Phạm Thị Thanh Trà, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ, cho biết sau Hội nghị công bố này, căn cứ Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2023 và Chỉ số CCHC năm 2023 đề nghị các bộ, cơ quan, địa phương cần tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ nhất, chủ động phân tích, đánh giá những kết quả đạt được, nhận diện rõ nguyên nhân những chỉ số thành phần còn thấp, xác định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan. Quan tâm chỉ đạo sát sao với những giải pháp thiết thực, mạnh mẽ, hiệu quả nhằm cải thiện thực chất công tác CCHC của bộ, ngành, địa phương.
Thứ hai, chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền theo hướng tiếp cận chính sách trực tiếp các đối tượng về CCHC, về mục đích, ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của các chỉ số này, từ đó tạo chuyển biến nhận thức, sự đồng thuận, ủng hộ, quyết tâm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người dân và toàn xã hội đối với công cuộc CCHC mà chúng ta đang thực hiện.
Thứ ba, tập trung cao cho cải cách thể chế, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật; tháo gỡ các điểm nghẽn về cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân, doanh nghiệp. Có giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tổ chức thực thi pháp luật nghiêm minh.
Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC, gắn kết chặt chẽ với thực hiện chuyển đổi số, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, đồng bộ. Rà soát, bãi bỏ các TTHC, các điều kiện kinh doanh không cần thiết, không phù hợp, không khả thi, đang gây trở ngại cho phát triển sản xuất, kinh doanh.
Tập trung rà soát, đơn giản hóa TTHC, nhất là trên các lĩnh vực trọng tâm. Tiếp tục hoàn thiện các Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, áp dụng chuyển đổi số, nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp.
Thứ năm, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về tổ chức bộ máy hành chính nhà nước và chế độ công vụ. Tập trung rà soát, sắp xếp, tổ chức lại bộ máy các cơ quan hành chính, các đơn vị sự nghiệp công lập đáp ứng đầy đủ các tiêu chí theo quy định của Chính phủ. Tăng cường phân cấp, giao quyền phù hợp với năng lực quản lý, điều hành của các cấp, các ngành. Thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo kế hoạch.
Triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách trong quản lý đội ngũ cán bộ, công chức mới được ban hành. Thực hiện cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm; tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ gắn cải cách chính sách tiền lương. Tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Thứ sáu, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử hướng tới Chính phủ số, chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số theo lộ trình của Chính phủ.
Trong đó, tập trung phát triển hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin; hoàn thiện các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành; tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan, địa phương; đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến; vận hành có hiệu quả Cổng dịch vụ công quốc gia và Cổng dịch vụ công của các bộ, tỉnh, từng bước nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Việc thu thập thông tin đo lường sự hài lòng của người dân năm 2023 được thực hiện thông qua khảo sát theo hình thức phát phiếu hỏi trực tiếp tới người dân. 40.230 người dân đủ 18 tuổi trở lên được lựa chọn theo phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên phân tầng từ 1.170 thôn, bản, tổ dân phố, khu phố/585 xã, phường, thị trấn/195 huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Từ ý kiến phản hồi của 39.765 người dân thuộc mọi thành phần nhân khẩu học, Bộ Nội vụ đã tổng hợp, phân tích dữ liệu và xây dựng Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2023. Đây là một bộ chỉ số gồm 45 chỉ số phản ánh nhận định, đánh giá của người dân; 51 chỉ số phản ánh mức độ hài lòng và 10 chỉ số phản ánh nhu cầu, mong đợi của người dân. Bộ chỉ số này phản ánh toàn diện, chi tiết về chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước đối với người dân năm 2023 của cả nước nói chung và của từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nói riêng.
Chín nhóm chính sách công quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân được lựa chọn để người dân đánh giá, bao gồm: Chính sách phát triển kinh tế; chính sách khám, chữa bệnh; chính sách giáo dục phổ thông; chính sách nước sinh hoạt; chính sách điện sinh hoạt; chính sách trật tự, an toàn xã hội; chính sách giao thông đường bộ; chính sách an sinh, xã hội và chính sách cải cách hành chính nhà nước. Đối với dịch vụ hành chính công, người dân đánh giá các dịch vụ nói chung được cung ứng tại Trung tâm Phục vụ hành chính công, Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả các cấp ở địa phương.