May 05, 2023 | 09:10 GMT+7

Công nghệ thực tế ảo mở rộng cơ hội kinh doanh cho ngành F&B

Băng Hảo -

Bằng giải pháp thực tế ảo, các cửa hàng mua sắm, trung tâm trưng bày sản phẩm được ảo hóa sống động trên không gian mạng không khác gì ngoài đời. Vì thế, không có lý do gì mà các nhà hàng ẩm thực lại chịu đứng ngoài cuộc đua metaverse…

Ảnh: Bangkok Post
Ảnh: Bangkok Post

Việc thưởng thức những bữa ăn thông qua nền tảng kỹ thuật số đã không còn là một xu hướng, mà nó đang dần trở thành hiện thực trên khắp thế giới. Khách sạn Park Hyatt Bangkok tại Thái Lan là nơi đầu tiên thực hiện ý tưởng bữa ăn kỹ thuật số vào năm 2020. Tại đây, du khách sẽ được thưởng thức những món ăn 3D tại nhà hàng Embassy Room, nhà hàng nằm trong khuôn viên của khách sạn.

Theo Bangkok Post, bữa ăn sẽ bắt đầu với sự xuất hiện của một đầu bếp tý hon có tên Macro PoLo. Anh chàng đầu bếp "ảo" này sẽ dẫn du khách đi đến một hành trình ẩm thực độc đáo được chiếu bên trên bàn ăn. Macro PoLo sẽ cho thực khách đi hết từ nước này sang nước khác, từ Pháp đến Trung Quốc để tạo ra thực đơn cho bữa ăn. Ngoài bếp trưởng PoLo, hàng loạt các nhân vật phụ như những chú chim, tàu thuyền và rồng lửa cũng sẽ xuất hiện để cuộc hành trình ẩm thực của thực khách thêm phần hấp dẫn.

Sebastian Krack, Giám đốc ẩm thực của khách sạn Park Hyatt Bangkok cho biết: "Con người thích xem kịch, thích xem phim, thích công nghệ và tất nhiên họ thích cả ăn uống. Do đó, đầu bếp tí hon PoLo sẽ kết hợp tất cả những điều trên để phục vụ thực khách. Đây là một trải nghiệm ẩm thực cao cấp và thú vị". Bữa ăn kỹ thuật số này có mức giá 124 USD, được xếp vào một trong những bữa ăn đắt nhất tại các nhà hàng ở Bangkok.

Đầu bếp tý hon có tên Macro PoLo...
Đầu bếp tý hon có tên Macro PoLo...
... và hành trình ẩm thực độc đáo được chiếu bên trên bàn ăn.
... và hành trình ẩm thực độc đáo được chiếu bên trên bàn ăn.

Một hình thức nữa của trải nghiệm ăn uống kỹ thuật số là thực khách có thể quan sát món ăn ở nhiều góc độ sau đó mới đưa ra quyết định chọn món ăn đó. Tại New York, chuỗi cửa hàng burger Bareburger và chuỗi bánh ngọt Magnolia Bakery cũng đang khuyến khích thực khách sử dụng mô hình đồ ăn AR để xem qua những món ăn trước khi gọi món. Trên thực tế công nghệ AR đã có từ lâu tuy nhiên việc áp dụng vào ngành nhà hàng là hoàn toàn mới và độc đáo.

Alper Guler, Giám đốc sản phẩm QReal, nơi sản xuất ra mô hình ăn uống bằng thực tế ảo chia sẻ: "Chúng tôi đã sử dụng một quá trình quang trắc học - sử dụng hình ảnh của các món ăn từ nhiều góc độ khác nhau và tập hợp lại để tạo thành một mô hình 3D. Sau khi chụp xong các món ăn, phải dành ra nhiều tháng trời để tối ưu hóa các mô hình để có thể hoạt động trên nền tảng AR. Tuy nhiên dần dần Apple, Goolge, Facebook, Instagram đều phát triển tính năng AR trên nền tảng của họ và thế là mọi thứ đã thay đổi".

Theo đánh giá của Guler, xu hướng ẩm thực thực tế ảo sẽ còn phát triển hơn nữa tại châu Á. "Hiện mô hình này đang rất phổ biến tại Trung Quốc. Tôi tin rằng AR sẽ có thể cạnh tranh với mô hình món ăn sampuru ở Nhật Bản vì nó không cần dùng đến nhựa". Theo SCMP, các bước phát triển mới thậm chí sẽ giúp bạn nếm được mùi vị bất cứ món ăn nào bạn nhìn thấy, ngay cả chúng ở rất xa.

Công nghệ này được phát triển bởi các nhà nghiên cứu tại Tokyo, Nhật Bản, có thể rất hữu ích cho những người muốn tăng thêm các trải nghiệm về ẩm thực, hay có chế độ ăn hạn chế do vấn đề sức khỏe hay cân nặng. Các nhà nghiên cứu cho biết về mục đích của công nghệ thực tế ảo này như sau: “Có rất nhiều người không thể ăn thức ăn một cách thỏa đáng vì hàm yếu, dị ứng, và chế độ ăn uống. Chúng tôi muốn giúp họ thỏa mãn sở thích của mình và tận hưởng cuộc sống hàng ngày của họ”.

Nguyên lý chủ yếu của công nghệ này là việc dùng điện cực để khuyếch đại các vị chua, cay, mặn, ngọt,… của thực phẩm. Tuy nhiên, vị ngọt sẽ khó mô phỏng hơn các vị khác. Niijima – một nhà khoa học đến từ Đại học Tokyo cho biết: "Dù không có thức ăn vào miệng, nhưng người dùng cảm thấy như thể họ đang nhai một ít thức ăn do thông tin phản hồi xúc giác bằng cách kích thích cơ điện”. Niijima cùng nhóm nghiên cứu sẽ phát triển các ý tưởng bằng cách tìm hiểu thêm về các cơ ở xương hàm để tạo ra kết cấu phức tạp hơn, và kết hợp các kích thích điện với đầu vào cảm giác khác, chẳng hạn như âm thanh nhai.

Phong cảnh bên ngoài cửa sổ quán cà phê Anywhere sẽ thay đổi theo nhiều điểm đến khác nhau khi khách đeo kính thực tế ảo.
Phong cảnh bên ngoài cửa sổ quán cà phê Anywhere sẽ thay đổi theo nhiều điểm đến khác nhau khi khách đeo kính thực tế ảo.

Cũng tại Nhật Bản, một quán cà phê tên Anywhere (Bất cứ nơi đâu) ở thành phố Osaka dự kiến mở cửa vào tháng 5 đang thu hút sự chú ý của nhiều người cũng nhờ vào trải nghiệm du lịch ảo. Quán nằm trong một ngôi nhà 70 năm tuổi trên một con phố lịch sử. Bên trong, những món đồ nội thất vẫn mang tính truyền thống như chỗ ngồi trên chiếu tatami trên sàn nhà. Tuy nhiên, quán cà phê cho phép du khách đến bất kỳ nơi nào trong vũ trụ ảo metaverse.

Điều này mang đến một cảm giác thực tế thông qua một cửa sổ rộng từ trần đến sàn. Cụ thể, phong cảnh bên ngoài cửa sổ quán sẽ thay đổi theo nhiều điểm đến khác nhau khi khách đeo kính thực tế ảo. Vào đầu tháng 3, phong cảnh bên ngoài của vũ trụ ảo là một bãi biển Okinawa. Trong một phần của không gian ảo, khách hàng có thể nghe mô tả về các điểm tham quan của Okinawa cũng như thưởng thức buổi biểu diễn nhạc cụ sanshin trực tiếp.

Mặc dù vẫn đang được phát triển, quán cà phê này cho biết sẽ thêm các tính năng như màn hình trong vườn hiển thị phong cảnh dãy núi Alps phía bắc của Nhật Bản. Khách hàng sẽ được trải nghiệm ngắm cảnh kết hợp việc thưởng thức loại bánh kẹo nổi tiếng từ khu vực. Dự kiến, quán cũng thiết kế thêm một màn hình mái vòm trong khu vườn để du khách xem các sự kiện thể thao.

Giờ đây người tiêu dùng có thể đặt đồ ăn trên một cửa hàng McDonald’s ở vũ trụ ảo và chờ đồ ăn giao đến tận nhà.
Giờ đây người tiêu dùng có thể đặt đồ ăn trên một cửa hàng McDonald’s ở vũ trụ ảo và chờ đồ ăn giao đến tận nhà.

Hồi giữa năm ngoái, McDonald’s cũng đã nộp đơn đăng ký 10 nhãn hiệu cho một nhà hàng ảo lên Văn Phòng Nhãn hiệu và Bằng sáng chế Mỹ cho cả thương hiệu McDonald’s và McCafe. Theo Josh Gerben, một luật sư nhãn hiệu, động thái này giúp McDonald’s bảo vệ các ý tưởng về nhà hàng trong vũ trụ ảo, một nơi có thể bán thực phẩm cả trên mạng lẫn ngoài thực tế. Ông đưa ra minh họa rất dễ hiểu: “Ví dụ một ai đó lướt vũ trụ ảo và đói bụng, thì họ chẳng cần bỏ tai nghe ra, mà chỉ cần đặt đồ ăn trên một cửa hàng McDonald’s ở vũ trụ ảo và chờ đồ ăn giao đến tận nhà”.

Trước đó, Kraft, Moet Hennessy, Takis, Del Monte và In-N-Out Burger gần đây đã nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Mỹ. Các nhà pha chế và chưng cất rượu của Ấn Độ cũng đang khám phá cách các thương hiệu rượu khác thâm nhập vào metaverse và ý nghĩa của điều này với tương lai của ngành F&B. Với dịch vụ cung cấp đồ ăn thức uống, dịch vụ quán bar trên thế giới ảo trực tuyến; vận hành nhà hàng ảo và có các vật thể thực và ảo, có thể nói ngành F&B đã thu hút sự quan tâm ngày càng tăng của người tiêu dùng và những người đam mê thử nghiệm về tương tác giữa con người ở thế giới ảo.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate