July 09, 2021 | 10:15 GMT+7

Công nghiệp game online: Thực chất chỉ là thị trường cho game ngoại!

Nhĩ Anh -

Game xuyên biên giới không có phép phát hành qua các kho ứng dụng đã gây thiệt hại lớn cho thị trường game Việt Nam…

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng và lấy ý kiến dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2013/NĐ-CP.

Sau hơn 6 năm thực hiện, các quy định tại Nghị định số 72 của Chính phủ quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia quá trình cung cấp dịch vụ, thúc đẩy thị trường cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng phát triển.

Theo dự thảo tờ trình của Bộ Thông tin và Truyền thông, thống kê đến hết tháng 6/2021, có 214 doanh nghiệp đã được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 trên mạng (trong đó có 51 doanh nghiệp đã dừng hoạt động hoặc bị thu hồi giấy phép).

Số lượng trò chơi điện tử đã được cấp quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản là 1.000 trò chơi, trong đó có 291 trò chơi đã thông báo dừng phát hành, 130 trò chơi được cấp quyết định phê duyệt nội dung kịch bản theo quy định của Thông tư liên tịch số 60 và 584 trò chơi được cấp quyết định phê duyệt nội dung kịch bản theo quy định tại Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Thông tư số 24/2014/TT-BTTTT.

 
Gần 85% trò chơi phát hành hợp pháp tại Việt Nam có xuất xứ từ nước ngoài, trong đó Trung Quốc chiếm hơn 70%. Ngành công nghiệp trò chơi điện tử trên mạng ở Việt Nam hiện nay thực chất chỉ là thị trường phát hành trò chơi cho nước ngoài và được hưởng doanh thu theo tỷ lệ thỏa thuận.

Thống kê đã có 120 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký G2, G3, G4 là; với hơn 9.700 trò chơi điện tử G2, G3 và G4 trên mạng được cấp Giấy xác nhận thông báo phát hành.

Về doanh thu thị trường game, năm 2014 đạt 233 triệu USD thì đến năm 2019, con số này đã đạt mức 547 triệu USD và sang năm 2020 là 522 triệu USD.

Đặc biệt số lượng lao động ngành game liên tục tăng. Nếu năm 2014 thu hút 5.000 lao động thì đến năm 2017, con số này tăng hơn gấp đôi, lên 11.000 lao động và sang năm 2018 là hơn 22.600 lao động. Đến năm 2019 tiếp tục thu hút 24.000 lao động và năm 2020 khoảng 20.000 lao động.

Nhìn chung, hoạt động cung cấp thông tin trên mạng tại Việt Nam đang phát triển tốt từ khi Nghị định số 72/2013/NĐ-CP được ban hành, góp phần làm phong phú thêm các loại hình và đa dạng về nguồn thông tin, giúp người sử dụng được tiếp cận với nhiều nội dung thông tin đa dạng và phong phú.

Đối với lĩnh vực dịch vụ nội dung trên mạng viễn thông di động và trò chơi điện tử trên mạng, các quy định của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP đã góp phần làm ổn định thị trường, tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển...

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả trên, nhu cầu và xu hướng thực tiễn đang tác động lớn đến thị trường cung cấp dịch vụ nội dung thông tin điện tử trên mạng, đặt ra các vấn đề cần giải quyết.

Theo dự thảo tờ trình, chỉ có 23% doanh nghiệp được cấp Giấy phép G1 có cung cấp dịch vụ. Số doanh nghiệp còn lại có giấy phép nhưng không triển khai cung cấp dịch vụ hoặc trong số này có một số doanh nghiệp chỉ lợi dụng có giấy phép G1 để xuất trình cho doanh nghiệp viễn thông và đơn vị thanh toán để phát hành game không phép (vụ Rikvip của Công ty CNC là một điển hình).

Đặc biệt, dự thảo tờ trình cũng nêu thực trạng có khoảng gần 85% trò chơi phát hành hợp pháp tại Việt Nam có xuất xứ từ nước ngoài, trong đó Trung Quốc chiếm hơn 70%. Ngành công nghiệp trò chơi điện tử trên mạng ở Việt Nam hiện nay thực chất chỉ là thị trường phát hành trò chơi cho nước ngoài và được hưởng doanh thu theo tỷ lệ thỏa thuận

Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, game xuyên biên giới không có phép phát hành qua các kho ứng dụng Apple Store, Google Play đã gây thiệt hại lớn cho thị trường game Việt Nam (doanh thu từ game lậu chiếm khoảng 30% doanh thu toàn thị trường game Việt Nam).

Ngoài ra còn xuất hiện tình trạng các doanh nghiệp Việt Nam hợp tác làm trung gian thanh toán cho các trò chơi không phép phát hành qua các kho ứng dụng Apple Store, Google Play…

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate