July 29, 2024 | 11:00 GMT+7

Công nghiệp ICT 6 tháng tăng 27%, đạt gần 1,86 triệu tỷ đồng

Phan Anh -

Trong 6 tháng đầu năm 2024 ghi nhận doanh thu của toàn ngành công nghệ thông tin và truyền thông tăng mạnh so với cùng kỳ, đạt hơn 2 triệu tỷ đồng, trong đó, lĩnh công nghiệp ICT có đóng góp lớn với doanh thu ước đạt 1.858.371 tỷ đồng, tăng 27% so với 6 tháng đầu năm 2023...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ngày 29/7/2024, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì Hội nghị sơ kết công tác Thông tin và Truyền thông 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại 66 điểm cầu.

Báo cáo sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết trong 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu toàn ngành Thông tin và Truyền thông ước đạt 2.067.389 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2023 và ước đạt 50% kế hoạch năm 2024.

Nộp ngân sách nhà nước ước đạt 59.847 tỷ đồng, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm trước và ước đạt 61% kế hoạch năm 2024.

Đóng góp vào GDP của ngành Thông tin và Truyền thông ước đạt 476.933 tỷ đồng, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước và ước đạt 49% kế hoạch năm 2024.

Tổng số lao động toàn ngành tính đến tháng 6/2024 ước khoảng 1.530.528 lao động, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước.

 
Trong 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu toàn ngành Thông tin và Truyền thông ước đạt 2.067.389 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2023 và ước đạt 50% kế hoạch năm 2024.

Cụ thể, trong lĩnh vực bưu chính, doanh thu dịch vụ bưu chính ước đạt 33.790 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2023 và ước đạt 52,1% kế hoạch năm 2024. Nộp ngân sách lĩnh vực bưu chính ước đạt 2.500 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2023 và ước đạt 41,7% kế hoạch năm 2024.

Với lĩnh vực viễn thông, doanh thu dịch vụ viễn thông quý 1/2024 đạt 33.536,37 tỷ đồng, tăng 2,27% so với cùng kỳ năm 2023 (32.792,65 tỷ đồng).

Trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng, tổng doanh thu lĩnh vực ước đạt  2.579 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 37,1% kế hoạch năm 2024.

Số lượng lao động của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng ước khoảng 3.900 lao động, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 92,1% kế hoạch năm 2024.

Tổng số chứng thư số công cộng đã cấp tính đến hết tháng 6/2024 đạt 9.131.496 chứng thư số tăng 39,6% so với cùng kỳ năm 2023 (là 6.540.927 chứng thư số).

Tổng số chứng thư số công cộng đang hoạt động tháng 6/2024: 3.270.251 chứng thư số tăng 46,4% so với cùng kỳ năm 2023 (là 2.233.718 chứng thư số).

Tổng số chứng thư số chuyên dùng Chính phủ đang hoạt động tháng 6/2024: 729.626 chứng thư số tăng 24,05 % so với cùng kỳ năm 2023 (là 588.133 chứng thư số).

Đóng góp vào ngân sách nhà nước từ nguồn thu phí duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư số: Tính đến kỳ báo cáo, số phí thu được lũy kế từ đầu năm của Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia đạt hơn 29,5 tỷ đồng và đóng góp vào ngân sách nhà nước khoảng 4,4 tỷ đồng.

XÂY DỰNG LUẬT CÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ SỐ TRÌNH QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN TẠI KỲ HỌP TỚI

Trong lĩnh vực công nghiệp ICT 6 tháng đầu năm doanh thu ước đạt 1.858.371 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2023 và ước đạt 49% kế hoạch năm 2024.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu phần cứng, điện tử 6 tháng đầu năm ước đạt 1.753.071 tỷ đồng, tăng 28,1% so với cùng kỳ năm 2023 và ước đạt 49,53% kế hoạch năm 2024.

Số doanh nghiệp công nghệ số là 50.350 doanh nghiệp đang hoạt động, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2023 và ước đạt 106% kế hoạch năm 2024.

Công nghiệp ICT 6 tháng tăng 27%, đạt gần 1,86 triệu tỷ đồng - Ảnh 1

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho biết trong 6 tháng đầu năm, Bộ đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số để đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025. Trong tháng 6/2024, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 129/2024/QH15 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trong đó dự án Luật Công nghiệp công nghệ số dự kiến được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ với các công nghệ mới như 5G, IoT, AI, Big Data, Cloud, Blockchain đã tạo ra những cuộc cách mạng làm thay đổi bản chất của ngành công nghiệp công nghệ thông tin, hành lang pháp lý về công nghiệp công nghệ thông tin  quy định tại Luật Công nghệ thông tin bộc lộ những vướng mắc, bất cập, chưa theo kịp sự phát triển.

 
Xây dựng, hoàn thiện hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Cụ thể, chưa có quy định quản lý, thúc đẩy các loại hình sản phẩm ứng dụng các công nghệ số của cách mạng công nghiệp 4.0 như AI và IoT; thiếu cơ chế thử nghiệm (Sandbox) cho các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số chưa có quy định pháp lý;

Chưa có cơ chế, chính sách đủ mạnh để thúc đẩy ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn- ngành công nghiệp chủ chốt có vai trò ảnh hưởng đến sự phát triển về kinh tế và bảo đảm an ninh quốc phòng của mọi quốc gia.

Để giải quyết các khó khăn, vướng mắc, Luật Công nghiệp công nghệ số được xây dựng trong đó có quy định về sản phẩm ứng dụng AI; quy định cơ chế thử nghiệm sản phẩm, dịch vụ công nghệ số; quy định thúc đẩy ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn.

Cùng với đó, xây dựng, hoàn thiện hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Xây dựng thỏa thuận hợp tác với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về hỗ trợ xúc tiến đầu tư thương mại và thương mại hóa sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam cho thị trường trong nước và thị trường nước ngoài giai đoạn 2024- 2026.

Bộ thông tin và Truyền thông cho biết, theo kế hoạch, trong 6 tháng cuối năm cũng sẽ hoàn thiện hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050…

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate