June 16, 2022 | 13:50 GMT+7

Đề nghị giảm mạnh phí hạ tầng đối với hàng hóa xuất nhập khẩu bằng phương tiện thủy nội địa

Anh Nhi -

Để khuyến khích doanh nghiệp sử dụng phương tiện thủy nội địa, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) và Cảng vụ Hàng hải TP.HCM (Cục Hàng hải Việt Nam) vừa có văn bản gửi Sở Giao thông vận tải TP.HCM đề nghị giảm mạnh mức thu phí hạ tầng cảng biển đối với hàng hóa xuất nhập khẩu được vận chuyển bằng phương tiện thủy nội địa…

Xem xét điều chỉnh mức thu phí theo hướng giảm thêm đối với hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu được vận chuyển bằng đường thủy nội địa
Xem xét điều chỉnh mức thu phí theo hướng giảm thêm đối với hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu được vận chuyển bằng đường thủy nội địa

Trước phản ứng của nhiều doanh nghiệp về mức phí hạ tầng cảng biển mà TP.HCM áp dụng từ ngày 1/4/2022 cũng như thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân TP.HCM và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về việc xem xét điều chỉnh phí hạ tầng cảng biển tại TP.HCM, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã hoàn chỉnh Dự thảo về việc sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 1 Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND ngày 9/12/2020 của Hội đồng nhân dân TP.HCM về phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn TP.HCM.

ĐIỀU CHỈNH PHÍ VỀ CÙNG MỨC

Theo đó, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đề nghị sửa đổi phạm vi áp dụng thành “khu vực cửa khẩu” cảng biển trên địa bàn TP.HCM nhằm đảm bảo sự thống nhất về tên gọi, phạm vi theo Đề án thu phí trình Hội đồng nhân dân thành phố trước đây và đúng theo tên gọi tại Thông tư 85/2019/TT-BTC ngày 29/11/2019 của Bộ Tài chính về hướng dẫn về phí và lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Về mức thu phí, Sở Giao thông vận tải TP.HCM cũng đã bổ sung nhóm hàng tạm xuất, tái nhập để thu 1 chiều cho hàng tạm xuất, tái nhập; sửa đổi bổ sung hàng chuyển khẩu không đưa vào kho bãi của khu vực cảng biển thành phố; bỏ nhóm hàng xuất khẩu, nhập khẩu mở tài khai ngoài TP.HCM nhằm hỗ trợ doanh nghiệp các địa phương phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh sau dịch Covid-19 cũng được hưởng phí như các doanh nghiệp TP.HCM.

Về trường hợp miễn, giảm thu phí, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đề nghị bổ sung trường hợp: Miễn thu phí đối với hàng tạm nhập, tái xuất, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh, hàng chuyển khẩu, hàng xuất nhập khẩu vận chuyển hoàn toàn bằng phương tiện thủy nội địa qua Campuchia; và Giảm 50% mức phí đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được vận chuyển hoàn toàn băng phương tiện thủy nội địa.

Lý giải về những sửa đổi, bổ sung trên, Sở Giao thông vận tải cho biết mặc dù điều chỉnh mức thu sẽ tác động trực tiếp tới số thu phí hạ tầng cảng biển mà Bộ Tài chính giao thu cho TP.HCM, tuy nhiên, việc này sẽ dẫn đến hàng hóa xuất nhập khẩu mở tờ khai tại thành phố hay ngoài thành phố đều cùng một mức thu, tạo sự đồng thuận của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa của các tỉnh thành khác xuất nhập khẩu hàng hóa qua cảng biển TP.HCM.

So sánh mức thu phí sau điều chỉnh của Sở Giao thông vận tải TP.HCM.
So sánh mức thu phí sau điều chỉnh của Sở Giao thông vận tải TP.HCM.

Ngoài ra, mức thu của hàng hóa vận chuyển bằng phương tiện thủy được giảm 50% còn có tác động khuyến khích doanh nghiệp chuyển sang vận chuyển bằng phương tiện thủy và đặc biệt là góp phần hỗ trợ việc thực hiện Hiệp định giữa Việt Nam và Campuchia về vận tải đường thủy.

CẦN TIẾP TỤC GIẢM THÊM

Đánh giá cao những sửa đổi, bổ sung của Sở Giao thông vận tải tại Dự thảo, đặc biệt liên quan tới quy định miễn thu phí đối với hàng hóa tạm nhập tái xuất, hàng gửi kho ngoại quan, hàng hóa quá cảnh, hàng chuyển khẩu, hàng xuất nhập khẩu được vận chuyển bằng phương tiện thủy nội địa hoạt động trên các tuyến đường thủy theo Hiệp định giữa Việt Nam và Campuchia về vận tải đường thủy.

Song Cục Đường thủy nội địa đề nghị Sở Giao thông vận tải TP.HCM xem xét bỏ từ “hoàn toàn” trong đề xuất giảm 50% mức phí đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được vận chuyển bằng phương tiện thủy nội địa.

“Lý do là tránh gây hiểu nhầm cho các cơ quan thực thi trong trường hợp hàng gom từ các cảng bến lân cận bằng phương tiện thủy nội địa, tập kết lên cảng để lên phương tiện thủy nội địa lớn hơn trước khi di chuyển đi (ví dụ chuyển đển Cái Mép – Thị Vải) và ngược lại”, Cục Đường thủy nội địa kiến nghị.

Đồng thời, Cục này cũng đề nghị Sở Giao thông vận tải thành phố xem xét tỷ trọng đoạn tuyến đường thủy mà Thành phố đang thực hiện quản lý, đầu tư, bảo trì trong tổng số kết cấu hạ tầng đường thủy kết nối cảng biển (185km) để tính toán, đề xuất tỷ lệ mức giảm phí phù hợp hơn, đảm bảo công bằng cho doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy sự phát triển của giao thông vận tải đường thủy nội địa.

Lượng hàng hóa thông qua các cảng biển khu vực TP.HCM đã suy giảm trong tháng 4,5/2022 so với cùng kỳ.
Lượng hàng hóa thông qua các cảng biển khu vực TP.HCM đã suy giảm trong tháng 4,5/2022 so với cùng kỳ.

Còn theo Cảng vụ Hàng hải TP.HCM, lượng hàng hóa thông qua các cảng biển khu vực TP.HCM đã suy giảm trong tháng 4,5/2022 so với cùng kỳ năm 2021 (kể từ khi chính thức triển khai thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn TP.HCM).

Do đó, Cảng vụ Hàng hải TP.HCM đề nghị Sở Giao thông vận tải nghiên cứu, xem xét điều chỉnh mức thu phí theo hướng giảm thêm đối với hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu được vận chuyển bằng đường thủy nội địa để thúc đẩy phát triển vận tải thủy nội địa và vận tải ven biển bằng phương tiện thủy nội địa.

“Việc khuyến khích các doanh nghiệp vận tải thay đổi tập quán sử dụng phương tiện vận tải đường bộ sang phương tiện vận tải đường thủy, giảm áp lực lên kết cấu hạ tầng giao thông của TP.HCM, kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường tại các khu vực xung quanh các kho bãi, cảng”, Cảng vụ Hàng hải TP.HCM nêu quan điểm.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate