April 27, 2022 | 15:29 GMT+7

Công ty dầu mỏ lớn nhất tại Nga "ế" 37 triệu thùng dầu

Đức Anh -

Tỷ lệ dầu Ural Nga xuất khẩu theo đường biển sang châu Âu đã giảm từ 90% xuống còn 50% kể từ khi chiến tranh nổ ra...

Rosneft là tập đoàn dầu mỏ quốc doanh lớn nhất tại Nga - Ảnh: AP
Rosneft là tập đoàn dầu mỏ quốc doanh lớn nhất tại Nga - Ảnh: AP

Theo tin từ Reuters, Rosneft PJSC - tập đoàn dầu mỏ quốc doanh lớn nhất tại Nga – mới đây đã mở thầu 37 triệu thùng dầu Urals để xuất bán trong tháng 5 và tháng 6 nhưng không có khách hàng châu Âu nào tham gia.

Sự việc diễn ra trong bối cảnh các hãng buôn dầu châu Âu đang hạn chế mua dầu của Nga và tìm các nguồn khác để mua sản phẩm năng lượng giữa cuộc xung đột Nga- Ukraine.

Nguồn tin của Reuters cho biết một số hãng lọc dầu châu Á đã tham gia đặt thầu nhưng Rosneft không chấp nhận. Một số khách hàng châu Á phàn nàn rằng yêu cầu thanh toán 100% tiền hàng của Roseneft là quá ngặt nghèo.

Kể từ khi nhiều quốc gia châu Âu áp đặt biện pháp trừng phạt đối với Nga hoặc giảm mua dầu thô từ quốc gia này, các nhà sản xuất dầu Moscow gặp khó hơn trong việc tìm kiếm thị trường. Theo Bloomberg, tỷ lệ dầu Urals Nga xuất khẩu theo đường biển sang châu Âu đã giảm từ 90% xuống còn 50%.

Tuy nhiên, hoạt động thương mại năng lượng vẫn diễn ra sôi động của Nga cho thấy lỗ hổng giữa làn sóng trừng phạt nhằm vào quốc gia này. Trong khi các công ty phương Tây hạn chế mua dầu thô Nga, Moscow đã bán nhiều hơn sang châu Á với mức giá rẻ để đảm bảo lượng tồn kho không tăng lên, dù châu Á không thể hấp thụ toàn bộ lượng dầu vốn được bán sang châu Âu của nước này.

Không chỉ Trung Quốc, Ấn Độ mà một số quốc gia ủng hộ việc trừng phạt như Hàn Quốc cũng đang tăng nhập khẩu mặt hàng này từ Moscow.

Kể từ khi chiến tranh ở Ukraine nổ ra ngày 24/2, lượng dầu Nga xuất sang Ấn Độ tăng mạnh nhờ giá giảm sâu với gần 40 triệu thùng. New Delhi nhấn mạnh cuộc chiến ở Ukraine cần phải chấm dứt nhưng không lên án hành động của Moscow. Quốc gia châu Á cho biết sẽ đặt lợi ích quốc gia lên trên hết và việc mua được dầu giá rẻ sẽ giúp ích cho nền kinh kinh tế trong bối cảnh lạm phát tăng cao. 

Giới quan sát cho biết nhiều lô dầu mỏ của Nga được xuất khẩu ra thị trường toàn cầu được đánh dấu là “điểm đến không xác định”, cho thấy nỗ lực tìm cách duy trì hoạt động của ngành năng lượng nước này. Nguồn tin từ WSJ cho biết từ đầu tháng 4 đến nay, đã có hơn 11,1 triệu thùng dầu được chất lên các tàu với “điểm đến không xác định”, trong khi con số này gần như bằng 0 trước khi chiến tranh ở Ukraine nổ ra.

Năng lượng đến nay vẫn tránh được sự trừng phạt mà nhiều nước nhằm vào Nga. Mỹ đã đóng băng tất cả tài sản của Sberbank – ngân hàng lớn nhất tại Nga – có liên quan tới hệ thống tài chính Mỹ, và cấm các công ty Mỹ làm ăn kinh doanh với Sberbank, nhưng ngoại trừ các giao dịch liên quan tới năng lượng. Một số quốc gia khác cũng loại trừ Gazprombank – ngân hàng lớn của Nga với hoạt động chủ yếu liên quan tới năng lượng – khỏi các biện pháp trừng phạt.

Giữa "bão" trừng phạt, Nga đã bắt đầu có những động thái đáp trả. Gần đây nhất, Nga tuyên bố cắt cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria từ ngày 27/4, sau khi hai nước này từ chối dùng đồng Rúp để thanh toán tiền mua khí đốt từ Nga. Tháng trước, Moscow đưa ra “tối hậu thư” rằng các nước “không thân thiện” với Nga sẽ phải trả tiền mua khí đốt Nga bằng đồng Rúp bắt đầu từ ngày 1/4, nếu không sẽ bị Moscow cắt khí đốt.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate