Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường vừa phối hợp với Cục Đường bộ Việt Nam, Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông vận tải tổ chức hội thảo khoa học “Tổng kết, đánh giá các giải pháp kỹ thuật mới trong sửa chữa, bảo trì kết cấu mặt đường”.
Phát biểu tại hội thảo, ông Hoàng Thanh Nam, Phó Vụ trưởng Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, cho biết trong thời gian qua, hệ thống giao thông đường bộ của Việt Nam được đầu tư phát triển nhanh chóng, với tổng chiều dài mạng lưới hệ thống đường bộ hơn 610.000 km.
Trong đó, đường trung ương quản lý gần 27.000km, bao gồm đường cao tốc do địa phương và trung ương quản lý đưa vào khai thác 1.729km, quốc lộ khoảng 25.200km.
Tuy nhiên, theo Phó Vụ trưởng Hoàng Thanh Nam, trong quá trình khai thác, nhiều tuyến đường bị xuống cấp, hư hỏng cần bảo trì kịp thời. Nhằm đưa ra các giải pháp sửa chữa bảo trì tăng cường mặt đường, Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam, Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông vận tải triển khai nghiên cứu, thử nghiệm và từng bước hoàn thiện một số giải pháp kỹ thuật mới, tiên tiến vào sửa chữa, bảo trì mặt đường và đạt được hiệu quả cao về mặt kinh tế, kỹ thuật và môi trường.
Từ đó, góp phần đa dạng hóa các giải pháp kỹ thuật mới bên cạnh các giải pháp kỹ thuật truyền thống cho từng hạng mục, dự án cụ thể.
Phó Vụ trưởng Hoàng Thanh Nam đánh giá trong giai đoạn từ năm 2010 đến nay, nhiều công nghệ, giải pháp kỹ thuật tiên tiến được Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo cho phép thử nghiệm, đánh giá, xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật để từng bước áp dụng rộng rãi trong xây dựng, sửa chữa, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
"Điển hình như liên quan đến xây dựng và bảo trì kết cấu áo đường, nổi bật có các công nghệ: công nghệ cào bóc tái chế nguội tại chỗ, giúp tận dụng vật liệu mặt đường cũ, tiết kiệm tài nguyên, giảm phát thải, thân thiện với môi trường; công nghệ bê tông nhựa tái chế nóng tại trạm trộn; công nghệ bê tông nhựa ấm; công nghệ lớp phủ mỏng Microsurfacing trong bảo trì dự phòng mặt đường, giúp kéo dài tuổi thọ mặt đường", ông Nam thông tin.
Bên cạnh đó, công nghệ mặt đường bán mềm áp dụng tại nút giao có nhiều xe tải nặng, các bến, bãi đỗ xe, bến cảng container; công nghệ vá sửa khẩn cấp ổ gà, lún lõm mặt đường trong mùa mưa bão bằng bê tông nhựa nguội phản ứng nước để đảm bảo giao thông.
Một số vật liệu mới cũng được ứng dụng vào xây dựng và bảo trì đường bộ tại Việt nam như vật liệu nhũ tương nhựa đường a xít, vật liệu phụ gia tăng cường dính bám đá nhựa trong sản xuất bê tông nhựa, phụ gia tăng cường tính năng của bê tông nhựa chống hằn lún vệt bánh xe…
Đến nay, các giải pháp công nghệ trên có các hướng dẫn cụ thể, Bộ Giao thông vận tải giai đoạn 2013-2018 ban hành nhiều chỉ dẫn tạm thời về thiết kế, thi công, nghiệm thu đối với các giải pháp kỹ thuật nêu trên trong công tác sửa chữa, bảo trì đường bộ, cũng như xây dựng và ban hành nhiều TCVN có liên quan (TCVN 13150, TCVN 12316,…) và được các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, Cục Đường bộ Việt Nam cho phép triển khai áp dụng rộng rãi.
Chẳng hạn, đối với công nghệ cào bóc tái chế nguội tại chỗ, từ năm 2010 - 2020, có 130 dự án triển khai, từ năm 2021 đến nay có 79 dự án.
"Điều đó cho thấy các giải pháp kỹ thuật tiên tiến đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo trì đường bộ, nâng cao hiệu quả kinh tế - kỹ thuật, bảo vệ môi trường", Phó Vụ trưởng Hoàng Thanh Nam cho biết.
Thông qua các dự án ứng dụng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến trong sửa chữa, bảo trì kết cấu mặt đường, Cục Đường bộ Việt Nam, Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông vận tải, chủ đầu tư, các đơn vị thi công, đơn vị cung ứng vật liệu thu thập, tổng hợp được nhiều số liệu từ thực tiễn bao gồm phạm vi, đối tượng áp dụng, ưu nhược điểm đến đơn giá, định mức, so sánh chi phí của từng phương án kỹ thuật cụ thể cũng như các vấn đề phát sinh trong quá trình thi công, đánh giá nghiệm thu…
Việc tổ chức hội thảo này là hết sức cần thiết nhằm tiếp tục hoàn thiện các quy định có liên quan từ tiêu chuẩn, đến đơn giá, định mức cũng như chia sẻ các kinh nghiệm đến các đơn vị trong ngành muốn tìm hiểu, nắm bắt công nghệ để tiến tới áp dụng cho mỗi địa phương, đơn vị.