May 26, 2024 | 13:42 GMT+7

Cuộc chiến giá xe điện lan rộng ra toàn cầu

Hoàng Lâm

Cuộc chiến về giá giữa các nhà lắp sản xuất xe điện (EV) Trung Quốc đang lan rộng ra thị trường nước ngoài khi hơn chục công ty tìm cách ra nước ngoài để tăng doanh số và theo đuổi lợi nhuận cao hơn để bù lỗ ở trong nước.

Cuộc chiến giá xe điện lan rộng ra toàn cầu - Ảnh 1

Ở Đông Nam Á, nơi ô tô chạy bằng pin ngày càng trở nên phổ biến, các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc từ những gã khổng lồ lâu đời như BYD và Great Wall Motor cho đến các công ty khởi nghiệp như Hozon New Energy Automobile đang đưa ra các chương trình giảm giá nhằm cạnh tranh với các đối thủ Nhật Bản có xe xăng chiếm lĩnh thị trường.

Jacky Chen, tổng giám đốc của Jetour Auto International, một công ty con của gã khổng lồ sản xuất ô tô nhà nước Chery nói: “Cạnh tranh về giá đang trở nên khốc liệt hơn ở các thị trường bên ngoài Trung Quốc vì ngày càng nhiều công ty nhận ra tỷ suất lợi nhuận cao ở nước ngoài có thể giúp họ giảm lỗ hoặc cải thiện thu nhập khi hiện tại rất khó kiếm được lợi nhuận ở trong nước do cuộc chiến chiết khấu. Đây không phải là một dấu hiệu tốt cho các công ty ô tô Trung Quốc khi chúng tôi đang đẩy nhanh tốc độ vươn ra toàn cầu”.

Trung Quốc là thị trường ô tô và xe điện lớn nhất thế giới, với gần 4/10 ô tô mới chạy trên đường phố chạy bằng pin. Nhưng ngành công nghiệp trong nước, với hơn 100 công ty, hiện đang sa lầy vào tình trạng dư thừa công suất sau sự sụp đổ của một số công ty hoạt động kém hiệu quả như WM Motor và Human Horizons.

Qian Kang, một doanh nhân sở hữu doanh nghiệp linh kiện ô tô ở tỉnh Chiết Giang, phía Đông Trung Quốc, cho biết: “Tăng doanh số bán hàng bên ngoài Trung Quốc là một cách tốt để theo đuổi lợi nhuận vì giá tại các thị trường như Đông Nam Á cao hơn nhiều so với ở đại lục. Nhưng khi các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc ồ ạt đổ bộ vào những thị trường đó, cạnh tranh về giá sẽ trở nên không thể tránh khỏi, điều này cuối cùng sẽ làm tổn hại đến lợi ích của chính họ”.

Tại Thái Lan, BYD, nhà sản xuất ô tô điện bán chạy nhất thế giới có trụ sở tại Thâm Quyến, gần đây đã giảm giá phiên bản cập nhật của mẫu xe thể thao đa dụng (SUV) Atto3 hàng đầu của mình xuống 18%, xuống còn 899.900 baht (24.542 USD). Tiếp theo đó là các đợt giảm giá tương tự được đưa ra bởi các đối thủ Trung Quốc Changan Automobile và Hozon.

Xe điện Neta V của Hozon hiện có giá 549.000 baht, rẻ hơn 30% so với sedan điện Dolphin của BYD, trong khi Lumin EV của Changan có giá 480.000 baht.

Chiến lược giá thấp của các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đã phát huy tác dụng trong những năm gần đây, khi các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc hiện chiếm thị phần lớn ở Đông Nam Á. Theo dữ liệu do Deloitte Trung Quốc tổng hợp, miếng bánh của họ đã tăng từ 47% vào năm 2021 lên 74% vào năm ngoái.

BYD chiếm 33% thị phần xe điện tại các nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), theo sau là xe điện mang thương hiệu Neta với doanh số chiếm 14% tổng doanh số của khu vực.

Cuộc chiến giá xe điện lan rộng ra toàn cầu - Ảnh 2

Theo các quan chức trong ngành, năm ngoái, các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản chiếm 64% thị phần ô tô ở các nước ASEAN, nhưng sự thâm nhập ngày càng tăng của ô tô điện trong khu vực sẽ mang lại cho các công ty xe điện Trung Quốc cơ hội lớn để thách thức những công ty dẫn đầu thị trường như Toyota.

Vào năm 2023, doanh số bán xe điện chỉ chiếm 3% tổng doanh số bán ô tô trong khu vực, nhưng Deloitte dự đoán tỷ lệ sử dụng ô tô điện có thể tăng vọt lên 10% tại một thị trường có số lượng xe giao hàng đạt 3,3 triệu vào năm ngoái.

David Zhang, giám đốc Trung tâm nghiên cứu hợp tác quốc tế ô tô kỹ thuật số WDEF tại Hàng Châu cho hay:“Chiến tranh về giá không phải là điều bất thường ở cả thị trường phát triển và đang phát triển. Nhưng các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc cần đạt được sự đồng thuận rằng việc giảm giá liên tục sẽ gây bất lợi cho tất cả họ vì giá thấp hơn sẽ dẫn đến thua lỗ nặng nề”.

Cho đến nay, các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc vẫn đang báo cáo tỷ suất lợi nhuận trên mỗi chiếc xe cao - khoảng cách giữa giá bán và chi phí hữu hình như nguyên liệu thô, nhân công và hậu cần - tại thị trường ASEAN.

Atto3 của BYD, còn được gọi là Yuan Plus có giá khởi điểm 119.800 nhân dân tệ (16.542 USD) tại thị trường nội địa, rẻ hơn 1/3 so với giá mà người tiêu dùng Thái Lan phải trả.

Trong khi đó, Nhà Trắng tuyên bố tăng gấp bốn lần thuế đối với xe điện do Trung Quốc sản xuất như một phần của một loạt các biện pháp mà họ cho biết sẽ bảo vệ các công ty Mỹ khỏi những khoản trợ cấp không công bằng mà Bắc Kinh đưa ra cho các công ty của họ.

Các nhà lắp ráp xe điện Trung Quốc đang chuẩn bị đón một đòn khác ở châu Âu, sau khi Ủy ban châu Âu bắt đầu điều tra vào tháng 9 năm ngoái về các khoản trợ cấp của Bắc Kinh dành cho các nhà sản xuất ô tô.

BYD, công ty có Berkshire Hathaway của Warren Buffett trong số các cổ đông của mình, đã nổ loạt đạn đầu tiên trong cuộc chiến giá xe điện ở đại lục, giảm giá gần như tất cả ô tô của họ từ 5 đến 20% kể từ giữa tháng Hai.

Goldman Sachs cho biết trong một báo cáo hồi tháng trước rằng kể từ đó, giá của 50 mẫu xe thuộc nhiều thương hiệu khác nhau đã giảm trung bình 10%.

Ngân hàng Mỹ cho biết thêm, việc BYD cắt giảm 10.300 nhân dân tệ mỗi chiếc xe, tương đương 7% giá bán trung bình của công ty, có thể khiến ngành công nghiệp xe điện của quốc gia thua lỗ.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate