Những món đồ thời trang chỉ xuất hiện một lần trên sàn catwalk hay một sự kiện nhất định ngày càng có giá trị lớn hơn theo năm tháng, bởi các nhà thiết kế không bao giờ tái sản xuất những món đồ giống nhau hai lần. Do đó, việc được mặc độc quyền một thiết kế mà không ai có thể mua được trở thành niềm khao khát đối với các tín đồ thời trang.
NHỮNG TRANG PHỤC MANG TÍNH BIỂU TƯỢNG
Ngày nay, chúng ta đã có thể dễ dàng tiếp cận hơn với thời trang cao cấp (high fashion). Nhưng thời trang lưu trữ được coi là đỉnh cao của giá trị trong thời trang, rất khó để tiếp xúc với chúng. Một khi mang tính lưu trữ, trang phục không chỉ đơn thuần là sản phẩm may mặc mà còn là hiện thân của lịch sử. Đi kèm với chúng là các dấu mốc phát triển của thời trang thế giới, được thể hiện qua chất liệu, kỹ thuật rập may, cách xử lý và kết cấu vải đầy tính thể nghiệm.
Người đại diện của Morphew - một trang điện tử chuyên kinh doanh thời trang cao cấp - cho biết: “Trong vòng 5 đến 7 năm qua, nhiều NTK và thương hiệu hàng đầu tìm mua lại tác phẩm của họ để lưu trữ. Tôi nghĩ vì nhiều người trong số họ đang ở độ tuổi muốn nhìn lại thành quả của mình sau một chặng đường dài”.
Mới đây, Morphew đã bán chiếc đầm dạ hội Valentino thập niên 1970 tay phồng màu hồng do Gianni Versace thiết kế cho Allegra Versace (cháu gái và là người thừa kế Versace). Vào năm 2019, ông cũng bán chiếc đầm họa tiết hổ Roberto Cavalli nổi tiếng từ mùa thu năm 2000 cho chính Roberto Cavalli.
Không chỉ cá nhân NTK mà các thương hiệu thời trang hàng đầu thế giới như Dior, Gucci, Versace và Chanel đều dành nhiều thời gian, tiền bạc để xây dựng bộ sưu tập lưu trữ. Dior có một bộ sưu tập lưu trữ đã có từ năm 1985 gồm đầm, trang sức, giày, nón, mẫu vải và bản phác thảo của chính Christian Dior cùng nhiều tác phẩm từ các giám đốc sáng tạo khác của hãng. Tương tự, Valentino có kho lưu trữ đồ sộ nhưng cũng có chương trình Valentino Vintage cho phép mọi người mang các mẫu thiết kế mùa trước của thương hiệu đến một số cửa hàng để bán hoặc giao dịch trực tuyến.
Đầu năm nay, khi lướt web, NTK Anna Sui tình cờ bắt gặp một chiếc đầm hai dây bằng nhung màu xám viền lông từ BST mùa thu năm 1998 của mình được rao bán trên Poshmark. Ngay lập tức, bà gửi thư đến người đăng bán trang phục này: “Tôi tự hỏi liệu tôi có thể đổi lấy nó bằng một chiếc đầm khác? Chúng tôi không còn mẫu này và nó có ý nghĩa rất lớn đối với tôi nếu tôi có nó trong kho lưu trữ của mình”. Thật may vì vài tháng sau, chiếc đầm này đã xuất hiện trong BST Resort 2023 của Anna Sui.
Murray Blewett, Trưởng phòng lưu trữ tại Vivienne Westwood giải thích: “Những thiết kế biểu tượng của chúng tôi, đặc biệt là trong thập niên 1970 và 1980, bị biến mất do bản chất thời điểm lịch sử này. Vì thế, mỗi khi cần tham khảo, trưng bày… chúng tôi phải viết thư xin mượn chúng từ các nhà sưu tập tư nhân với các quy tắc đảm bảo an toàn nghiêm ngặt”.
Các nền tảng bán lại hàng xa xỉ cho biết giá của những bộ trang phục mang tính biểu tượng ngày càng tăng vọt do việc thiết lập kho lưu trữ của các nhà thời trang ngày càng được quan tâm đầu tư.
Nhu cầu càng được thúc đẩy bởi ánh hào quang của thương hiệu và các cuộc triển lãm. “Sau cuộc triển lãm tại Paris của Dior, chúng tôi nhận được nhiều cuộc gọi, email hỏi mua các mẫu thiết kế mang tính biểu tượng của thương hiệu này”, đại diện trang Morphew nói.
MỘT TRÀO LƯU THIẾT KẾ MỚI
Nhiều nhà mốt lớn cũng bắt đầu "suy nghĩ lại" về việc sử dụng và nâng cấp hàng tồn kho để làm mới các bộ sưu tập, chạy theo xu hướng hoài cổ đang ngày càng được lớp khách hàng trẻ tuổi yêu thích. Trong suốt các Tuần lễ thời trang cao cấp của năm 2021 – 2022, các từ khóa “upcycled” (nâng cấp) hay “re-new” (làm mới) được nhắc đến nhiều và vận dụng thường xuyên.
Alexander McQueen lục tung kho lưu trữ để cho ra bộ sưu tập Xuân Hè 2021, mà như Sarah Burton nói là “make, do and amend” (Tận dụng những gì đang có), bắt chước chiến dịch tận dụng triệt để thời kỳ hậu thế chiến II. Hay như Coach khám phá cách tái sử dụng chất liệu để làm mới những chiếc túi biểu tượng từ thập niên 1970. Trong khi Miu Miu tung ra bộ sưu tập upcycled mới với 80 chiếc váy độc quyền đã qua mặc một lần, tân trang lại bằng những món đồ cổ được chọn lọc cẩn thận từ các cửa hàng và chợ đồ cũ trên toàn thế giới.
Glenn Martens, Giám đốc sáng tạo của Diesel đồng thời là NTK khách mời cho BST thời trang cao cấp của Jean Paul Gaultier thừa nhận anh đã mượn họa tiết nghệ thuật thị giác mang tính biểu tượng của thương hiệu này từng xuất hiện trong BST mùa thu năm 1995 vào BST thời trang nam mùa thu năm 2022 của mình. Giám đốc sáng tạo mới của Roberto Cavalli - Fausto Puglisi - cũng lấy cảm hứng từ kho lưu trữ của thương hiệu. Ông nói: “Những gì cũ kỹ và khó nắm bắt sẽ luôn truyền cảm hứng nhưng vào năm 2023, nó sẽ được nâng lên một tầm cao mới”.
Kate Spade - NTK và sáng lập thương hiệu cùng tên - cũng đang tìm lại các tác phẩm lưu trữ để có thêm cảm hứng sáng tạo. “Nhiều khách hàng đã gửi những mẫu túi xách của 20 - 30 năm trước để chúng tôi đưa vào kho lưu trữ cũng như để lấy ý tưởng cho các BST trong thời gian tới”, Kristen Naiman, Phó chủ tịch cấp cao tại Kate Spade, cho biết.
Năm ngoái, khi ra mắt BST Xuân Hè 2022, Giám đốc Sáng tạo Anthony Vaccarello quyết định giới thiệu BST mới nhất của Saint Laurent lấy cảm hứng từ bộ suit dành cho nữ giới nằm trong BST “Le Smoking” (1966) lừng lẫy của NTK Yves Saint Laurent. Bên cạnh đó, các thiết kế đầm xẻ ngực sâu gợi cảm, đồ jumpsuit họa tiết hoa ôm sát với những đường cắt xẻ táo bạo và những mẫu đầm tạo hiệu ứng xoắn mang đậm dấu ấn thập niên 80 từ kho lưu trữ của Saint Laurent cũng được Anthony Vaccarello biến tấu mới mẻ hơn.
Có thể nói, nhờ vào di sản được cất giữ tại các kho lưu trữ, ngày nay các nhà thiết kế có thể sử dụng những phong cách từng xuất hiện trong quá khứ để gắn kết thẩm mỹ cá nhân họ với yếu tố định vị thương hiệu. Bạn có thể không nhận ra cái tên Maria Grazia Chiuri ngay tức thì nhưng bạn sẽ nhận ra cái tên và kiểu dáng của trang phục Dior mà bà thiết kế cho nhà mốt – bộ Bar jacket, váy wide-spread. Trong một thị trường đông đúc và hỗn độn, chính những chi tiết định vị thương hiệu được duy trì từ quá khứ sẽ giúp mỗi một nhà mốt không ngừng phát triển trong tương lai.
Từ đây, các nhà mốt bắt đầu hợp tác với các trang bán lẻ ký gửi nổi tiếng. Điển hình, The RealReal đã ra mắt chương trình "ReCollection" - giới thiệu chuỗi các bộ sưu tập upcycled từ hàng may mặc tồn kho của các thương hiệu nổi tiếng như Balenciaga, Dries Van Noten, Jacquemus, Simone Rocha và Stella McCartney. Đợt ra mắt đầu tiên bao gồm 50 mặt hàng được thiết kế độc quyền từ các sản phẩm ký gửi của các thương hiệu. Trong Tuần lễ thời trang New York vừa rồi, nhà thiết kế Christian Siriano cũng đã lấy nguyên vật liệu cho hai chiếc váy của mình từ thredUP, một cửa hàng ký gửi đồ cũ trực tuyến, để tái thiết kế và trình diễn.