Sau 7 năm phát triển, thị trường gọi xe trực tuyến Việt Nam đã có sự bùng nổ với hơn 20 nền tảng khác nhau ra đời. Đến nay, có khoảng 67.000 xe taxi, 90.000 xe hợp đồng đã đăng ký kinh doanh và được cấp phù hiệu.
Với doanh thu khoảng 2,4 tỷ USD trong năm 2021 và tốc độ tăng trưởng bình quân đạt khoảng 30-35% mỗi năm trong giai đoạn từ 2015 đến nay… mức tăng trưởng gọi xe trực tuyến cao thứ 2 chỉ sau thị trường thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam.
Trong giai đoạn 2020 – 2021, dưới ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, có những giai đoạn hoạt động cung cấp dịch vụ gọi xe trực tuyến bị gián đoạn, nhưng các nền tảng gọi xe trực tuyến đã tăng cường mở rộng, bổ sung các dịch vụ khác như giao hàng, thanh toán điện tử, giao đồ ăn…
Theo số liệu của Statista năm 2020, tổng thị phần của 03 doanh nghiệp lớn nhất trên thị trường gọi xe trực tuyến tại Việt Nam, gồm: Grab, Gojek và Be đã đạt gần 99%, cho thấy mức độ tập trung thị trường khá cao.
Tọa đàm “Bài toán cạnh tranh cho thị trường gọi xe công nghệ trong thời kỳ bình thường mới” do Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) phối hợp Dự án “Hoàn thiện chính sách và nâng cao năng lực thực thi cạnh tranh” thuộc Dự án JICA Nhật Bản tổ chức, các ý kiến đều cho rằng, trong thời kỳ bình thường mới, cuộc đua tranh trên thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam sẽ trở nên khốc liệt hơn.
Không chỉ ganh đua về phí dịch vụ, mà còn cạnh tranh nhau về chất lượng và sự đa dạng hóa dịch vụ trên nền tảng. Sự cạnh tranh tích cực này sẽ đem lại những lợi ích nhất định cho người dùng, bao gồm cả người đi xe và lái xe.
Người dùng sẽ được hưởng lợi nhiều hơn, quyền lợi của người tiêu dùng sẽ được đảm bảo hơn. Tuy nhiên, điều này lại tạo ra những thách thức, áp lực lớn đối với các doanh nghiệp tiềm năng muốn gia nhập thị trường.
Theo bà Trần Phương Lan, Trưởng phòng, Phòng Kiểm soát tập trung kinh tế, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, rào cản lớn đối với thị trường gọi xe công nghệ là tài chính. Những doanh nghiệp không có tiềm lực tài chính rất khó có thể tồn tại và duy trì hoạt động kinh doanh thành công trên thị trường nền tảng gọi xe trực tuyến.
Để thúc đẩy cạnh tranh trên thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam, ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho rằng, cần tạo một môi trường cạnh tranh lành mạnh, thuận lợi và công bằng giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ.
Bên cạnh đó, cần khuyến khích quá trình chuyển đổi số, đồng thời, có thể tạo điều kiện thuận lợi về vốn cho các doanh nghiệp mới gia nhập thị trường thông qua các ưu đãi thuế hay ưu đãi về thanh toán trực tuyến.
Đặc biệt cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để đảm bảo doanh nghiệp tuân thủ pháp luật cạnh tranh.
Ông Đinh Văn Minh, Chuyên viên Vụ Vận tải, Bộ Giao thông vận tải, nhận định sự ra đời của Nghị đinh số 10/2020/NĐ-CP thay thế cho Nghị định số 86/2014/NĐ-CP là một cú huých cho sự phát triển của các đơn vị kinh doanh vận tải.
Với việc cắt giảm và đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư kinh doanh dịch vụ vận tải bằng xe ô tô đối với cả loại hình xe taxi và xe hợp đồng, Nghị định 10 được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện cho môi trường kinh doanh, cạnh tranh minh bạch, lành mạnh và bình đẳng giữa các chủ thể có hoạt động kinh doanh vận tải, mang lại nhiều lợi ích cho người dân và doanh nghiệp.
Ngoài việc tạo ra hành lang pháp lý thông thoáng, giảm thiểu các rào cản, điều kiện kinh doanh, khuyến khích doanh nghiệp tích cực tham gia vào công cuộc chuyển đổi số của Nhà nước, theo bà Lan: “Bản thân các doanh nghiệp cũng cần chủ động, sáng tạo để đổi mới, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh của mình, kết nối, hợp tác với nhau để phát triển trên cơ sở tuân thủ pháp luật nhằm cạnh tranh công bằng và lành mạnh”.