December 16, 2021 | 19:16 GMT+7

Cuối năm, doanh nghiệp vẫn “đỏ mắt” tìm lao động

Nhật Dương -

Nhu cầu tuyển dụng việc làm, nhất là các vị trí bán thời gian tăng đột biến vào dịp cuối năm để phục vụ các đơn hàng dịp Tết, song rất khó tuyển được lao động...

Lao động đăng ký thông tin tìm việc tại sàn việc làm Hà Nội. Ảnh - N.Dương.
Lao động đăng ký thông tin tìm việc tại sàn việc làm Hà Nội. Ảnh - N.Dương.

Thời điểm cuối năm 2021 đang cận kề là lúc hầu hết các doanh nghiệp đang bước vào giai đoạn “chạy nước rút”, vì thế nhu cầu tuyển dụng lao động, đặc biệt việc làm thời vụ tăng khá cao nhưng rất khó tuyển. 

DOANH NGHIỆP GẶP KHÓ KHI TUYỂN DỤNG LAO ĐỘNG

Có mặt từ rất sớm tại phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối 7 tỉnh, thành phố Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hải Dương và Hà Nội sáng 16/12, bà Hoàng Thị Vân Anh, Quản lý một cửa hàng thuộc chuỗi siêu thị Con Cưng cho biết, đến giữa buổi vẫn chưa tuyển được ứng viên nào.

Theo bà Vân Anh, do yêu cầu mở rộng hoạt động ra khu vực phía Bắc như: Hà Nội, Hải Dương, Thái Nguyên, Hải Phòng…, nên lượng nhân sự cần tuyển với mỗi địa bàn cần khoảng từ 100 – 200 người, mỗi cửa hàng trung bình 7 – 10 nhân sự, dự kiến đến năm 2023 hệ thống này sẽ có khoảng 1.000 cửa hàng với 3.000 – 4.000 nhân viên.

Đại diện đơn vị này nhìn nhận, hầu hết các vị trí nhân viên không yêu cầu quá cao, đặc biệt thời điểm này chỉ cần trình độ tốt nghiệp trung học phổ thông, với mức lương khởi điểm từ 5 -7 triệu đồng và có cơ hội thăng tiến lên vị trí quản lý cửa hàng, quản lý vùng sau 3 tháng nhưng rất khó để tuyển đủ người trong thời điểm hiện nay.

Trong khi đó, đến từ doanh nghiệp khác hiện cũng đang có nhu cầu tuyển dụng lao động, ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính tổng hợp, Công ty cổ phần Vang Thăng Long cho biết, từ nay đến cuối năm đơn vị này cần tuyển khoảng 30 – 40 lao động bán thời gian. Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đồ uống, mỗi năm đơn vị này sản xuất ra thị trường khoảng 1,2 triệu chai, tuy nhiên giai đoạn cao điểm Tết cần sản xuất khoảng 600.000 – 700.000 chai nên cần huy động lớn nhân sự để đảm bảo đáp ứng các đơn hàng.

Nhu cầu tuyển dụng chủ yếu thời điểm này là lao động phổ thông, sinh viên thời vụ, song theo ông Vinh việc tuyển dụng năm nay rất khó. “Lực lượng lao động tự do ở các tỉnh gần như không lên được Hà Nội một phần do tâm lý sợ dịch bệnh, còn với nhóm sinh viên cũng đang nghỉ học nên chúng tôi rất khó tuyển, đến nay số ứng viên đáp ứng được mới đạt khoảng 90%”, ông Vinh nói và cho hay để có lao động, đơn vị buộc phải mở rộng tìm kiếm qua các trang mạng xã hội Zalo, facebook và liên hệ với các trường đại học…

Theo đánh giá của các doanh nghiệp tham gia tuyển dụng thời điểm này, dù nhu cầu tăng cao, nhưng hầu như người lao động không mặn mà tìm việc, số nhảy việc tìm kiếm công việc mới cũng rất ít.

MỨC LƯƠNG CẠNH TRANH, LAO ĐỘNG CHƯA HẲN MẶN MÀ

Ghi nhận tại phiên giao dịch việc làm online sáng 16/12, theo thống kê có đến 116 đơn vị tham gia tuyển dụng hơn 17.000 vị trí việc làm, trong đó riêng tại sàn việc làm Hà Nội, có 35 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng 1.210 chỉ tiêu, với hơn 500 chỉ tiêu việc làm thời vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, tập trung chủ yếu là vị trí gói giỏ quà Tết, nhân viên bán hàng, nhân viên thu ngân…

Khung cảnh vắng vẻ, lác đác chỉ có một vài lao động đến phỏng vấn trong phiên việc làm sáng 16/12. Ảnh - N.Dương. 
Khung cảnh vắng vẻ, lác đác chỉ có một vài lao động đến phỏng vấn trong phiên việc làm sáng 16/12. Ảnh - N.Dương. 

Các mức thu nhập được nhiều doanh nghiệp đưa ra khá hấp dẫn với nhiều phân khúc từ trên 10 triệu đồng/tháng cho các vị trí tuyển dụng chất lượng cao như quản lý, giám sát, trưởng – phó phòng có kinh nghiệm và chuyên môn tốt, có khả năng chịu được áp lực công việc cao.

Hay mức từ 7 – 10 triệu đồng cho các vị trí việc làm ổn định như kế toán, nhân viên văn phòng, nhân viên kỹ thuật có tay nghề; nhóm lao động chưa có tay nghề, sinh viên mới ra trường hoặc các công việc thời vụ, bán thời gian dịp Tết thì mức lương dao động từ 5 – 7 triệu đồng…

Tuy nhiên, ngay tại sàn việc làm Hà Nội, vốn là địa bàn sôi động các hoạt động tuyển dụng thì số lao động đến phỏng vấn trong sáng 16/12 chỉ “đếm được trên đầu ngón tay”, một số doanh nghiệp dù chưa hết buổi sáng nhưng chờ mãi không có ứng viên nào đành ra về.

Trao đổi về vấn đề này, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho rằng, việc đáp ứng giữa mức cung và cầu lao động từ trước đến nay luôn có sự chênh lệch là quy luật của thị trường. “Có thời điểm người lao động đi tìm việc rất lớn, nhưng nguồn cung việc làm lại thấp, ngược lại có những thời điểm nhu cầu lớn, nhưng lượng lao động đi tìm việc lại ít hơn, điều này còn tùy thuộc vào thị trường”, ông Thành lý giải.

Theo ông Thành, trên thực tế hiện nguồn cung lao động không phải không dồi dào, nhưng trong điều kiện này, người lao động đang cân nhắc lựa chọn các cơ hội việc làm. Theo quan sát của đơn vị này, bên cạnh mức lương, thưởng, chế độ đãi ngộ của vị trí việc làm, người lao động còn quan tâm nhiều đến việc đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống dịch bệnh tại nơi làm việc.

Còn đối với những lao động vừa rồi bị mất việc làm, thời điểm này sẽ có xu hướng lựa chọn việc làm thời vụ để có khoản tiền trước mắt lo Tết, do đó các vị trí tuyển dụng toàn thời gian sẽ hạn chế ứng viên hơn.

Dù vậy, ông Thành đánh giá, trong bối cảnh hiện nay, nhất là sau khi áp dụng các chính sách linh hoạt trong công tác phòng chống dịch, cũng như các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh sau dịch thì tình hình tuyển dụng của các doanh nghiệp đã tăng lên từ 10 – 15% so với những tháng trước đây.

“Chúng tôi nghĩ với các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đang được thực hiện thì tình hình sản xuất kinh doanh sẽ từng bước phục hồi, từ đó thị trường lao động sẽ tiếp tục khởi sắc”, ông Thành cho biết.  

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate