April 28, 2024 | 09:44 GMT+7

Đà Nẵng thực hiện tổ chức mô hình chính quyền đô thị

Ngô Anh Văn -

Mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng theo hướng tinh gọn, hiệu quả, linh hoạt, thông suốt trong quá trình vận hành, đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố theo hướng năng động, sáng tạo trong thời kỳ mới...

Trung tâm Hanh chính Đà Nẵng (tháp nhà bên trái). Ảnh Ngô Anh Văn
Trung tâm Hanh chính Đà Nẵng (tháp nhà bên trái). Ảnh Ngô Anh Văn

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 55/NQ-CP thống nhất thông qua dự thảo Nghị quyết và dự thảo Tờ trình của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

TÍNH ƯU VIỆT MÔ HÌNH CHÍNH QUYỀN ĐÔ THỊ

Mục tiêu của chính sách là xây dựng mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng theo hướng tinh gọn, hiệu quả, linh hoạt, thông suốt trong quá trình vận hành, đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố theo hướng năng động, sáng tạo trong thời kỳ mới. Đồng thời nâng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền đô thị; huy động cao nhất mọi nguồn lực cho sự phát triển bền vững, thúc đẩy việc hình thành đô thị văn minh, hiện đại.

Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, cho biết có nhiều nội dung trong dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù do các Bộ, ngành góp ý đã được Đà Nẵng tiếp thu, điều chỉnh theo hướng phù hợp; hướng tới giản lược về thủ tục, ấn định thời gian tối đa phê duyệt thủ tục đầu tư, thực hiện nhiều chính sách vượt trội, thông thoáng thu hút nhà đầu tư… Cùng với đó cũng cần quy định ràng buộc trách nhiệm của thành phố trong thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù.

Theo đánh giá của lãnh đạo TP. Đà Nẵng, tổ chức mô hình chính quyền đô thị giúp bộ máy tinh gọn hơn, góp phần hình thành phương thức hoạt động nhanh nhạy, thông suốt hơn, chủ động trong điều hành, quyết định nhanh chóng những vấn đề quan trọng, cấp bách ở địa phương. Các chính sách, đề xuất mới góp phần xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo mục tiêu đề ra.

Các cơ quan chuyên môn trực thuộc được sắp xếp tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh phân cấp giữa các cơ quan trung ương và chính quyền thành phố, qua đó nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền. Bên cạnh đó, sẽ tiết kiệm giảm chi ngân sách cho hoạt động của HĐND phường (khoảng 35,7 tỉ đồng/năm, tương ứng với 215 đại biểu HĐND quận và 1.275 đại biểu HĐND phường). Đồng thời, tinh giản 69 biên chế là đại biểu chuyên trách HĐND quận và phường.

Về đội ngũ cán bộ, công chức: Mô hình vận hành theo hướng tập trung, thống nhất, phân định rõ hơn về thẩm quyền, trách nhiệm giải trình, bộ máy chính quyền và đội ngũ cán bộ, công chức; từ đó từng bước kiểm soát chặt chẽ hơn quá trình thi hành công vụ thông qua các công cụ quản lý và cơ chế giám sát mới hiệu quả hơn được hình thành.

Về tổ chức mô hình chính quyền đô thị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng việc phân cấp phân quyền, cần phân cấp triệt để cho thành phố Đà Nẵng, tức là các Ban quản lý Khu công nghiệp, Khu kinh tế, Khu thương mại tự do... Nếu có thể thì đây sẽ là cuộc cách mạng về FDI, tạo tiền đề từ phát triển Đà Nẵng tới cả Việt Nam.

Theo đề xuất, chính sách tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng sẽ được thực hiện kể từ ngày 1/7/2026.

HAI NHÓM CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ

Theo Nghị quyết 55/NQ-CP, ngày 26/4/2024, Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) theo quy trình tại một kỳ họp và theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Đáng chú ý, dự thảo Nghị quyết, có 2 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù với 34 chính sách cụ thể.

Nhóm 1 gồm chính sách về tổ chức mô hình chính quyền đô thị của thành phố Đà Nẵng (gồm 8 chính sách).

Nhóm 2 gồm các chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng được đề xuất thực hiện thí điểm (26 chính sách). Trong đó chính sách về quản lý đầu tư (4 chính sách); chính sách về tài chính, ngân sách nhà nước, thuế, hải quan (5 chính sách); chính sách về quy hoạch, đô thị và tài nguyên, môi trường (6 chính sách); chính sách về thu hút nhà đầu tư chiến lược (1 chính sách); chính sách về vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, thông tin truyền thông, quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo (8 chính sách); chính sách về tiền lương, thu nhập (2 chính sách).

Dự thảo cũng đề xuất thành lập Sở An toàn thực phẩm là cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố Đà Nẵng. Việc thành lập Sở An toàn thực phẩm là cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố sẽ giúp UBND thành phố triển khai thực hiện công tác quản lý an toàn thực phẩm, tham gia giám sát, truy xuất nguồn gốc tại các chợ, trung tâm thương mại, dịch vụ ngày càng được nâng cao, tăng chất lượng hàng hóa trên địa bàn...

Cảng Tiên Sa, Đà Nẵng
Cảng Tiên Sa, Đà Nẵng

Trước đó, đầu tháng 4/2024, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo Thành ủy, UBND TP. Đà Nẵng và Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Tại buổi làm việc, Đà Nẵng đề xuất được thí điểm thành lập Khu thương mại tự do gắn với cảng Liên Chiểu. Đây là khu chức năng, được thành lập để thực hiện các mục tiêu thu hút đầu tư, phát triển hoạt động sản xuất, dịch vụ hậu cần cảng, logistics, thương mại-dịch vụ, kinh doanh hàng miễn thuế. Khu thương mại tự do  Đà Nẵng sẽ có ranh giới địa lý xác định, ngăn cách với khu vực bên ngoài bằng hàng rào cứng, bảo đảm hoạt động kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan của cơ quan hải quan và các cơ quan có liên quan. Về quan hệ mua - bán, trao đổi hàng hóa giữa Khu thương mại tự do  Đà Nẵng với bên ngoài là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu.

Khu thương mại tự do Đà Nẵng sẽ có các chính sách ưu đãi đầu tư. Cụ thể, thời hạn hoạt động của dự án đầu tư trong Khu thương mại tự do được áp dụng tương tự dự án đầu tư trong khu kinh tế (theo quy định của pháp luật về đầu tư). Căn cứ vào quy mô, tính chất của dự án đầu tư và đề xuất của nhà đầu tư, Ủy ban Nhân dân  thành phố Đà Nẵng Đà Nẵng sẽ quyết định thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại Khu thương mại tự do không quá 70 năm. Mức ưu đãi, thời gian miễn, giảm tiền thuê đất, thời hạn áp dụng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng các khu chức năng được áp dụng tương tự trong khu kinh tế.

Bên cạnh đó, hàng hóa, dịch vụ được mua-bán, cung ứng giữa nội địa và nước ngoài với Khu thương mại tự do được áp dụng tương tự quy định pháp luật về thuế xuất nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với khu phi thuế quan.

Ngoài ra, các ưu đãi đầu tư khác tương tự khu kinh tế theo quy định của pháp luật về đầu tư, kế toán, thuế, đất đai và pháp luật có liên quan. Các dự án đầu tư đáp ứng điều kiện hưởng những mức ưu đãi đầu tư khác nhau trong cùng một thời gian thì nhà đầu tư được lựa chọn áp dụng mức ưu đãi cao nhất.

Dự thảo Nghị quyết cũng đề xuất một số ưu đãi khác như: Nhiều đối tượng không bị giới hạn về số lượng và giá trị hàng hóa khi mua hàng miễn thuế ở Khu thương mại - dịch vụ thuộc Khu thương mại tự do  Đà Nẵng.

Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp  thành phố Đà Nẵng có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt, phê duyệt điều chỉnh các nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chi tiết trong phạm vi khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, khu công nghiệp, khu thương mại tự do  Đà Nẵng. Thành phố được thí điểm thực hiện thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng đối với dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, gợi ý Đà Nẵng có thể xin thêm cơ chế về visa trong khu thương mại tự do. Cụ thể là kéo dài thời gian lưu trú để thu hút khách du lịch, chuyên gia. Chính sách thuế cũng cần ưu đãi; trong đó, thuế thu nhập doanh nghiệp để thu hút doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân để thu hút người lao động, chuyên gia. Có thể cấp phép doanh nghiệp làm trụ sở mà không cần dự án.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng lưu ý cần cơ chế quản lý phù hợp, vừa tự do nhưng vẫn có thể quản lý chặt chẽ theo quy định pháp luật.

Việc xây dựng Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về tổ chức mô hình chính quyền đô thị và Xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm tạo cơ sở pháp lý hữu hiệu để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt về phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, góp phần xây dựng và phát triển Thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 như mục tiêu đã đặt ra.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate