Các bang miền Nam của Ấn Độ, đặc biệt là Kerala, được biết đến là xứ sở của dừa và vườn của các loại gia vị. Người dân thường sử dụng phần thịt trắng bên trong trái dứa và vứt bỏ đi nước dừa. Để tránh bị lãng phí, công ty Malai đã phát triển vật liệu da làm hoàn toàn từ cellulose vi khuẩn hữu cơ được nuôi trên chất thải nông nghiệp có nguồn gốc từ ngành công nghiệp dừa.
Chất liệu da dừa là một loại vải sinh thái khá mới trong ngành thời trang cũng như một chất liệu thay thế mới cho các loại da được cho là “độc hại” với môi trường hiện nay. Loại da này được công ty tạo ra từ cellulose vi khuẩn hữu cơ được nuôi trên chất thải nông nghiệp, nước dừa còn sót lại, và được chuyển hóa thành công thành một hợp chất tổng hợp có chất lượng không kém gì các loại da “chính thống”.
Malai Bio Materials là một studio thiết kế và nghiên cứu vật liệu có trụ sở tại Kerala, Ấn Độ sản xuất do 2 nhà thiết kế vật liệu là Zuzana Gombosova đến từ Slovakia và Susmith Suseelan đến từ Ấn Độ thành lập. "Tôi cho rằng lĩnh vực mà chúng tôi đang nhắm đến là chưa phát triển và nhu cầu về vật liệu thuộc loại này nhiều hơn so với thị trường cung cấp vào thời điểm hiện tại. Tôi thấy đây là một cơ hội lớn cho chúng tôi và tôi chân thành tin rằng chúng tôi sẽ có cơ hội để nắm lấy nó." Zuana nói.
Cụ thể, các chuyên gia nghiên cứu vật liệu Zuzana Gombosva đến từ Slovakia và Susmith Suseelan đã tạo ra loại da thuần chay này bằng cách thu thập nước dừa từ những người nông dân địa phương hoặc bị bỏ đi tại các nhà máy công nghiệp ở Ấn Độ, sau đó đem chúng khử trùng và biến thành một chất dinh dưỡng hoàn toàn tự nhiên nhằm nuôi cấy vi khuẩn.
Sau hai tuần nuôi cấy, lớp “thạch” cellulose được hình thành, nguyên liệu thô này cũng được Gombosva và Suseelan đặt tên là Malai. Cellulose được biết là thành phần chính tạo nên lớp màng tế bào thực vật, giúp cho các mô thực vật có độ bền cơ học, có tính đàn hồi và giúp chúng có thể đứng vững.
Lớp thạch cellulose sẽ được thu hoạch, đem đi xử lý và tinh chế. Chẳng hạn như được làm giàu thêm bằng các sợi tự nhiên như chuối, cây gai dầu hoặc lá tếch, để tạo đồ bền cũng như tính đàn hồi. Tiếp theo, chúng sẽ được tạo thành những tấm phẳng có kết cấu và độ dày khác nhau. Cuối cùng, Malai được làm khô tự nhiên bằng không khí và làm mềm bằng cách áp dụng cách xử lý kháng nước nhẹ nhàng, quy trình này được thực hiện mà không sử dụng bất kỳ lớp phủ nhựa hay các thành phần tổng hợp khác nào.
Ưu điểm của Malai là nó hoàn toàn được làm từ tự nhiên và hữu cơ, hoàn toàn có thể phân hủy sinh học và không gây kích ứng, nó có thể được khâu, cắt, dán hoặc thậm chí đúc trực tiếp thành các hình dạng 3D. Tuy nhiên, giống như giấy hoặc da, Malai nhạy cảm với độ ẩm. Để giữ cho sản phẩm sản xuất tại Malai của bạn có hình dạng đẹp cần thoa một lớp mỏng dầu dừa lên bề mặt để đảm bảo nó vẫn được giữ ẩm. Các sản phẩm Malai cũng có thể được vứt bỏ trong thùng ủ phân khi chúng đã hết vòng đời.
"Chúng tôi vẫn đang tinh chỉnh một số đặc tính của Malai như sức mạnh, độ bền và độ hoàn thiện, do đó, điều quan trọng là chúng tôi phải nhận được phản hồi tốt từ các nhà sản xuất và nhà sản xuất đã thử nó. Hiện tại, thách thức lớn nhất là có được vòng tài trợ tiếp theo cho phép chúng tôi mở rộng quy mô sản xuất và thiết lập chuỗi cung ứng phát triển tốt," Zuzana cho biết.
Chuyên gia Gombsova cũng chia sẻ “Quy trình sản xuất của công ty chúng tôi không gây hại cho bất kỳ loài động vật nào. Nó tiêu thụ ít tài nguyên năng lượng hơn và không sử dụng hóa chất độc hại trong bất kỳ giai đoạn nào trong cả quá trình sản xuất”. Được biết, da Malai được sử dụng trong thời trang để tạo ra quần áo và túi xách và hoàn toàn có thể được in nổi, in lụa hoặc nhuộm tuỳ thuộc vào độ dày của vật liệu.
Ở thời đại mà các yếu tố sức khỏe và bảo vệ môi trường được quan tâm hơn bao giờ hết, da thuần chay, một nguyên liệu “da” rất thân thiện với môi trường, không gây hại cho động vật và không thải nhiều chất độc như da tổng hợp (chủ yếu làm từ nhựa) đang trở thành nguyên liệu phổ biến của ngành thời trang bền vững. Hiện tại, da thuần chay đã được sản xuất thử nghiệm từ các loại thực vật như lõi táo, lá dứa, xương rồng, nấm,…
Công ty Malai cho biết họ cũng đang tập trung để đẩy mạnh việc hợp tác với các thương hiệu có chung mục đích tạo ra những sản phẩm “xanh” với môi trường để phát triển, mở rộng thị trường ra châu Âu và thế giới.