June 08, 2024 | 09:45 GMT+7

Tăng thanh tra, kiểm tra cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố để phòng ngộ độc

Nhật Dương -

Để phòng chống ngộ độc thực phẩm, nhất là trong mùa nắng nóng và mùa mưa, Bộ Y tế đề nghị các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm, tập trung vào đối tượng là cơ sở sản xuất thực phẩm ăn ngay, thức ăn đường phố, các cơ sở kinh doanh nước giải khát, dịch vụ ăn uống...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 7/6, Bộ Y tế tiếp tục có công văn 3113 gửi các địa phương đề nghị tăng cường công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm, nhất là trong mùa nắng nóng và mùa mưa, lũ.

Theo đó, Bộ Y tế đề nghị các địa phương tiếp tục thực nghiêm túc các chỉ thị, quyết định, thông tư liên quan đến công tác này. Trong đó nhấn mạnh nội dung: Người đứng đầu các cấp, đơn vị phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn.

Các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm, kiên quyết xử lý nghiêm và đình chỉ hoạt động đối với những cơ sở không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm, cơ sở không có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Đặc biệt, tập trung thanh tra, kiểm tra vào đối tượng là cơ sở sản xuất thực phẩm ăn ngay, thức ăn đường phố, các cơ sở kinh doanh nước giải khát, nước đá, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể tại các trường học, bệnh viện, khu công nghiệp, khu chế xuất...

Chú ý kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm đối với các loại lương thực, thực phẩm, nước uống do các tổ chức, cá nhân làm từ thiện, hoặc hỗ trợ người dân trong mùa nắng nóng, mùa mưa, lũ nhằm đảm bảo không để các sản phẩm bị hỏng, mốc, dập vỡ, không rõ nguồn gốc, hết hạn sử dụng... đến tay người dân.

Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền thường xuyên liên tục các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm, phù hợp với đặc điểm của địa phương (sử dụng tiếng dân tộc đối với vùng đồng bào dân tộc, chú ý cả các vùng sâu, vùng xa).

Đồng thời, tuyên truyền để người dân không thu hái, đánh bắt, kinh doanh, sử dụng các động thực vật độc như nấm độc, côn trùng lạ, độc, cá nóc, so biển, ốc lạ, cây, quả lạ...; không sử dụng gia súc, gia cầm chết bệnh, chết không rõ nguyên nhân làm thức ăn hoặc chế biến thực phẩm.

Thực hiện ăn chín, uống chín, nước sử dụng để ăn uống, chế biến thực phẩm phải đảm bảo sạch hoặc được khử trùng, đặc biệt là trong thời gian nắng nóng, mưa, lũ.

Đối với các vùng có nguy cơ chịu ảnh hưởng của bão, lũ cao cần theo dõi các dự báo, diễn biến tình hình bão, lũ trên địa bàn và chủ động kế hoạch dự trữ các loại lương thực, thực phẩm chế biến sẵn, nước uống đóng chai, các loại vitamin, thuốc men, các hoá chất sát khuẩn của ngành y tế.

Khi xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm, nhanh chóng tổ chức cấp cứu, điều trị kịp thời cho bệnh nhân, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người dân.

Đồng thời phải đình chỉ ngay hoạt động của cơ sở gây ngộ độc thực phẩm, yêu cầu khắc phục đúng quy định trước khi hoạt động trở lại; điều tra, lấy mẫu thực phẩm, bệnh phẩm để xác định rõ nguyên nhân và tiến hành truy xuất nguồn gốc thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm đến cùng.

Cùng với đó, xử lý nghiêm các vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, công khai kết quả để cảnh báo cho cộng đồng.

Vấn đề an toàn thực phẩm cũng là nội dung được đại biểu Quốc hội chất vấn lãnh đạo Chính phủ trong phiên chất vấn hôm 6/6. Gửi câu hỏi chất vấn đến Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, đại biểu Mai Thị Phương Hoa, đoàn tỉnh Nam Định cho rằng tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm còn rất phức tạp. Tình trạng ngộ độc thực phẩm liên tiếp xảy ra với số lượng lớn người ngộ độc.

Vì vậy, đại biểu đề nghị Phó Thủ tướng cho biết giải pháp căn cơ để giải quyết vấn đề trên, góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Trao đổi về nội dung này, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng cần xem xét, rà soát lại các quy định pháp luật, thể chế. Hiện các cơ quan có thẩm quyền cũng đang thí điểm cơ quan quản lý liên ngành đối với vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thời gian tới, cần xem xét có quy định, chế tài và pháp lý hóa đối với các chuỗi cung cấp thực phẩm, từ nơi sản xuất, khâu sản xuất, khâu chế biến, khâu vận chuyển và nơi tiêu thụ…

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh cần tập trung thanh tra, kiểm tra, tăng cường năng lực đầu tư cho các trang thiết bị để kiểm soát nhanh các tiêu chí đối với an toàn thực phẩm. “Khi có hệ thống đồng bộ, được đầu tư bài bản, đủ năng lực về trang thiết bị để có thể giám sát và kiểm tra, chúng ta hoàn toàn đáp ứng được vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trong thời gian tới”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate