Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, ngày 29/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).
Liên quan đến mức doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng, trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho rằng việc sửa đổi, điều chỉnh quy định về ngưỡng doanh thu hàng năm thuộc diện không chịu thuế giá trị gia tăng là cần thiết và cần được quy định trong Luật.
Điều này nhằm xác lập căn cứ pháp lý rõ ràng, bảo đảm tuân thủ quy định của Hiến pháp là "các khoản thu, chi ngân sách nhà nước phải được dự toán và do luật định". Đây những nội dung liên quan trực tiếp đến nghĩa vụ, quyền lợi của người nộp thuế, cần được quy định trong Luật như hiện hành.
Vì vậy, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chỉnh lý và quy định tại khoản 25 Điều 5 dự thảo Luật nội dung: "Hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm từ hai trăm triệu đồng trở xuống. Trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm Luật này có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh gần nhất thì Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức doanh thu tại khoản này phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ".
Phát biểu tại nghị trường về đối tượng không chịu thuế tại Điều 5, bà Lê Thị Song An, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An, thống nhất với việc điều chỉnh nâng tổng mức doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh vào đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng tại khoản 25.
Theo đại biểu, mức doanh thu không chịu thuế giá trị gia tăng được quy định tại luật hiện hành là 100 triệu đồng/năm đã không còn phù hợp. Tuy nhiên, theo tỷ lệ tăng GDP và CPI bình quân đầu người hiện nay thì mức quy định như dự thảo luật cũng chưa thật sự phù hợp.
"Cần xem xét nâng mức này lên trên 200 triệu đồng/năm cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, giúp giảm áp lực thuế và tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh nhỏ lẻ có thêm nguồn lực để tái đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh", đại biểu Lê Thị Song An đề nghị.
Theo đại biểu Quốc hội tỉnh Long An, điều này sẽ tạo ra động lực tích cực cho phát triển kinh tế địa phương; Nhà nước có thể tập trung nguồn lực quản lý vào các đối tượng có doanh thu lớn hơn, đảm bảo hiệu quả thu ngân sách. Đồng thời, giúp giảm chi phí quản lý thuế và giảm các chi phí xã hội liên quan đến việc hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, cùng các hộ kinh doanh.
Theo quy định tại Luật Thuế giá trị gia tăng hiện hành, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm dương lịch từ 100 triệu đồng trở xuống thuộc trường hợp không phải nộp thuế giá trị gia tăng và không phải nộp thuế thu nhập cá nhân theo quy định pháp luật.
Trong trường hợp doanh thu vượt ngưỡng này, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh phải nộp thuế trên doanh thu mà không được trừ chi phí hợp lý bao gồm thuế giá trị gia tăng với thuế suất từ 1 - 5% và thuế thu nhập cá nhân với thuế suất 0,5 - 2% được xác định dựa theo từng lĩnh vực, ngành nghề mà hộ kinh doanh hoạt động.
Trước đây, cơ quan soạn thảo từng đề xuất nâng ngưỡng doanh thu không chịu thuế, từ mức 100 triệu đồng/năm lên 150 triệu đồng/năm song nhiều ý kiến cho rằng doanh thu chịu thuế 150 triệu đồng/năm vẫn tương đối thấp. Sau khi tiếp thu, xem xét các ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, con số này được nâng lên mức 200 triệu đồng/năm trở xuống.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu xây dựng mức doanh thu không chịu thuế là 200 triệu đồng/năm thì số lượng hộ, cá nhân kinh doanh thuộc diện nộp thuế sẽ giảm 620.653 hộ, số thu ngân sách nhà nước sẽ giảm khoảng 2.630 tỷ đồng. Khi mức doanh thu không chịu thuế nâng lên càng cao thì số lượng hộ, cá nhân kinh doanh thuộc diện nộp thuế sẽ giảm nhiều hơn và ảnh hưởng đến số thu ngân sách nhà nước hàng năm.