Trong dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi đề xuất điều chỉnh doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng, thay vì mức 100 triệu đồng trở xuống/năm bị cho là lạc hậu đang áp dụng, bên soạn thảo cho rằng cần nâng ngưỡng này nhằm phù hợp mức biến động của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và một số yếu tố khác.
CÔNG BẰNG GIỮA CÁ NHÂN KINH DOANH VÀ NGƯỜI LÀM CÔNG ĂN LƯƠNG
Nhiều ý kiến cho rằng nếu tính theo tỷ lệ tăng GDP và CPI bình quân từ năm 2013, khi Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi đến nay, mức này sẽ tương đương 285 triệu đồng/năm.
Trao đổi với báo chí về đề nghị điều chỉnh nâng mức doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết Chính phủ đang trình Quốc hội sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng và kỳ họp tới đây 10/2024, Quốc hội dự kiến sẽ thông qua. Chính phủ đang được giao thẩm quyền để căn cứ tình hình thực tế để ban hành mức không chịu thuế phù hợp.
"Hiện nay ngưỡng dưới 100 triệu đồng là không chịu thuế giá trị gia tăng. Tuy nhiên, theo phương án đánh giá của Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, dự kiến trình lên Quốc hội mức cụ thể, có phương án dưới 200 triệu đồng hoặc dưới 300 triệu đồng. Các cơ quan của Quốc hội đang cân nhắc và phụ thuộc vào quyết định của Quốc hội".
Trường hợp CPI biến động trên 20% so với thời điểm luật này có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức doanh thu tại khoản này phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ.
"Cơ quan thuế và Bộ Tài chính có trách nhiệm đảm bảo nguyên tắc công bằng giữa thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân, giữa đối tượng kinh doanh và người làm công ăn lương. Chúng tôi sẽ đưa ra các đánh giá cụ thể để Quốc hội cân nhắc", ông Minh nêu rõ.
Như vậy, ngưỡng doanh thu không chịu thuế của hộ, cá nhân kinh doanh có thể nâng lên gấp 2-3 lần quy định hiện hành. Hiện hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm dương lịch từ 100 triệu đồng trở xuống thuộc trường hợp miễn lệ phí môn bài và không phải nộp thuế giá trị gia tăng, không phải nộp thuế thu nhập cá nhân theo quy định pháp luật.
Cần phải nhấn mạnh rằng hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không được trừ chi phí mà áp thuế trên tổng doanh thu nhận được. Do đó, hiện nay mỗi tháng hộ, cá nhân kinh doanh chỉ đạt doanh thu trên 8,3 triệu đồng, tương đương khoảng 274.000 đồng/ngày là phải đóng thuế.
Khi vượt ngưỡng nêu trên, tỷ lệ thuế trên doanh thu được xác định dựa theo từng lĩnh vực, ngành nghề mà hộ kinh doanh hoạt động.
ĐÁNH GIÁ KỸ TÁC ĐỘNG
Góp ý về đối tượng không chịu thuế tại hội thảo góp ý cho dự án Luật Thuế Giá trị gia tăng sửa đổi vừa được tổ chức mới đây, ông Nguyễn Đức Nghĩa, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh cho rằng với mức doanh thu hàng năm 200 triệu đồng, doanh thu mỗi tháng chỉ 16-17 triệu đồng. Nếu tính tỷ suất lợi nhuận bán hàng ở mức thấp là 6%, thu nhập hộ, cá nhân kinh doanh nhận được trong mỗi tháng chỉ khoảng 1 triệu đồng.
Do đó, vị này đề nghị nâng mức doanh thu chịu thuế lên 360 triệu đồng, tức 30 triệu đồng/tháng, vừa giảm chi phí quản lý thuế, giảm chi phí xã hội và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, hộ kinh doanh.
Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng do sự biến động của CPI hàng năm, vật giá leo thang nên đề xuất giao Chính phủ quy định mức doanh thu hàng năm được miễn thuế của hộ, cá nhân kinh doanh dựa trên tiêu chí cụ thể, thay vì quy định ngưỡng doanh thu là một con số cụ thể và được ấn định trong luật.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, nhiều ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo chỉnh lý dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) theo hướng quy định cụ thể mức doanh thu hàng năm từ 200 triệu đồng hoặc 300 triệu đồng trở xuống thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng. Chính sách này sẽ giúp khoan sức dân, đặc biệt là đối với khu vực doanh nghiệp đang khó khăn.
Đồng thời giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức doanh thu này, để tạo sự linh hoạt trong quá trình điều hành phù hợp với tình hình thực tế, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ.
Về phía cơ quan chuyên môn, Bộ Tài chính sẽ có báo cáo tổng thể, trên cơ sở rà soát khi nâng mức doanh thu không chịu thuế sẽ loại trừ bao nhiêu hộ kinh doanh không phải nộp thuế và ảnh hưởng như thế nào đến nguồn thu của các địa phương. Để đảm bảo linh hoạt trong quyết định ngưỡng doanh thu không chịu thuế giá trị gia tăng, lãnh đạo Bộ Tài chính kiến nghị giao Chính phủ hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.
Việc tiếp tục nghiên cứu đưa ra mức doanh thu không chịu thuế phù hợp và đánh giá kỹ lượng tác động đối với nền kinh tế khi điều chỉnh mức doanh thu không chịu thuế là điều cần thiết trước khi Luật Thuế giá trị gia tăng được dự kiến thông qua tại kỳ họp tới đây.