June 28, 2022 | 12:44 GMT+7

Đại diện WEF: Việt Nam đã thể hiện vai trò dẫn dắt trong tiến trình hành động vì môi trường

Nguyễn Tuyến -

Theo đại diện WEF, Việt Nam đã thể hiện vai trò dẫn dắt của mình trong tiến trình chung về bảo vệ môi trường của thế giới, giúp thế giới có được các thỏa thuận quốc tế, trong đó, có sự tham gia tích cực của Bộ Tài nguyên và Môi trường...

Bà Kristin Hughes, Giám đốc Chương trình Đối tác Hành động Toàn cầu về Nhựa (GPAP), Ban điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) phát biểu theo hình thức trực tuyến tại sự kiện.
Bà Kristin Hughes, Giám đốc Chương trình Đối tác Hành động Toàn cầu về Nhựa (GPAP), Ban điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) phát biểu theo hình thức trực tuyến tại sự kiện.

Đây là nhấn mạnh của bà Kristin Hughes, Giám đốc Chương trình Đối tác Hành động Toàn cầu về Nhựa (GPAP), Ban điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), tại “Hội nghị khởi động xây dựng kế hoạch quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn” do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì và phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức sáng ngày 28/6.

Trong bài phát biểu của mình, bà Hughes khẳng định sự phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường là hai vấn đề không nên loại trừ nhau mà nên là một quá trình chung.

Đánh giá về tình hình tại Việt Nam, bà Hughes cho rằng Việt Nam thời gian qua đã có tăng trưởng kinht ế mạnh mẽ và nhanh chóng. Tuy nhiên, đi liền với sự tăng trưởng đó là các vấn đề liên quan tới tiêu dùng và hệ lụy ô nhiễm như sản sinh mỗi năm khoảng 3,7 triệu tấn rác thải nhựa. Thời gian qua, các tổ chức chính phủ, tổ chức ngành và tổ chức xã hội dân sự tham gia tích cực với những mô hình kinh doanh được xây dựng hướng tới mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm.

“Hiện nay, việc thực hiện kinh tế tuần hoàn rất hữu dụng cho các mục tiêu bảo vệ môi tường. Đặc biệt, khi so sánh với nền nền kinh tế tuyến tính hiện nay, là một nền kinh tế đã và đang khai thác nguồn lực từ môi trường tự nhiên. Việc xây dựng kinh tế tuần hoàn cũng sẽ góp phần mang lại nhiều công ăn việc làm”, đại diện WEF nêu rõ.

Đánh giá cao Chương trình Đối tác hành động quốc gia về nhựa tại Việt Nam (NPAP) được Chính phủ Việt Nam đưa ra năm 2019, bà Hughes cho biết Việt Nam đã có những hành động kịp thời để bảo vệ môi trường và khẳng định GPAP mong muốn tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong vấn đề này.

Thời gian qua, GPAP đã tổ chức các sự kiện quan trọng với Bộ Tài nguyên và Môi trường và chương trình NPAP để cùng tham gia vào xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về kinh tế tuần hoàn, vận dụng các nguồn lực và tri thức để tham gia vào mục tiêu này.

“Sự tham gia của Chính phủ quốc gia bản địa và các bên liên quan trong đó có doanh nghiệp là rất quan trọng. Ở đây ta có sự tham của các nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo ngành, nhà đầu tư với các mục tiêu như giảm thiểu rác thải nhựa đại dương. Những điều này đã được nêu trong chương trình hành động quốc gia của quý vị”, đại diện WEF nói.

Cuối năm ngoái, tại COP26, một loạt quốc gia trên thế giới đã thông qua một hiệp định giúp cho đại dương và các dòng sông, trong đó đề ra các điều cần thực hiện và Việt Nam cũng đã đưa ra các cam kết của mình.

Theo bà Hughes, Việt Nam đã thể hiện vai trò dẫn dắt của mình trong tiến trình chung này của thế giới, giúp thế giới có được các thỏa thuận quốc tế, trong đó, có sự tham gia tích cực của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

“Cảm ơn quý vị về vai trò đối tác và vai trò dẫn dắt của Việt Nam”, đại diện WEF nhấn mạnh.

Đầu tháng 6, Chính phủ đã phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam nhằm góp phần cụ thể hóa mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP ít nhất 15% vào năm 2030 so với năm 2014, hướng tới mục tiêu phát thải ròng về “0” vào năm 2050. Đề án cũng nhằm tăng cường nhận thức, sự quan tâm đầu tư của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đối với mô hình kinh tế tuần hoàn. Đẩy mạnh ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thúc đẩy xanh hóa các ngành kinh tế.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate