January 04, 2025 | 06:00 GMT+7

Đảm bảo an toàn thực phẩm sản phẩm chăn nuôi dịp Tết Ất Tỵ

Chu Khôi -

Dịp Tết Nguyên Đán là thời gian nhu cầu tiêu thụ thực phẩm, đặc biệt là sản phẩm động vật tăng cao. Nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, Cục Thú y đã triển khai nhiều biện pháp quản lý dịch bệnh và kiểm soát nhập khẩu động vật...

Tiêm phòng là giải pháp quan trọng để phòng chống dịch bệnh trên vật nuôi.
Tiêm phòng là giải pháp quan trọng để phòng chống dịch bệnh trên vật nuôi.

Trao đổi thông tin với báo chí về kết quả công tác thú y năm 2024 và kế hoạch trọng tâm năm 2025, ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết trong năm 2024, ngành thú y đã kiểm soát hiệu quả nhiều dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm trên phạm vi cả nước, tạo điều kiện cho ngành chăn nuôi tăng trưởng 5,2 - 5,5% so với năm 2023. Hiện Cục Thú y đang tăng cường quản lý giết mổ, giảm thiểu các sự cố gây mất an toàn thực phẩm có nguồn gốc từ động vật trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Xin ông cho biết tình hình dịch bệnh trên vật nuôi và công tác thú y trong năm 2024 vừa qua?

Chăn nuôi mặc dù thuộc vào một trong số ít lĩnh vực trong nông lâm thuỷ sản đang bị "chê" là phải nhập siêu nhiều, nhưng quy mô giá trị sản xuất của ngành chăn nuôi ở nước ta rất lớn. Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, tổng giá trị của ngành chăn nuôi khoảng 33 tỷ USD/năm. Dù lớn như vậy, nhưng vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường 100 triệu dân.

Dịch bệnh vẫn là một trong những nguyên nhân làm giảm sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi. Trước thực tế đó, năm 2024, ngành thú y tiếp tục kiểm soát tốt nhiều loại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm trên phạm vi cả nước, tạo điều kiện cho chăn nuôi phát triển, tăng trưởng giá trị sản xuất 5,2-5,5%, bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho tiêu dùng.

Cụ thể, năm 2024, số ổ dịch cúm gia cầm giảm 23,8%; số ổ dịch tai xanh giảm 60%. Tuy nhiên, một số loại dịch bệnh nguy hiểm có chiều hướng gia tăng so với năm 2023. Trong đó, bệnh dịch tả lợn châu Phi có số ổ dịch tăng 69%, bệnh lở mồm long móng có số ổ dịch tăng hơn 2 lần, bệnh viêm da nổi cục có số ổ dịch tăng hơn 29%, số ổ dịch bệnh dại trên động vật tăng gần 21%; bệnh dại trên người tăng 4 trường hợp tử vong.

Ông Nguyễn Văn Long: "Ngành thú y tiếp tục kiểm soát tốt nhiều loại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm".
Ông Nguyễn Văn Long: "Ngành thú y tiếp tục kiểm soát tốt nhiều loại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm".

Đối với công tác phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản, năm 2024, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại do dịch bệnh khoảng 22.490 ha, giảm 11,3% so với năm 2023 (có tổng diện tích bị thiệt hại là 25.355 ha); ngoài ra có khoảng 4.993 lồng, bè, vèo, bể nuôi có thủy sản bị thiệt hại.

Về công tác phòng chống nhập khẩu trái phép động vật, thời gian qua, các cơ quan có thẩm quyền đã thực hiện nhiều hoạt động nhằm ngăn chặn việc nhập khẩu trái phép động vật vào Việt Nam. 

Trong năm 2024, Cục Thú y phối hợp với các lực lượng chức năng tại cửa khẩu xử lý 169 vụ vi phạm quy định về thú y, thu giữ tổng số 80.900 quả trứng gia cầm; 285.263 con động vật và 81.028,5 kg sản phẩm động vật. Đây là con số xử lý vi phạm cao kỷ lục từ trước tới nay.

Đối với phòng chống dịch tả lợn châu Phi, chúng ta đã có hai sản phẩm vaccine được cấp phép thương mại. Thế nhưng, tỷ lệ tiêm vaccine dịch tả lợn châu Phi cho đàn lợn vẫn quá thấp, dẫn đến dịch bệnh tăng cao trong năm vừa qua. Vì sao lại có tình trạng này, thưa ông?

Chúng ta có Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn, trong đó có các bệnh bắt buộc phải tiêm phòng vaccine. Chỉ riêng ngoại trừ bệnh dịch tả lợn châu Phi thì chúng tôi chưa kịp bổ sung việc bắt buộc tiêm phòng vaccine vào danh mục này, do vaccine này mới được sản xuất thành công tại Việt Nam. Vì vậy, việc có tiêm vaccine dịch tả lợn châu Phi cho đàn lợn hay không là do người chăn nuôi tự nguyện.

Trong khi đó, hiện các thông tin tuyên truyền về vaccine này đến người chăn nuôi còn rất hạn chế. Thậm chí, chúng tôi đến nhiều địa phương, thấy anh em lực lượng thú y cơ sở còn không biết là đã có vaccine này, ở nhiều nơi có những cán bộ thú y địa phương còn nghĩ rằng vaccine này mới đang trong quá trình thử nghiệm. Cán bộ thú y mà còn thế, thì người chăn nuôi còn tiếp cận thông tin kém hơn nhiều. Do đó, việc thông tin tuyên truyền đến người chăn nuôi ở cơ sở cần phải khắc phục trong thời gian tới.

Nguyên nhân nữa là giá bán vaccine còn cao, khiến người chăn nuôi e dè. Các nhà cung ứng vaccine nói rằng giá bán cung ứng đến người chăn nuôi là 60.000/liều, nhưng thực tế chúng tôi đi xuống kiểm tra thì thấy các đại lý ở địa phương nâng giá bán lên cao hơn. "Mỗi lọ vaccine thường đóng 50 liều. Nhưng hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thường nuôi dưới 20 con lợn, nếu bỏ ra 3 triệu đồng mua một lọ vaccine, sử dụng không hết  thì họ cũng tiếc tiền".

Trước đây chúng ta có Chương trình quốc gia phòng chống dịch bệnh lở mồm long móng, trong đó có chính sách nhà nước cấp ngân sách mua vaccine để hỗ trợ cho các địa phương. Hiện nay theo quy định của Luật dự trữ quốc gia, thì vẫn có vaccine lở mồm long móng để hỗ trợ cho bà con chăn nuôi ở các địa phương có dịch bệnh xảy ra. Nhưng thực tế trong 3 năm qua, do chúng ta đã kiểm soát tốt dịch bệnh lở mồm long móng, cho nên dù có dự trữ quốc gia, nhưng các địa phương cũng không xin hỗ trợ vaccine lở mồm long móng nữa.

Đối với dịch tả lợn châu Phi, thời gian qua, chúng tôi đã tham mưu cho Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về thúc đẩy tiêm phòng vaccine dịch tả lợn châu Phi. Tuy nhiên, vaccine dịch tả lợn châu Phi hiện chưa đưa vào Chương trình quốc gia phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, nên các địa phương nói rằng chưa có cơ chế bắt buộc địa phương bố trí ngân sách để mua vaccine này hỗ trợ người chăn nuôi.

Hơn nữa, việc tiêm phòng cần phải xây dựng kế hoạch của địa phương để bố trí cho ngân sách của địa phương để mua vaccine, nhưng thú y các địa phương chưa xây dựng được kế hoạch, đến khi dịch xảy ra thì có nơi phân cấp cho cấp huyện, xã, khiến đấu thầu mua sắm vaccine này gặp rất nhiều khó khăn.

Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm chăn nuôi dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, Cục Thú y đã có kế hoạch gì, thưa ông?

Dịp Tết Nguyên Đán là thời gian nhu cầu tiêu thụ thực phẩm, đặc biệt là sản phẩm động vật, tăng cao. Nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, Cục Thú y đã triển khai nhiều biện pháp quản lý dịch bệnh và kiểm soát nhập khẩu động vật.

Trong năm 2024, Cục Thú y  đã thành lập 9 đoàn công tác đi kiểm tra công tác quản lý cơ sở giết mổ động vật, kiểm tra vệ sinh thú y tại 17 tỉnh, thành phố. Bên cạnh đó, Cục Thú y cũng giám sát chất cấm Salbutamol tồn dư trong nước tiểu gia súc và sản phẩm động vật tại cơ sở giết mổ.

Tính đến thời điểm hiện tại, đã triển khai lấy 368 mẫu, trong đó có 145 mẫu nước tiểu gia súc, 193 mẫu thịt gia súc, 30 mẫu thức ăn chăn nuôi để xét nghiệm chất cấm Salbutamol. Kết quả tất cả các mẫu xét nghiệm đều âm tính với Salbutamol.

Ngoài ra, Cục cũng tổ chức 2 lớp tập huấn bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho 80 cán bộ làm công tác kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm.

Đối với công tác xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch, đến nay, cả nước có 3.750 cơ sở, vùng được cấp Giấy chứng nhận An toàn dịch bệnh tại 60 tỉnh, thành phố. Trong đó, có 2 vùng an toàn dịch bệnh cấp tỉnh, 63 vùng an toàn dịch bệnh cấp huyện, 180 vùng an toàn dịch bệnh cấp xã và 3.505 cơ sở an toàn dịch bệnh.

Ông Nguyễn Văn Long: "Nhiệm vụ phòng chống nhập khẩu trái phép động vật là việc làm liên tục"
Ông Nguyễn Văn Long: "Nhiệm vụ phòng chống nhập khẩu trái phép động vật là việc làm liên tục"

Cục Thú y đang và tiếp tục chỉ đạo các địa phương về quản lý giết mổ, an toàn thực phẩm; giảm thiểu các sự cố gây mất an toàn thực phẩm có nguồn gốc từ động vật. Tiếp tục xây dựng chương trình giám sát an toàn thực phẩm đối với sữa tươi nguyên liệu và sản phẩm động vật xuất khẩu (gồm thịt gà chế biến; sản phẩm tổ yến); giám sát an toàn thực phẩm đối với sản phẩm động vật trên cạn và thủy sản nhập khẩu dùng làm thực phẩm; kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm đối với thịt lợn, thịt gà tiêu thụ nội địa.

Nhiệm vụ phòng chống nhập khẩu trái phép động vật là việc làm liên tục, đã được các cấp lãnh đạo chỉ đạo nhiều lần và đạt được những kết quả nhất định. Nhờ đó, tình trạng vận chuyển trái phép động vật đã được kiểm soát, nhiều trường hợp đã được phát hiện và xử lý kịp thời. Công tác phòng chống nhập khẩu trái phép động vật vẫn được tiếp tục thực hiện và sẽ đẩy mạnh hơn trong giai đoạn trước, trong và sau Tết nguyên đán. Người dân có thể yên tâm rằng, các sản phẩm từ động vật nhập khẩu đang được kiểm soát chặt chẽ.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate