August 14, 2023 | 20:26 GMT+7

Giảm nhiều thủ tục hành chính trong lĩnh vực thú y, tránh phiền hà cho doanh nghiệp

Chu Khôi -

Các nghị định và thông tư mới trong lĩnh vực thú y đã cắt giảm, đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính trong các lĩnh vực kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, quản lý thuốc thú y, chăn nuôi an toàn dịch bệnh…

Công tác thú y rất quan trọng đối với chăn nuôi.
Công tác thú y rất quan trọng đối với chăn nuôi.

Chiều 14/8/2023, các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, gồm: Cục Thú y và Vụ tổ chức phối hợp tổ chức tọa đàm trực tuyến “Phổ biến và giải đáp những quy định mới của pháp luật về thú y”.

GIẢM CHI PHÍ CHO DOANH NGHIỆP

Tại tọa đàm, các đại diện Cục Thú y đã cung cấp thông tin về những nội dung mới trong Nghị định số 80/2022/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 35/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Thú y.

Cùng với đó là những điểm mới trong các thông tư sửa đổi, bổ sung các quy định về: Kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản; kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn; kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y; quản lý thuốc thú y; kiểm tra, giám sát vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm đối với mật ong; quy định về cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh động vật.

Ông Lê Toàn Thắng, Trưởng phòng Quản lý thuốc thú y, Cục Thú y, cho biết Nghị định 80/2022/NĐ-CP nhằm thể chế hóa kiến nghị thực thi về lĩnh vực thú y; đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện kinh doanh thuốc thú y.

Nghị định có số nội dung mới như bổ sung cách thức thực hiện thủ tục hành chính; quy định đối với loại giấy tờ phải nộp; trình tự thực hiện đối với việc hướng dẫn cá nhân hoàn thiện hồ sơ nếu trường hợp hồ sơ không đầy đủ và hợp lệ.

“Khi soạn thảo Nghị định này, chúng tôi đã loại bỏ 2 loại giấy tờ trong hồ sơ thủ tục tục hành chính, gồm: Giấy chứng nhận đầu tư kinh doanh và Giấy chứng chỉ hành nghề. Đối với thủ tục xét nghiệm khi xuất, nhập khẩu, chúng tôi làm theo hướng gộp mẫu, giảm 80% chi phí về chỉ tiêu xét nghiệm. Các nguyên liệu thủy sản nhập khẩu để gia công chế biến hàng xuất khẩu thì sẽ không phải kiểm dịch nữa”, ông Thắng nhấn mạnh.

Ông Thắng cũng cho biết do Chính phủ ban hành Nghị định số 105/2021/NĐ-CP ngày 4/12/2021 về quản lý thuốc thú y có chứa chất ma túy, vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư số 13/2022/TT-BNNPTNT để sửa đổi các Thông tư trước đây không còn phù hợp.

Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long trả lời những câu hỏi của các  hiệp hội, doanh nghiệp. 
Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long trả lời những câu hỏi của các  hiệp hội, doanh nghiệp. 

Thông tư số 13 có một số nội dung mới đáng chú ý: Thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất, nguyên liệu làm thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất trong quá trình vận chuyển phải được đóng gói và ghi nhãn sản phẩm đầy đủ theo quy định của pháp luật. Trong đó, phải ghi rõ tên chất, nồng độ, hàm lượng, khối lượng, nguồn gốc, xuất xứ.

Giấy phép xuất khẩu thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất được cấp cho từng lần xuất khẩu và có giá trị trong thời hạn ghi trên giấy phép nhưng không quá 12 tháng. Cục Thú y là cơ quan thu hồi giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu thuốc thú y, nguyên liệu thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất.

Giới thiệu Thông tư 09/2022/TT-BNNPTNT về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn, ông Chu Nguyên Thạch - Trưởng phòng Kiểm dịch động vật của Cục Thú y, cho hay Thông tư đã được sửa đổi theo hướng giảm thủ tục hành chính, tạo môi trường thông thoáng cho doanh nghiệp.

Cụ thể, giảm tỷ lệ lấy mẫu xét nghiệm bệnh đối với động vật nhập khẩu, từ  90% - 100% trong tổng số vật nuôi nhập khẩu trước đây, hiện nay xuống chỉ còn lấy 5% trong đàn động vật nhập khẩu. Đối với sản phẩm động vật trên cạn, Cục Thú y kiểm dịch gộp 5 mẫu thành 1 mẫu xét nghiệm, nhờ đó sẽ giảm 66,7% chi phí xét nghiệm cho các doanh nghiệp (so với trước đây là 3 mẫu xét nghiệm/lô hàng)

Theo ông Thạch, nếu như trước kia, các doanh nghiệp chế biến thủy sản khi nhập thủy sản nguyên liệu về đều phải thực hiện kiểm dịch; thì nay đã miễn phải kiểm dịch sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu làm nguyên liệu để gia công xuất khẩu, sản xuất xuất khẩu  (chiếm khoảng 80% tổng số lượng thủy sản nhập khẩu).

Cùng với đó, nhiều loại hàng hóa cũng sẽ được miễn thủ tục kiểm dịch khi nhập khẩu: sản phẩm thủy sản đã qua chế biến (hàng khô, đồ hộp, ăn liền, ngâm muối, xông khói…); sản phẩm động vật thủy sản làm hàng mẫu thử nghiệm; sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu để trưng bày hội chợ, triển lãm; sản phẩm động vật thủy sản làm thực phẩm xuất khẩu bị triệu hồi hoặc trả về

NHIỀU ĐIỂM MỚI TRONG KIỂM SOÁT GIẾT MỔ, VẬN CHUYỂN ĐỘNG VẬT

Bà Huỳnh Thị Thanh Bình, Trưởng phòng Thú y cộng đồng, Cục Thú y, thông tin về những điểm mới của Thông tư số 10/2022/TT-BNNPTNT quy định về kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y. Theo đó, đã sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể như thế nào là “nguồn gốc rõ ràng” đối với động vật và sản phẩm động vật.

 

Trong Thông tư 10/2022/TT-BNNPTNT đã sửa đổi, bổ sung quy định các loại giấy chứng nhận có giá trị tương đương giấy chứng nhận điều kiện vệ sinh thú y. Cơ sở có một trong các loại giấy chứng nhận này không phải làm thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận điều kiện vệ sinh thú y, trừ trường hợp theo yêu cầu của nước nhập khẩu.

Đối với động vật được vận chuyển từ địa bàn tỉnh này sang địa bàn tỉnh khác, sẽ được coi là động vật có nguồn gốc rõ ràng, khi có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh.

Đối với động vật được vận chuyển trên địa bàn nội tỉnh, phải có các giấy tờ như hóa đơn, chứng từ, hợp đồng mua bán, giấy chứng nhận tiêm phòng hoặc các giấy tờ tương đương khác để có thể truy xuất nguồn gốc.

Thông tư mới cũng đã sửa đổi, bổ sung mục 2 Phụ lục I về danh mục đối tượng thuộc diện kiểm tra vệ sinh thú y. Theo đó, tại điểm a, bãi bỏ động vật làm cảnh, ở rạp xiếc, vườn thú...; bãi bỏ điểm c “Thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm ở cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung”.

Tại điểm d, quy định mới đã bãi bỏ cơ sở chăn nuôi động vật tập trung, cơ sở sản xuất, kinh doanh con giống, cơ sở giết mổ, sơ chế, chế biến sản phẩm động vật nhỏ lẻ; bổ sung cơ sở gia công, sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật để kinh doanh.

Gần 2.000 doanh nghiệp, đơn vị đã theo dõi Tọa đàm qua hình thức trực tuyến.
Gần 2.000 doanh nghiệp, đơn vị đã theo dõi Tọa đàm qua hình thức trực tuyến.

Ông Nguyễn Văn Nam, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết trước khi các thông tư, nghị định ra đời, Cục Thú y đã triển khai rất bài bản từng bước, lấy ý kiến từ nhiều cơ quan, tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp, người dân. Từ đó, thống nhất cách hiểu, cách làm, phát hiện các bất cập để điều chỉnh cho phù hợp. 

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate