Mặc dù dòng tiền không quá mạnh, nhưng nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đồng loạt “khai khỏa”, kéo VN-Index tăng gần 20 điểm. Chỉ số vượt đỉnh nhẹ nhàng, lên 1517,95 điểm.
Kế hoạch kích thích kinh tế chính thức được đặt lên bàn nghị sự là thông tin không bất ngờ. Thị trường đã dự đoán điều này. Dù vậy đây cũng là thời điểm thuận lợi để thị trường bùng nổ trong phiên giao dịch đầu năm 2022.
Ba cổ phiếu dẫn dắt VN-Index vượt đỉnh 1500 điểm sáng nay lần lượt là GAS tăng 4,68%, VIC tăng 2,31%, VHM tăng 2,2%. Mặc dù có khá nhiều blue-chips tăng còn mạnh hơn, nhưng ưu thế vốn hóa mang tính quyết định trong thời điểm cần đột phá về chỉ số. Trong 19,67 điểm tăng ở chỉ số sáng nay, khoảng 7 điểm đến từ 3 mã này.
VN30-Index chốt phiên sáng tăng 1,09%, với 23 mã tăng/7 mã giảm, cũng không phải là quá xuất sắc. Tuy vậy các nhóm cổ phiếu quan trọng nhất đều đóng góp các đại diện nổi bật: Dầu khí có GAS tăng 4,68%, PLX tăng 3,53%; Ngân hàng có CTG tăng 1,92%, TCB tăng 1,8%; Nhóm Vin có VHM, VIC, VRE đều tăng trong biên độ 2-3%...
Nhóm blue-chips vẫn có một số cổ phiếu “dự bị” chưa bùng nổ mà tiêu biểu là VCB mới tăng 0,25%, HPG tăng 0,86%, VNM tăng 0,81%. Nhóm giảm đang có MSN mất 0,88%, NVL giảm 1,76%.
Nói chung với khoảng cách 2 điểm ở phiên cuối năm 2021, cơ hội cho VN-Index vượt đỉnh lịch sử là rất lớn. Sáng nay nhóm blue-chips “khai hỏa” sớm, hầu hết các trụ mạnh nhất đều tạo “gap” tăng giá ngay lúc mở cửa. VN-Index mở cửa cũng đã tăng ngay 0,69% tương đương 10,27 điểm, lên 1.508,55 điểm. Mức thấp nhất của chỉ số này trong phiên sáng không thấp hơn điểm mở cửa bao nhieu và càng về cuối phiên càng tăng tốt hơn. VN-Index chốt phiên sáng gần sát đỉnh cao nhất ngày.
Các chỉ số nhóm vốn hóa của sàn HoSE nhìn chung đều diễn biến tương tự. Độ rộng duy trì ổn định suốt cả phiên và số mã tăng giá lên dần. Chốt phiên sáng, sàn này ghi nhận 319 mã tăng/138 mã giảm, trong đó gần 170 mã tăng trên 1%, đồng thời khoảng 150 mã tăng mạnh hơn VN-Index (tăng trên 1,31%). Sự phù hợp của các chỉ báo như vậy cho thấy diễn biến thị trường tích cực theo thời gian và các blue-chips dẫn dắt có được sức lan tỏa tốt.
Điều bất ngờ duy nhất sáng nay là thanh khoản chưa bùng nổ. Tổng giá trị khớp lệnh hai sàn niêm yết chỉ tăng khoảng 3% so với sáng phiên cuối tuần trước. Trong đó, HoSE tăng 3,3%, đạt 15.597 tỷ đồng. VN30 thậm chí giảm giao dịch 11%, đạt gần 5.055 tỷ đồng. Giao dịch lớn nhất vẫn là ở rổ Midcap với 6.026,5 tỷ đồng, chỉ số đại diện tăng 1,47%, độ rộng rất tốt với 47 mã tăng/16 mã giảm. Smallcap giao dịch 2.359,8 tỷ đồng, chỉ số tăng 1,5%, độ rộng 117 mã tăng/53 mã giảm.
Như vậy dòng tiền vẫn chưa giao dịch cường độ lớn hơn trên toàn thị trường và đặc biệt là ở nhóm blue-chips. STB thanh khoản cao nhất rổ Vn30 cũng chỉ đạt 607,7 tỷ đồng, HPG còn chưa tới 500 tỷ đồng. Dẫn đầu thị trường là GEX với hơn 785 tỷ đồng, giá tăng 6,64%. Bất ngờ là tân binh BAF với thanh khoản 698,5 tỷ đồng. BAF mới giao dịch từ ngày 3/12 vừa qua, thanh khoản bình bình, sáng nay bất ngờ chuyển nhượng hơn 22% tổng khối lượng cổ phiếu niêm yết, giá cũng tăng kịch trần.
Sự lan tỏa tăng giá khi Vn-Index có đỉnh lịch sử mới đang tốt hơn ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. Toàn sàn HoSE có 17 mã đang kịch trần thì 12 mã thuộc hai nhóm này. CII, HBC thuộc Midcap tăng mạnh nhất, trong khi LDG, FCN thuộc smallcap cũng kịch trần với thanh khoản trên trăm tỷ đồng.
Thanh khoản chưa mạnh trong sáng nay có thể là một sự tạm thời. Đà tăng mới của thị trường đã được xác nhận và nhà đầu tư sớm muộn cũng sẽ tham gia. Khối ngoại sáng nay vẫn mua ròng nhẹ gần 90 tỷ đồng, tập trung vào VHM, VRE, CTG, PVD, PLX, VIC. Phía bán chỉ có CII là đáng chú ý với -135 tỷ ròng, HPG -49 tỷ.