October 14, 2010 | 09:50 GMT+7

Đằng sau những con số của kinh tế vĩ mô

Nguyên Thảo

“Nếu nhìn vào tốc độ tăng CPI, chúng ta thấy rằng đời sống của người dân chưa được hưởng những lợi ích như đã tính toán trong kế hoạch”

TS Nguyễn Đức Kiên, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
TS Nguyễn Đức Kiên, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
Chỉ còn chưa đầy một tuần nữa, kỳ họp Quốc hội thứ tám sẽ được khai mạc tại Thủ đô Hà Nội.

Và, những chỉ tiêu kinh tế, xã hội không chỉ của năm 2010 mà của cả kế hoạch 5 năm vừa qua cũng như kế hoạch 5 năm và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm tới đang được nhìn nhận nhiều chiều trước khi đặt lên bàn nghị sự của Quốc hội.

Trò chuyện với VnEconomy, TS. Nguyễn Đức Kiên, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng cần xem xét những thành công và hạn chế của kế hoạch 5 năm trong bối cảnh đặc thù của thời kỳ này để thấy được hết những khó khăn mà nền kinh tế nước ta phải vượt qua. Với chức năng và nhiệm vụ của mình, các cơ quan của Quốc hội cũng như mỗi đại biểu Quốc hội cần phản ánh chân thực đời sống, thấy rõ người dân đã được hưởng lợi như thế nào từ phát triển kinh tế - xã hội trong những năm qua, để làm cơ sở quan trọng trong tổ chức thực hiện kế hoạch 5 năm 2011-2015.

Dân quan tâm đến những cái cụ thể

Thưa ông, kết thúc năm 2010 cũng là lúc kế hoạch 5 năm 2006 - 2010 được nhìn lại và đánh giá với khá nhiều chỉ tiêu kinh tế đã đạt và vượt kế hoạch. Tôi còn nhớ trong một lần trả lời báo chí, ông đã nói người dân không quá quan tâm đến con số tăng trưởng hay lạm phát cụ thể là bao nhiêu, mà quan trọng là điều đó ảnh hưởng đến cuộc sống của họ đến mức nào... Là đại biểu Quốc hội đồng thời là nhà nghiên cứu kinh tế, ông đánh giá như thế nào về mức độ “ảnh hưởng” này trong 5 năm qua?  

Trong những lần tiếp xúc cử tri, đông đảo bà con đã nêu câu hỏi này với tôi, với tư cách là người đại diện quyền lợi hợp pháp cho họ. Đúng là những người làm vĩ mô thì hay chú tâm đến các con số, còn người dân thì họ quan tâm đến những cái rất cụ thể.

Nếu chỉ nhìn vào tốc độ tăng trưởng kinh tế, bình quân khoảng 7% trong 5 năm qua, hay tốc độ tăng trưởng thu nhập của khối những người làm công hưởng lương, thì những con số tăng trưởng này có thể xem là thành tích quan trọng.

Nhưng, nếu nhìn vào tốc độ tăng CPI, chúng ta thấy rằng đời sống của người dân chưa được hưởng những lợi ích như đã tính toán trong kế hoạch. Và đây chính là một trong những vấn đề cần phải được nghiên cứu sâu hơn trong kế hoạch 5 năm tới.

Bởi nếu tính bình quân thì lương cho người lao động tăng khoảng 13%/năm trong 5 năm, nhưng lạm phát cả 5 năm cộng lại đã hơn 55%.

Chưa kể đối với nông dân thì mức lạm phát như vậy là một thách thức rất lớn trong đảm bảo ổn định cuộc sống của họ.

Ông có thể nói rõ hơn về "những lợi ích như tính toán trong kế hoạch" mà ông đã đề cập ở trên?

Khi đề ra kế hoạch tăng trưởng kinh tế quốc dân, bao giờ chúng ta cũng tính toán nâng mức đầu tư công vào xây dựng hạ tầng về giao thông, viễn thông, thủy lợi, y tế và giáo dục.

Và tính toán rằng với mức đầu tư như thế, chi phí của người dân sẽ giảm cho việc cho con em đi học, chi phí chăm sóc sức khỏe giảm. Nhưng thực tế thì chi phí này vẫn tăng.

Có một nguyên tắc nổi tiếng, “chính lạm phát là kẻ bóc lột tàn bạo nhất với những người có thu nhập thấp”. Song những năm qua chúng ta mới chỉ tính đến chiều thuận của tăng tưởng, còn tác động của tăng trưởng không bền vững đến đời sống thì chưa được chú ý đúng mức cho nên đã hạn chế thành quả của tăng trưởng kinh tế.
Đằng sau những con số của kinh tế vĩ mô - Ảnh 1
Nói như vậy thì diễn biến CPI chính là điều khiến ông cảm thấy "có vấn đề nhất" trong số các chỉ tiêu vĩ mô?

Diễn biến của CPI chỉ là một trong nhiều vấn đề tôi quan tâm. Những con số cụ thể khác là nhập siêu, là nợ công, bội chi ngân sách, cán cân thanh toán… Còn những vấn đề nội suy là tại sao các nước trong khu vực và trên thế giới có điều kiện phát triển tương tự như Việt Nam lại có chỉ số CPI thấp hơn, hay tại sao nợ công có nước lên tới 200% GDP nhưng vẫn được coi là chưa nguy hiểm.

Hoặc chúng ta nhập siêu từ đâu? Với loại hàng gì là chủ yếu?...  Rồi chất lượng lao động, việc làm và thu nhập cũng là những vấn đề phải suy nghĩ. Đây là những nhiệm vụ cấp bách đặt ra cho những người làm chính sách - kể cả những người điều hành, nghiên cứu vĩ mô - cần phải có lời giải cụ thể để có thể đạt mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Nhưng với người dân thì CPI đúng là vấn đề dễ cảm nhận hơn, bởi nó tác động đến từng gia đình, trong từng bữa ăn hàng ngày.

Nhà kinh tế nhìn khác

Thưa ông, liên tiếp hai năm gần đây khi thẩm tra báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế đều nhấn mạnh rằng "một số cân đối vĩ mô chưa thật vững chắc, còn nhiều yếu tố tiềm ẩn bất ổn" và coi đây là hạn chế hàng đầu của nền kinh tế. Phải chăng những vấn đề ông vừa nêu ra cũng nằm trong nhận định này?

Đúng là như vậy.

Nhưng với những người làm chính sách chung, khi nói về một vấn đề kinh tế chuyên sâu, họ thường chỉ nói đến đó. Còn người làm công tác nghiên cứu thì phải thấy như thế là đáng “báo động” rồi.

Bởi khi mà lãi suất cho vay của ngân hàng vượt quá khả năng sinh lời của doanh nghiệp trong thời gian 2-3 năm thì đúng là nền kinh tế mất động lực. Vì doanh nghiệp, không phân biệt thành phần kinh tế, đã phải tiêu vào vốn của mình rồi, nếu muốn tồn tại trong bối cảnh kinh tế thị trường và toàn cầu hóa thì lấy đâu ra vốn để đầu tư mở rộng, nâng cao năng lực, đổi mới công nghệ nữa.

Xin lỗi nếu tôi đã không hiểu đúng câu trả lời của ông, nhưng phải chăng dưới góc nhìn của người nghiên cứu, ông nhận thấy những chỉ số về nhập siêu (với 80% từ Trung Quốc), hay nợ công đã gần 60% GDP, CPI luôn cao hơn 7%, bội chi ngân sách trên 6%... đều đã ở "ngưỡng báo động"?

Các con số ít khi có ý nghĩa quyết định trong nhận định về một xu hướng phát triển kinh tế. Vấn đề ở đây là cái cách xuất hiện và nguồn gốc của nó, theo tôi, mới là quan trọng.

Nếu chúng ta nhập siêu với Mỹ, EU hay Nhật Bản do nhập máy móc thiết bị công nghệ nguồn, thì cũng chỉ trong vòng tối đa 7 năm, con số đó đã thay đổi.

Nhưng ở đây, năm 1990 khi chúng ta bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, cán cân thương mại là xuất siêu. Sau 20 năm, thương mại hai nước chiếm tới 80% kim ngạch nhập siêu của chúng ta. Mà cả thế giới đều nói, Trung Quốc là "đại công xưởng" của thế giới.

Vậy thử hỏi, mô hình Việt Nam có thể sánh với "đại công xưởng" như Trung Quốc được không? Chúng ta đi theo mô hình phát triển này liệu có được không? Đấy mới là những vấn đề tôi quan tâm.
Đằng sau những con số của kinh tế vĩ mô - Ảnh 2
Nói như vậy, tức là ông đang đề cập đến chất lượng tăng trưởng và mô hình tăng trưởng hiện nay, điều mà ông đã dành rất nhiều sự quan tâm trong thời gian qua? Vậy bên cạnh những "vấn đề" của CPI và nhập siêu như ông đã phân tích, còn những hạn chế nào mà ông cho là cần đặc biệt lưu ý?

Chọn được mô hình tăng trưởng phù hợp với điều kiện quốc tế và nội lực nền kinh tế của từng giai đoạn phát triển, theo tôi, là điều kiện tiên quyết cho nền kinh tế phát triển bền vững. Không thể có tăng trưởng bền vững nếu mô hình tăng trưởng không phù hợp với điều kiện thực tế.

Trong nền kinh tế của chúng ta có nhiều vấn đề cần được nghiên cứu lý giải cẩn trọng, không thể lướt qua. Ví dụ như: tổng mức đầu tư toàn xã hội nhiều năm liền đều ở mức 40-42% GDP liệu đã hợp lý chưa?

Hoặc, tại sao cứ phải tăng tổng phương tiện thanh toán với mức độ cao như vậy mà lãi suất cho vay của hệ thống ngân hàng vẫn cao?

Rồi, bội chi ngân sách Nhà nước có cần lùi về con số 2% như của các nước khối EU không? Bao giờ thì vấn đề bội chi không còn là bài toán nan giải cho ngân sách nữa?

Nếu bội chi thì Quốc hội quản lý bội chi như thế  nào? Qua từng dự án cụ thể hay sử dụng phương pháp cả gói?...

Ông có thể chia sẻ với bạn đọc lý giải của riêng mình về những câu hỏi trên?

Trong khuôn khổ cuộc trao đổi này, theo tôi khó có thể lý giải hết các vấn đề vừa nêu. Ở đây tôi chỉ xin nói một điểm bất hợp lý để cùng nhau phân tích.

Hiện nay, nhiều người đang cho rằng con đường phát triển tất yếu của chúng ta là phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nếu nhìn mức vốn đăng ký bình quân thì chúng ta cũng thấy đại đa số các doanh nghiệp của Việt Nam trong số 400 nghìn doanh nghiệp đăng ký là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Và như vậy, việc tiếp cận vốn và công nghệ mới sẽ gặp khó khăn. Nhưng con số tăng dư nợ của ngân hàng nếu tính trong 4 năm, từ 2006 - 2009, đã lên tới 121,7%.

Mặt khác, theo thống kê mới nhất, thì 10 doanh nghiệp nộp ngân sách Nhà nước lớn nhất là doanh nghiệp lớn. Song nếu nói về giải quyết việc làm thì doanh nghiệp lớn không bằng các doanh nghiệp nhỏ.

Vậy nhận định như trên của nhiều chuyên gia liệu có phải điều chỉnh không? Mô hình phát triển doanh nghiệp của chúng ta nên theo hướng nào?

Cá nhân tôi cho rằng mô hình tăng trưởng trong 10 năm tới phải theo hướng hạn chế tăng về số lượng hàng xuất khẩu nhưng nâng cao chất lượng giá trị gia tăng. Tức là dựa cả vào hai loại mô hình doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp vừa và nhỏ, kể cả doanh nghiệp siêu nhỏ. "Lớn" giữ thị trường, và "nhỏ" làm tăng giá trị gia tăng của sản phẩm.  

Như thế sẽ phải giữ mức bội chi thấp, nhưng mức tăng trưởng tín dụng thì hướng về doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chỉ có như vậy mới tạo được việc làm cho người lao động và giữ được thị trường truyền thống.

Kỳ tới: Tái cơ cấu nền kinh tế: Hướng đi nào phù hợp?

Tiếp tục cuộc trao đổi với VnEconomy về những vấn đề đằng sau số liệu của kinh tế  vĩ mô, TS. Nguyễn Đức Kiên cho rằng những “bất ổn vĩ mô” hiện nay có nguyên nhân chính từ việc Việt Nam vẫn đang ở trên đường tìm tòi, xây dựng một chủ thuyết phát triển kinh tế - xã hội cho riêng mình.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate