July 03, 2024 | 15:35 GMT+7

Đánh vào tâm lý thích lãi suất cao để lừa đảo cho vay đáo hạn ngân hàng

Đỗ Mến -

Vài ngày sau, Thương lại nhắn tin: “Này em mách nhỏ, có 20 vất em làm cho mà kiếm, cái này 2 hôm được 7 triệu đồng”… Với những lời dẫn dụ trên, chị H. ban đầu chuyển 20 triệu đồng sau đó số tiền tăng dần thành 120 triệu đồng…

Bị cáo Thương.
Bị cáo Thương.

Ngày 3/7, TAND TP Hà Nội xử phạt bị cáo Nguyễn Thị Thương (SN 1993, ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội) 16 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo cáo trạng, khoảng tháng 10/2021, Thương thường xuyên đến chăm sóc sắc đẹp tại trung tâm Thẩm mỹ viện D. nên quen biết chị Hoàng Thị H. – kỹ thuật viên thẩm mỹ và anh Nguyễn Đăng L. – bác sỹ thẩm mỹ viện.

Quá trình nói chuyện, Thương thường giới thiệu với họ bản thân đang làm dịch vụ cho khách hàng vay tiền để đáo hạn các khoản vay hết hạn tại ngân hàng. Bị cáo khoe có nhiều mối quen hệ với cán bộ ngân hàng, có cô ruột là giám đốc ngân hàng.

Thương nói có nhiều khách vay tiền để đáo hạn, lợi nhuận cao và hoàn toàn yên tâm, không bị mất vốn. Tin những thông tin trên là thật nên khi Thương rủ góp vốn để kinh doanh thì chị H. và anh L. đồng ý.

Bị cáo hứa hẹn, trường hợp đáo hạn thẻ tín dụng thì trả lợi nhuận là 10% số tiền góp vốn trong thời gian 5 ngày. Trường hợp đáo hạn thế chấp sổ đỏ thì lợi nhuận từ 15-20%, trong thời hạn 10 ngày.

Tuy nhiên, sau khi nhận tiền, Thương không thực hiện theo thỏa thuận mà sử dụng chi tiêu cá nhân và dùng chính số tiền của các bị hại góp lần sau để trả gốc, lãi cho lần trước. Do nhận được tiền lãi nên các bị hại càng tin tưởng, chuyển thêm tiền cho bị cáo.

Cáo buộc xác định, từ ngày 4/10/2021 đến 16/1/2022, với thủ đoạn gian dối trên, Thương chiếm đoạt của chị H. hơn 2,4 tỷ đồng và anh L. hơn 2,6 tỷ đồng.

Hồ sơ cho thấy, khi rủ chị H. góp tiền, Thương nói mọi giấy tờ, sổ sách liên quan đều được người cô ruột là giám đốc ngân hàng giải quyết. Thông thường sau 10 ngày, có thể chỉ 2-3 ngày là được nhận lại cả gốc và lãi, ví dụ từ 100 triệu đồng sẽ trả thành 120 triệu đồng.

Ngày 1/10/2021, Thương nhắn tin vào tài khoản zalo của chị H. thủ thỉ: “Nếu chị có 50 triệu theo em, ngày kia chị có 60 triệu”. Chị H. nhắn tin hỏi: “thật à, làm có chắc chắn không, có rủi ro không” thì Thương nhắn: “Không chắc chắn, mất em đền chị, làm ăn phải chuẩn, không phải cho vay đâu, mà em vất vào ngân hàng xong lại có”.

Vài ngày sau, Thương lại nhắn tin: “Này em mách nhỏ, có 20 vất em làm cho mà kiếm, cái này 2 hôm được 7 triệu đồng”… Với những lời dẫn dụ trên, chị H. ban đầu chuyển 20 triệu đồng sau đó số tiền tăng dần thành 120 triệu đồng…

Cơ quan điều tra xác định, từ ngày 4/10/2021 đến 23/12/2021, chị H. đã trực tiếp chuyển khoản hoặc nhờ các tài khoản của bạn bè chuyển cho Thương tổng cộng hơn 10,3 tỷ đồng.

Thương nhận tiền nhưng không kinh doanh, không đáo hạn ngân hàng mà sử dụng chính số tiền của chị H. góp lần sau để trả gốc, lãi ở lần trước. Đến ngày 8/1/2022, Thương đã trả lại chị H. hơn 7,8 tỷ đồng, còn chiếm đoạt hơn 2,4 tỷ đồng để chi tiêu cá nhân.  

Cùng thủ đoạn trên, Thương rủ anh L. góp tiền kinh doanh dịch vụ cho khách hàng vay tiền đáo hạn ngân hàng. Trong gần 3 tháng, từ ngày 9/11/2021 đến 16/1/2022, anh H. đã chuyển cho Thương 154 lần số tiền hơn 20,4 tỷ đồng.

Hiện Thương đã trả cho anh này 17,8 tỷ đồng, còn chiếm đoạt hơn 2,6 tỷ đồng.

Do Thương không thực hiện theo cam kết nên các bị hại tố cáo ra cơ quan công an. Ngày 20/9/2023, Thương bị bắt tạm giam.

Quá trình điều tra cũng cho thấy, trong nguồn tiền của anh L. còn có tiền góp của 3 người khác. Công an xác định anh này không được hưởng lợi từ việc chuyển tiền cho Thương nên không đồng phạm.

Vụ án phần nào thể hiện thủ đoạn tinh vi của các đối tượng khi đánh trực tiếp vào tâm lý ham lãi suất cao của các bị hại. Các thông tin đối tượng đưa ra thường là “rỉ tai nhau”, không có tài liệu, văn bản của ngân hàng…

Thời gian qua, nhiều vụ án liên quan đến vay đáo hạn ngân hàng cũng được triệt phá. Một số trường hợp đối tượng phạm tội còn là chính cán bộ tín dụng, lợi dụng nhiệm vụ được giao để chiếm đoạt tiền khách hàng như vụ án Võ Hoài Nam (ở An Giang), Phạm Trung Hậu (ở Bến Tre)… Vì vậy, người dân cần thận trọng khi tham gia các hoạt động cho vay và vay đáo hạn.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate