November 23, 2024 | 11:48 GMT+7

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao người dân tộc thiểu số

Đỗ Như -

Hầu hết vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn ở lõi nghèo, cơ hội tiếp cận với nền giáo dục trình độ cao còn hạn chế...

Quang cảnh phiên họp.
Quang cảnh phiên họp.

Ngày 22/11, tại Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban Nghiên cứu, Tổ biên tập đề xuất xây dựng đề án đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao người dân tộc thiểu số trong các ngành/nhóm ngành/lĩnh vực họp phiên đầu tiên.

Thực hiện Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ về việc ban hành Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 1657/QĐ-TTg ngày 30/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Giáo dục và Đào tạo được giao nhiệm vụ triển khai nghiên cứu xây dựng Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao người dân tộc thiểu số trong các ngành/nhóm ngành/lĩnh vực: Sức khỏe (chủ yếu là Y khoa và Dược học), Công nghệ thông tin, Nông nghiệp, Tài chính - Ngân hàng, Đào tạo giáo viên”.

NÂNG CAO ĐÀO TẠO HƯỚNG TỚI TẠO CƠ HỘI VIỆC LÀM

Báo cáo về kết quả nghiên cứu xây dựng Đề án, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thu Thủy cho biết trong thời gian từ tháng 8 đến tháng 11 năm 2024, Vụ Giáo dục Đại học phối hợp với nhóm chuyên gia tiến hành khảo sát thực tế tại 08 địa phương bao gồm: Điện Biên, Thanh Hóa, Nghệ An, Đắc Lắc, Gia Lai, Trà Vinh, Sóc Trăng.

Đây là những địa phương có tỷ lệ người dân tộc thiểu số cao, đồng thời có một số cơ sở đào tạo nhân lực trình độ đại học trong các nhóm ngành kể trên.

Mục tiêu của Đề án là góp phần đạt mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2026-2030.

Đề án cũng sẽ tạo hành lang pháp lý và điều kiện thuận lợi để phát huy vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng.

Đồng thời tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức tham gia trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho học sinh, sinh viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Xây dựng cơ sở pháp lý cần thiết để các cơ sở giáo dục đại học, các địa phương và các tổ chức liên quan tại địa phương có cơ sở pháp lý và nguồn kinh phí để cùng phối hợp tổ chức đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.

Nâng cao chất lượng nhân lực hướng tới tạo cơ hội việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi góp phần giảm nghèo đa chiều bền vững tại địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Sinh viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có trình độ cao thuận lợi hơn trong tiếp cận việc làm sau khi tốt nghiệp hoặc có tinh thần khởi nghiệp, mạnh dạn đầu tư vào sản xuất kinh doanh góp phần giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và phát triển kinh tế địa phương.

Đồng thời, phát huy và tận dụng thế mạnh của chuyển đổi số trong quá trình triển khai thực hiện các nội dung của Đề án.

Đánh giá sự cần thiết của đề án và mong muốn sớm được triển khai, Phó Giám đốc Học viện Dân tộc Phạm Xuân Hoàng chia sẻ Nghị quyết số 52/NQ-CP của Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030 đã được thực hiện 8 năm qua. Song hiện nay, vẫn còn nhiều khó khăn trong phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao người dân tộc thiểu số.

Những khó khăn cụ thể như sự quan tâm của chính quyền trong việc cụ thể hóa các nội dung của nghị quyết chưa đồng bộ; nguồn nhân lực dân tộc thiểu số tiếp cận, cạnh tranh trong thị trường lao động còn hạn chế; công tác hướng nghiệp của các cơ sở giáo dục cho học sinh dân tộc thiểu số chưa được nhiều; khả năng tiếp cận thông tin, định hướng nghề nghiệp của học sinh dân tộc thiểu số còn khó khăn.

Hầu hết vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn ở lõi nghèo, cơ hội tiếp cận với nền giáo dục trình độ cao còn hạn chế.

Ông Phạm Xuân Hoàng mong muốn đề án sẽ tiếp cận tập trung cho những người dân tộc thiểu số dù ở miền núi hay đồng bằng đều được thụ hưởng chính sách này, đầu tư đào tạo từng lĩnh vực theo mạng lưới và khu vực.

GS.TS Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, bày tỏ rằng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao người dân tộc thiểu số cũng là vấn đề mà trường đang rất quan tâm, bởi có không ít tỉ lệ học sinh người dân tộc thiểu số tham gia lĩnh vực công nghệ thông tin, lập trình, thi Olympic và đạt được những thành tựu cao...

GS.TS Chử Đức Trình cho biết nhà trường sẵn sàng tham gia đồng hành cùng đề án, phối hợp với các địa phương, xây dựng mạng lưới, hệ thống chung cho các chương trình đào tạo.

ĐỔI MỚI TƯ DUY CÁCH LÀM

Phát biểu kết luận phiên họp, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đề nghị Đề án cần xác định rõ mục tiêu, phạm vi để có căn cứ thực tiễn, đề xuất được nhu cầu, thực trạng phục vụ việc xây dựng đề án.

Đồng thời, thể hiện rõ phương pháp và các hoạt động nghiên cứu, phân tích từ nhiều nguồn dữ liệu khác nhau; nêu được kết quả nghiên cứu nguồn nhân lực của các lĩnh vực này tại các địa phương; chỉ ra khó khăn, bất cập; tìm nguyên nhân để đưa ra định hướng cho các nhiệm vụ, giải pháp...

Thứ trưởng cũng yêu cầu cần xác định trọng tâm, trọng điểm, đổi mới tư duy, cách làm, thực hiện các giải pháp như cải cách hệ thống cử tuyển và tuyển sinh hệ dự bị đại học, không dùng cơ chế đặc thù để tạo ra sự khác biệt, đảm bảo công bằng, quan tâm từng đối tượng, theo thu nhập của gia đình, hoàn cảnh.

Hỗ trợ, tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số không ai bị mất cơ hội tiếp cận với giáo dục đại học, giáo dục chất lượng cao. Đảm bảo đầu ra, phối hợp với địa phương để sắp xếp công việc phù hợp sau khi người học đã thực hiện xong chương trình học.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate