August 29, 2021 | 18:26 GMT+7

"Đắp chiếu" mùa Covid, đề xuất giảm 50% giá dịch vụ máy bay cất, hạ cánh đến hết năm 2021

Ánh Tuyết -

Mức giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay đối với các chuyến bay nội địa được thực hiện từ ngày 1/1 đến hết ngày 31/12/2021 được đề xuất áp dụng bằng 50% so với quy định...

Việc giảm giá dịch vụ cất, hạ cánh máy bay sẽ giúp các hãng hàng không giảm bớt chi phí vận hành.
Việc giảm giá dịch vụ cất, hạ cánh máy bay sẽ giúp các hãng hàng không giảm bớt chi phí vận hành.

Đề xuất nêu trên là một trong những nội dung được Bộ Giao thông vận tải đưa vào dự thảo Thông tư quy định mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, sân bay Việt Nam từ ngày 1/1/2021 đến hết ngày 31/12/2021, đang được lấy ý kiến công khai.

Dự thảo của Bộ Giao thông vận tải nêu rõ, mức giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh máy bay đối với các chuyến bay nội địa được thực hiện từ ngày 1/1/2021 đến hết ngày 31/12/2021 áp dụng bằng 50% mức giá cất cánh, hạ cánh tàu bay đối với chuyến bay nội địa quy định tại Thông tư số 53/2019/TT-BGTVT của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, sân bay Việt Nam.

Sau ngày 31/12/2021, tức là từ ngày 1/1/2022 trở đi các mức giá dịch vụ cất, hạ cánh máy bay được tiếp tục thực hiện theo mức giá quy định tại Thông tư số 53/2019/TT-BGTVT.

Bên cạnh đó, khung giá đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục quy định tại Khoản 2 và Khoản 3, Điều 1 Thông tư số 53/2019/TT-BGTVT được thực hiện từ ngày 1/1/2021 đến hết ngày 31/12/2021 sẽ áp dụng khung giá với mức tối thiểu là 0 đồng, mức tối đa được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 53/2019/TT-BGTVT.

 
Theo Thông tư số 53/2019, các hãng hàng không phải chịu tới 16 loại phí do Nhà nước quy định. Ước tính sơ bộ, tổng nộp 16 loại phí nói trên của các hãng hàng không lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng mỗi năm.

Theo các chuyên gia, mức giảm này dù khá tích cực nhưng chưa thấm vào đâu so với thiệt hại của các hãng.

Do hiện nay, các tàu bay “đắp chiếu” hàng loạt khi dừng bay quốc tế và tần suất các chuyến bay nội địa về mức gần như bằng 0 trong làn sóng dịch bệnh lần thứ 4 này.

Ngoài 16 khoản phí trên, các hãng bay phải nộp những khoản phí dịch vụ hàng không khác cho các cảng hàng không, như phí thuê quầy bán vé giờ chót; phí thuê quầy hành lý thất lạc; phí thuê phòng tác nghiệp, phòng nghỉ, trực ca cho nhân viên; phí thuê phòng máy của hãng; phí thuê kho; phí sử dụng thiết bị đầu cuối... Tính chung một chiếc máy bay đang phải gánh hơn 20 loại phí cả trực tiếp và gián tiếp.

Bên cạnh đề xuất giảm các loại phí, lệ phí, gần đây, Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA) vừa có văn bản gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề nghị kéo dài thời gian thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho các dư nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi, giữ nguyên nhóm nợ.

Đồng thời, xem xét và ban hành cơ chế về tái cấp vốn để các ngân hàng thương mại cho các hãng hàng không tư nhân đã và đang bị ảnh hưởng trưc tiếp bởi Covid-19 vay tùy theo quy mô kinh doanh của từng hãng. Số tiền từ 4.000 tỷ - 5.000 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi, thời hạn tái cấp vốn là 12 tháng và có thể được gia hạn khi ảnh hưởng của dịch bệnh tiếp tục kéo dài.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate