Nỗi bất an của giới đầu tư toàn cầu gia tăng trong bối cảnh như vậy là một chất xúc tác đưa giá vàng thế giới lập thêm đỉnh cao lịch sử mới.
Dưới đây là một số thông tin và sự kiện kinh tế thế giới quan trọng trong tuần từ ngày 24-30/3 do VnEconomy điểm lại:
Ông Trump đánh thuế quan ô tô, phát tín hiệu mới về thuế quan có đi có lại
Hôm thứ Tư (26/3), ông Trump tuyên bố áp thuế quan 25% lên tất cả “ô tô không sản xuất tại Mỹ”, bắt đầu thực thi từ ngày 3/4. Dù chi tiết cụ thể của kế hoạch được công bố, giới chức Nhà Trắng cho rằng việc áp thuế quan như vậy sẽ giúp Chính phủ Mỹ tăng thu ngân sách được 100 tỷ USD mỗi năm.
Tổng thống Mỹ cũng nhiều lần nhắc lại trong tuần này rằng kế hoạch thuế quan đối ứng, hay còn thuế quan có đi có lại, sẽ được công bố vào ngày 2/4 như dự kiến. Tuy nhiên, ông phát tín hiệu rằng thuế đối ứng có thể “nhẹ nhàng” hơn so với ý định ban đầu và phạm vi áp dụng cũng có thể hẹp hơn.
Canada và Trung Quốc thể hiện quan điểm cứng rắn với Mỹ
Sau những tuyên bố thuế quan của ông Trump trong tuần này, Canada và Trung Quốc tiếp tục thể hiện lập trường sẵn sàng trả đũa. Châu Âu cũng cảnh báo Mỹ, nhưng mặt khác cũng đề xuất một số nhượng bộ với Nhà Trắng.
Phát biểu hôm thứ Năm (27/3), Thủ tướng Canada Mark Carney nói rằng mối quan hệ trước đây của nước này với Mỹ đã “chấm hết” và sẽ phải có “một cuộc đàm phán lại trên diện rộng” về thỏa thuận thương mại giữa hai nước.
Một bài đăng trên tài khoản mạng xã hội Weibo của truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) nói Chính phủ nước này “sẽ có những biện pháp đáp trả kiên quyết” nếu Mỹ gây tổn hại cho lợi ích của Trung Quốc. “Nếu Mỹ muốn thảo luận về hợp tác với Trung Quốc, tiền đề là tôn trọng lẫn nhau”, bài đăng viết.
Ấn Độ và Liên minh châu Âu (EU) sẵn sàng nhượng bộ để giảm bớt gánh nặng thuế quan Mỹ
Về phía EU, giới chức khu vực này đã tính đến khả năng bị Mỹ áp thuế quan 10-25% lên tất cả hoặc phần lớn hàng hóa - hãng tin Bloomberg dẫn nguồn thạo tin cho hay. Nguồn tin cũng nói rằng châu Âu sẵn sàng hạ thuế quan cho hàng Mỹ, đầu tư vào Mỹ, cũng như nới lỏng một số quy chế giám sát và tiêu chuẩn nhất định.
Đàm phán thương mại Mỹ - Ấn cũng đã diễn ra trong tuần này. Nguồn thạo tin tiết lộ với hãng tin Reuters rằng Ấn Độ sẵn sàng giảm thuế quan đối với 55% số hàng nhập khẩu từ Mỹ mà nước này đang đánh thuế quan từ 5-30%. Số hàng Mỹ bị Ấn Độ đánh thuế quan như vậy có trị giá 23 tỷ USD.
Chứng khoán Mỹ sụt giảm vì nỗi lo kinh tế
Trong lúc các đối tác thương mại của Mỹ chạy đua vận động để có được sự miễn trừ hoặc giảm bớt thuế quan trong kế hoạch của ông Trump, thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục đương đầu với mối lo giảm tốc tăng trưởng kinh tế. Thuế quan được nhận định có thể đẩy lạm phát ở Mỹ lên cao, đồng thời có thể khiến tăng trưởng kinh tế nước này yếu đi thông qua việc dẫn tới động thái trả đũa của các đối tác thương mại. Các số liệu kinh tế Mỹ thời gian gần đây đã cho thấy dấu hiệu suy yếu của tăng trưởng, trong khi chỉ số lạm phát công bố hôm thứ Sáu vừa rồi cao hơn dự báo.
Triển vọng kinh tế đình lạm đã phủ bóng lên thị trường chứng khoán Phố Wall từ sau khi ông Trump nhậm chức, gây ra những phiên bán tháo cổ phiếu. Chỉ số S&P 500 giảm hơn 1,5% trong tuần này, đánh dấu tuần giảm thứ 5 trong vòng 6 tuần trở lại đây.
Giá vàng lập kỷ lục mới, đồng USD phục hồi rồi tụt dốc
Kim loại quý tiếp tục phát huy mạnh mẽ vai trò “hầm trú ẩn” giữa những bấp bênh và bất định mà các kế hoạch thuế quan của ông Trump gây ra. Giá vàng giao ngay có lúc đạt hơn 3.088 USD/oz trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (28/3) tại thị trường New York, mức cao chưa từng thấy trong lịch sử. Trong vòng 13 tuần trở lại đây, giá vàng có 12 tuần tăng.
Đồng USD đã hồi giá trong 3 phiên đầu tiên của tuần này, sau khi chỉ số Dollar Index đo sức mạnh của bạc xanh rớt xuống mức thấp nhất 5 tháng trong tuần trước. Nhưng trong hai phiên cuối của tuần, chỉ số lại quay đầu giảm và kết thúc tuần với mức giảm gần 0,1%, nâng tổng mức giảm từ đầu năm lên hơn 4,1%.
Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi - dữ liệu lạm phát được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ưa chuộng - tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn dự báo là tăng 2,7%. Tuy nhiên, thị trường cho rằng sự dai dẳng này của lạm phát sẽ không cản trở khả năng Fed giảm lãi suất trong năm nay, xét tới triển vọng của kinh tế Mỹ đã trở nên ảm đạm hơn. Đó là một lý do quan trọng khiến USD mất giá hơn 0,3% trong phiên ngày thứ Sáu, khi báo cáo PCE được công bố.
Moody’s cảnh báo Mỹ về nợ nần và thâm hụt ngân sách
Hôm 25/3, tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody’s cảnh báo về viễn cảnh tài khóa ảm đạm của Mỹ, nói rằng các kế hoạch thuế quan của ông Trump có thể hạn chế khả năng của Washington trong việc giải quyết khối nợ khổng lồ đang ngày càng tăng thêm và tiền lãi nợ công chồng chất. Dù thừa nhận sức bền “phi thường” của kinh tế Mỹ, Moody’s cho rằng tác động tiềm ẩn của việc áp thuế quan kéo dài và giảm thuế trong nước mà không có nguồn thu bù đắp sẽ khiến Washington suy giảm khả năng trả nợ.
“Trên thực tế, tình trạng suy yếu tài khóa có khả năng sẽ tiếp diễn ngay cả trong các kịch bản kinh tế và tài chính rất thuận lợi”, báo cáo nói thêm, và cho rằng “khả năng trả nợ của Mỹ còn đang yếu hơn đáng kể so với các quốc gia có cùng xếp hạng Aaa và xếp hạng cao khác”.
Tín hiệu lạc quan về kinh tế Trung Quốc
Trong khi kinh tế Mỹ gây lo ngại, kinh tế Trung Quốc gần đây lại có một số dấu hiệu tích cực. Trong đó phải kể đến việc doanh số bán nhà đã qua sử dụng tại 5 thành phố lớn của Trung Quốc đã tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái, theo một phân tích của hãng tin CNBC. Trong tháng 1 và tháng 2/2025, doanh thu bán lẻ - thước đo chi tiêu của người tiêu dùng - tăng tốc, trong khi đầu tư và sản xuất công nghiệp đều tăng trưởng cao hơn dự báo. Đây được xem là kết quả ban đầu của các biện pháp kích thích kinh tế mà Bắc Kinh triển khai từ tháng 9 năm ngoái.
Trong vòng 1 tháng trở lại đây, một loạt tổ chức dự báo đã nâng triển vọng kinh tế Trung Quốc. Chẳng hạn, ngân hàng HSBC, ANZ và Citi đều đã nâng dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2025 của Trung Quốc, lên tương ứng 4,8%, 4,8% và 4,7% so với dự báo trước đó lần lượt là 4,5%, 4,3% và 4,2%.
Áp lực tăng lãi suất ở Nhật Bản ngày càng lớn
Nền kinh tế đất nước mặt trời mọc có vẻ đang gần đạt được một vòng xoáy tăng lương - tăng giá như mong muốn của các nhà hoạch định chính sách tiền tệ. Hôm 26/3, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) Kazuo Ueda nói cơ quan này có thể cân nhắc một động thái thắt chặt chính sách tiền tệ tiếp theo nếu đà leo thang của giá thực phẩm dẫn tới lạm phát cao hơn và trên diện rộng hơn. Trước đó, cuộc đàm phán tiền lương mùa xuân hàng năm ở nước này đã mang tới kết quả là mức tăng lương mạnh nhất 34 năm.
Thị trường tài chính hiện đang dự báo BOJ sẽ có đợt tăng lãi suất thứ tư vào tháng 5 hoặc tháng 7 năm nay, sau 3 đợt tăng kể từ tháng 3 năm ngoái tới nay.