Chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình vừa ký Quyết định số 3079/QĐ-UBND phê duyệt dự án cao tốc Hoà Bình - Mộc Châu (đoạn Km19+00-Km53+00 trên địa bàn tỉnh Hoà Bình).
ĐẦU TƯ TRƯỚC CAO TỐC QUY MÔ 2 LÀN XE
Dự án cao tốc Hoà Bình - Mộc Châu (đoạn Km19+00-Km53+00 trên địa bàn tỉnh Hoà Bình) do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Hòa Bình làm chủ đầu tư có chiều dài 34 km.
Điểm đầu dự án tại Km19+000 trước vị trí giao với dự án xây dựng tuyến đường từ thị trấn Đà Bắc - Thanh Sơn, Phú Thọ, khớp nối với đoạn Km0-Km19 đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, thuộc địa phận thị trấn Đà Bắc, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình; điểm cuối tại Km53+000, khớp nối với dự án cao tốc đường Hòa Bình - Mộc Châu, đoạn qua địa bàn tỉnh Sơn La, thuộc địa phận xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La.
Trong giai đoạn hoàn chỉnh, tuyến đường thuộc dự án được thiết kế là đường cao tốc cấp 80, vận tốc thiết kế 80km/h (theo Tiêu chuẩn đường ô tô cao tốc TCVN 5729-2012), quy mô 04 làn xe, bề rộng nền đường 22m.
Giai đoạn phân kỳ các yếu tố hình học (bình đồ, trắc dọc) đạt tiêu chuẩn đường cao tốc cấp 80, quy mô 2 làn xe; nền đường rộng 12m, mặt đường rộng 11 m, tương đương tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng theo TCVN 4054-2005.
Tiêu chuẩn khai thác giai đoạn 1 đảm bảo một phần theo yêu cầu của tiêu chuẩn đường cao tốc được quy định tại Luật Giao thông đường bộ số 23/2008/QH12 và các quy định hiện hành.
Cụ thể, dự án sẽ bố trí hàng rào trên toàn tuyến để chỉ khai thác với xe cơ giới; không bố trí các nút giao bằng, kết nối thông qua hệ thống đường hiện tại và đường gom, đường hoàn trả, các phương tiện xe cơ giới lưu thông lên tuyến chính thông qua các điểm nút giao liên thông trên tuyến; không bố trí dải phân cách giữa nên việc tổ chức giao thông trên mặt đường bằng vạch sơn.
Dự án sẽ xây dựng 30 cầu trên tuyến, trong đó có 29 cầu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực; 1 cầu lớn kết cấu dây văng (cầu Hoà Sơn) vượt lòng hồ thủy điện Hoà Bình.
Đặc biệt, dự án sẽ xây dựng 3 hầm trên tuyến, trong đó hầm số 1 dài 492 m; hầm số 2 chiều dài 627 m; hầm số 3 dài 720 m).
Trong giai đoạn hoàn thiện, hầm có quy mô 2 ống hầm độc lập lưu thông 1 chiều, bề rộng mỗi ống hầm là 10 m. Giai đoạn phân kỳ đầu tư 1 ống hầm rộng 10 m bảo đảm bố trí 2 làn xe, đối với hầm dài hơn 500m bố trí hầm lánh nạn bảo đảm an toàn trong quá trình khai thác. Hệ thống chiếu sáng, thông gió, phòng cháy chữa cháy được thiết kế đồng bộ, theo tiêu chuẩn áp dụng cho dự án.
ĐẦU TƯ CÔNG, SỬ DỤNG 4.650 TỶ ĐỒNG TỪ VỐN CHƯƠNG TRÌNH PHỤC HỒI
Quyết định nêu rõ tổng mức đầu tư dự án là 9.997 tỷ đồng, được huy động từ ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh Hoà Bình, trong đó, ngân sách tỉnh là 1.754 tỷ đồng. Còn vốn ngân sách trung ương là 8.243 tỷ đồng, vốn bố trí từ Chương trình phục hồi phát triển - kinh tế xã hội là 4.650 tỷ đồng; vốn dự kiến bố trí bổ sung từ kế hoạch đầu tư công trung hạn bằng nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 -2025 là 3.593 tỷ đồng.
Thời gian đầu tư dự án cao tốc Hoà Bình - Mộc Châu (đoạn Km19+00-Km53+00 trên địa bàn tỉnh Hoà Bình), giai đoạn 1 là từ năm 2024 - 2028.
Tổng diện tích đất thu hồi trên địa bàn tỉnh khoảng 321,83ha. Trong đó đất cho giao thông là 254,63ha; đất cho bãi thải và mỏ vật liệu là 67,20ha. Số hộ dân bị ảnh hưởng khoảng 924 hộ, số hộ cần tái định cư khoảng 60 hộ.
Dự án sau khi hoàn thành sẽ hoàn thiện kết nối tuyến cao tốc Hoà Bình - Mộc Châu (tỉnh Sơn La), tạo tiền đề hoàn thiện tuyến cao tốc CT.03 (Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên) theo quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ; hình thành đường giao thông liên vùng: Sơn La, các tỉnh Tây Bắc - Hà Nội, Hoà Bình, Phú Thọ, các tỉnh vùng núi phía Bắc, từ đó phát huy khả năng khai thác của toàn bộ mạng lưới giao thông liên vùng.
Từ đó, tạo điều kiện phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng Tây Bắc nói chung và tỉnh Hoà Bình - Sơn La nói riêng.
Bên cạnh đó, dự án còn bổ sung sự lựa chọn di chuyển từ Hà Nội đến khu du lịch hồ Hoà Bình, các huyện Đà Bắc, Mai Châu và Mộc Châu tỉnh Sơn La, thay đổi tình trạng độc đạo của Quốc lộ 6; tạo điều kiện khai thác tiềm năng, thế mạnh về phát triển dịch vụ du lịch tại tỉnh Hoà Bình, tỉnh Sơn La và vùng Tây Bắc, thu hút nguồn lực khai thác quỹ đất chưa sử dụng, nâng cao tính cơ động, đảm bảo quốc phòng, an ninh trong khu vực.