Bộ Giao thông vận tải cũng cho biết, trong giai đoạn 2014 - 2020, do khó khăn về vốn, ngân sách nhà nước không bố trí cho việc đền bù giải tỏa hành lang an toàn đường sắt; cắm mốc hành lang an toàn giao thông đường sắt; xây cầu đường bộ tách khỏi cầu chung đường sắt; xây các cầu trên quốc lộ vượt đường sắt quốc gia.
Vì vậy, Bộ này cho rằng hầu hết các dự án, công trình an toàn giao thông đường sắt theo Quyết định 994 chưa được triển khai. Trong giai đoạn 2015 - 2023, kinh phí để thực hiện nâng cấp, cải tạo, sửa chữa đường ngang (của tuyến đường sắt) là 1.634 tỷ đồng. Chia ra như sau: Năm 2015 là 170 tỷ đồng, năm 2017 là 110 tỷ đồng, năm 2018 là 170 tỷ đồng, năm 2019 là 480 tỷ đồng, năm 2022 là 304 tỷ đồng và năm 2023 là 400 tỷ đồng.
Từ nguồn kinh phí này, ngành đường sắt hiện đã thực hiện hoàn thành được 1.060 đường ngang. Cụ thể, đã hoàn thành nâng cấp, cải tạo, sửa chữa 226 đường ngang trong tổng số 291 đường ngang vi phạm điều lệ đường ngang theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trong quá trình triển khai thực hiện nâng cấp, cải tạo đường ngang theo Quyết định 994/QĐ-TTg, số đường ngang còn lại là 65 đường ngang đã được đầu tư xây dựng bằng nhiều nguồn vốn khác nhau.
Các đơn vị cũng đã hoàn thành nâng cấp, cải tạo 452 đường ngang phòng vệ bằng biển báo thành đường ngang cảnh báo tự động, lắp cần chắn tự động và đường ngang có người gác; hoàn thành 382/566 đường ngang với kinh phí 600 tỷ đồng. Đối với 184 đường ngang còn lại, Bộ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài thời gian thực hiện kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường sắt theo Quyết định số 994/QĐ-TTg đến hết năm 2025; đồng thời bố trí kinh phí để tiếp tục triển khai hoàn thành việc sửa chữa, bổ sung đầy đủ hệ thống thông tin, tín hiệu trong kế hoạch.
Để bảo đảm thực hiện hiệu quả công tác lập lại trật tự hành lang an toàn đường sắt giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Giao thông vận tải trong báo cáo của mình đã kiến nghị Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ban hành chỉ thị hoặc công điện của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả đề án. Nguồn kinh phí để tjhực hiện, Bộ này đề nghị các địa phương có đường sắt đi qua ưu tiên bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách của địa phương hoặc từ nguồn ngân sách trung ương phân bổ cho địa phương để xây dựng hàng rào, đường gom, góp phần xóa bỏ các lối đi tự mở qua đường sắt trên địa bàn.
Báo cáo cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 358/QĐ-TTg; ưu tiên bố trí nguồn vốn hoạt động kinh tế đường sắt trong năm 2024 và các năm tới để thực hiện sửa chữa, cải tạo, nâng cấp và trang bị đầy đủ hệ thống tín hiệu, thông tin tại các điểm giao cắt giữa đường bộ, đường sắt đảm bảo an toàn của người dân và bảo đảm thuận lợi cho việc đi lại. Đồng thời cũng bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách trung ương để hỗ trợ cho các địa phương theo từng dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.