Phát biểu tại Hội thảo “Phát huy giá trị nguồn lợi từ rừng gắn với mục tiêu Net-Zero và phát triển bền vững” do Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Tạp chí Kinh tế Việt Nam và các đối tác tổ chức vào chiều ngày 24/9, TS. Hà Công Tuấn, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Hội Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của ngành lâm nghiệp đối với phát triển bền vững và cam kết Net-Zero vào năm 2050 cũng như tầm quan trọng của tiến trình phát triển thị trường tín chỉ carbon để đạt được mục tiêu này.
TĂNG CƯỜNG VAI TRÒ NGÀNH LÂM NGHIỆP TRONG GIẢM PHÁT THẢI KHÍ NHÀ KÍNH
Theo TS. Hà Công Tuấn, việc phát huy tối đa giá trị nguồn lợi từ rừng không chỉ là trách nhiệm của ngành lâm nghiệp, mà còn là nhiệm vụ quan trọng của cả xã hội trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu. Để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, ngành lâm nghiệp đóng vai trò cốt lõi trong việc cân bằng giữa phát thải và hấp thụ khí nhà kính.
Cụ thể, Quy hoạch Lâm nghiệp Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác lập tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp là 15,85 triệu ha, bao gồm: 2,45 triệu ha đất rừng đặc dụng, 5,23 triệu ha đất rừng phòng hộ và 8,16 triệu ha đất rừng sản xuất.
Trong giai đoạn 2017-2023, diện tích và độ che phủ rừng của Việt Nam liên tục gia tăng. Nếu năm 2017, diện tích có rừng đạt 14,41 triệu ha với tỷ lệ che phủ 41,45%, thì đến năm 2023, diện tích rừng đã tăng lên 14,82 triệu ha, đạt tỷ lệ che phủ 42,50%. Bên cạnh đó, diện tích rừng tại Việt Nam tăng do tăng rừng trồng mới bình quân hơn 105.000 ha rừng mỗi năm và các hoạt động khoanh nuôi, tái sinh tự nhiên trên diện tích gần 25.000 ha mỗi năm.
Mỗi năm, ngành lâm nghiệp có khoảng 17 triệu tín chỉ CO2 (1 tấn tăng hấp thụ phát thải dòng khí nhà kính tương đương 1 tín chỉ)
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kết quả đánh giá của Viện Điều tra Quy hoạch rừng cùng các chuyên gia Giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính do mất rừng và suy thoái rừng (REDD+) đã được Quỹ Đối tác Carbon trong Lâm nghiệp (FCPF) công nhận cũng chỉ ra rằng từ năm 2011 đến 2018, Việt Nam đã giảm phát thải khí nhà kính trung bình 18,3 triệu tấn mỗi năm nhờ vào việc ngăn chặn suy thoái và mất rừng.
Đồng thời, Việt Nam cũng tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính thêm 38,5 triệu tấn mỗi năm. Tổng lượng hấp thụ từ rừng đạt trung bình 56,8 triệu tấn khí nhà kính mỗi năm.
“Những thành quả này chính là nỗ lực vượt bậc, với quyết tâm chính trị cao của Đảng, nhà nước và cũng như sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế”, TS. Hà Công Tuấn nhấn mạnh.
Ngoài ra, tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP26), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định cam kết của Việt Nam về việc đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Trong đó, ngành lâm nghiệp đóng góp 70% tổng lượng hấp thụ khí nhà kính trong kế hoạch Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC).
“Như vậy, mỗi năm ngành lâm nghiệp có thể có lượng hàng hóa này là khoảng 17 triệu tín chỉ CO2 (1 tấn tăng tăng hấp thụ phát thải dòng khí nhà kính tương đương 1 tín chỉ)”, ông Tuấn cho hay.
Mặc dù diện tích rừng có thể tăng thêm không nhiều trong thời gian tới, nhưng theo ông Tuấn, tiềm năng để nâng cao chất lượng rừng và tăng khả năng hấp thụ carbon từ khí nhà kính là rất lớn. Đặc biệt, mật độ CO2 bình quân chứa trong 1 ha rừng rất khác nhau phụ thuộc vào chất lượng rừng, chẳng hạn rừng tự nhiên thường xanh giàu là 143,33 tấn/ha; rừng thường xanh trung bình 69,94 tấn/ha; rừng thường xanh nghèo 31,95 tấn/ha; rừng trồng 27,29 tấn/ha.
VIỆT NAM VÀ LỘ TRÌNH PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG TÍN CHỈ CARBON
Hiện nay, thị trường tín chỉ carbon toàn cầu đang diễn ra rất sôi động, với tín chỉ carbon được coi là một loại hàng hóa có thể giao dịch. Trong đó, giá tín chỉ carbon dao động từ 1-2 USD đến gần 200 USD mỗi tấn.
Theo ông Tuấn, giá trị của carbon phụ thuộc vào nhiều yếu tố bao gồm: loại hình dự án tạo ra tín chỉ carbon; các tiêu chuẩn áp dụng để xác định tín chỉ carbon (chẳng hạn như tiêu chuẩn Vera, Verified Carbon Standards (VCS), Gold Standards, hay American Carbon Registry); sự hiện diện của các lợi ích đi kèm (co-benefits); và cuối cùng là địa điểm giao dịch.
“Để không nằm ngoài xu hướng này, Việt Nam đang hướng tới thị trường cac -bon tuân thủ, có sàn giao dịch, bắt buộc, khái niệm thị trường tín chỉ carbon còn rất mới mẻ, có nhiều thông tin về cách thức vận hành của thị trường, loại hình dự án, các hệ thống tiêu chuẩn carbon, cơ sở hình thành giá cả…”, ông Tuấn cho hay.
Không những thế, tại Nghị định 06/2022/ND-CP, Việt Nam cũng đã đặt ra mục tiêu việc phát triển cũng như thời điểm triển khai thị trường carbon thành hai giai đoạn
Giai đoạn từ nay đến hết năm 2027: Tập trung xây dựng các quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; đồng thời xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon.
Trong giai đoạn này, Việt Nam sẽ triển khai thí điểm cơ chế trao đổi và bù trừ tín chỉ carbon trong các lĩnh vực tiềm năng, cũng như hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước và quốc tế, phù hợp với quy định pháp luật và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Ngoài ra, Việt Nam sẽ thành lập và vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon từ năm 2025, đồng thời triển khai các hoạt động nhằm tăng cường năng lực và nâng cao nhận thức về phát triển thị trường carbon.
Giai đoạn từ năm 2028: Chính thức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon trong năm 2028 và quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và quốc tế.
“Tôi cho rằng lộ trình này của chính phủ là rất hợp lý, mặc dù không phải là nước đi trước về phát triển thị trường tín chỉ carbon nhưng Việt Nam cũng không phải là nước đi sau”, ông Tuấn nhấn mạnh. “Không những thế, lộ trình này sẽ đóng góp vào quá trình đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 cũng như quá trình phát triển bền vững mà Việt Nam đang hướng tới”.