Bảo vệ rừng là nhiệm vụ then chốt để Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu đạt Net-Zero vào năm 2050, trong bối cảnh mất rừng, suy thoái rừng tự nhiên và quản lý rừng sản xuất chưa hiệu quả là nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy giảm tài nguyên thiên nhiên, đồng thời làm gia tăng phát thải khí nhà kính.
Mục tiêu của Việt Nam là duy trì tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc ổn định từ 42% đến 43%, mỗi năm trồng thêm khoảng 238.000 hecta rừng và tìm cách phục hồi rừng tự nhiên để chống biến đổi khí hậu. Để hiểu rõ thực trạng, từ đó phát triển rừng hướng tới mục tiêu Net-Zero, Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường – Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Tạp chí Kinh tế Việt Nam và các đối tác tổ chức hội thảo “Phát huy giá trị nguồn lợi từ rừng gắn với mục tiêu Net-Zero và phát triển bền vững”.
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Chử Văn Lâm, Phó Chủ tịch thường trực, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy/Vietnam Economic Times, nhận định Việt Nam là quốc gia nhiệt đới với địa hình phần lớn là đồi núi, chiếm tới ¾ diện tích lãnh thổ, do đó, lâm nghiệp có vai trò quan trọng về kinh tế và sinh thái của hầu hết các vùng lãnh thổ.
“Chúng ta đều nhận thức rất rõ rằng rừng là nguồn tài nguyên quý giá, Rừng có giá trị rất lớn là kinh tế và môi trường và thể hiện qua bốn khía cạnh nổi bật: kinh tế, môi trường, văn hóa, và thuỷ lợi”, TS. Chử Văn Lâm nhấn mạnh.
Thứ nhất,giá trị kinh tế của rừng nằm ở việc cung cấp gỗ và các sản phẩm lâm sản ngoài gỗ, góp phần tạo ra nguồn thu nhập quan trọng cho con người và nền kinh tế.
Thứ hai,về giá trị môi trường, rừng đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp oxy, điều hòa khí hậu, là nơi cư trú của các loài sinh vật, bảo tồn nguồn gen và đa dạng sinh học. Rừng còn góp phần cải thiện tình trạng biến đổi khí hậu và giảm thiểu hiệu ứng nhà kính.
Thứ ba, giá trị văn hóa của rừng gắn liền với vẻ đẹp thiên nhiên, lịch sử, và truyền thống lâu đời của các dân tộc Việt Nam. Rừng không chỉ là nơi tạo nên những cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, mà còn là biểu tượng của mối quan hệ mật thiết giữa con người và thiên nhiên.
Thứ tư, giá trị thủy lợi của rừng cũng không thể không nhắc đến. Rừng là một "hồ chứa nước tự nhiên" và "trạm bơm sương khổng lồ", giúp điều hòa khí hậu và hệ thống thủy văn. Rừng làm giảm sức mạnh của mưa, ngăn chặn xói mòn đất, hạn chế lũ lụt, và tăng dung tích chứa nước tự nhiên, từ đó duy trì cân bằng khí hậu và bảo vệ môi trường sống.
“Nhìn lại các giá trị của rừng, tại thời điểm này, chắc hẳn tất cả chúng ta đều thấm thía hơn bao giờ hết, khi mà miền Bắc và đặc biệt các tỉnh miền núi phía Bắc vừa trải qua những thiệt hại nặng nề của cơn bão số 3,” TS. Chử Văn Lâm bày tỏ. Theo đó, Việt Nam thuộc TOP 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng phát thải carbon cao nhất thế giới và là một trong những quốc gia có tiềm năng lớn về nguồn cung ứng tín chỉ carbon, trong đó, ngành nông nghiệp từ chăn nuôi, trồng trọt đều có triển vọng cung ứng tín chỉ carbon, đặc biệt là rừng.
Việt Nam hiện có hơn 14,8 triệu hécta rừng, đạt tỷ lệ che phủ 42,02%, là nơi hấp thụ và lưu giữ lượng lớn carbon. Theo đánh giá, rừng Việt Nam có thể tạo ra khoảng 50 tới 70 triệu tấn tín chỉ carbon rừng dôi dư, tạo nguồn thu lên đến hàng nghìn tỷ đồng nếu xuất khẩu thành công.
Hiện nay, phát triển rừng theo hướng đa giá trị là xu hướng được Việt Nam đẩy mạnh. Theo đó, ngoài các giá trị trực tiếp từ gỗ, lâm sản ngoài gỗ và thủy điện (hiện mới chiếm khoảng 15% giá trị của hệ sinh thái rừng), nguồn lợi lớn khác đến từ rừng chính là các sản phẩm phi lâm sản và dịch vụ. Trong đó, phát triển thị trường carbon rừng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hiện nay. Điều này được thể hiện rõ trong Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn 2050 được Chính phủ phê duyệt đầu năm 2024.
“Theo đó, các giá trị nguồn lợi từ rừng cần được khai thác, phát huy hiệu quả và bền vững hơn nữa nhằm đáp ứng các yêu cầu mới cũng như hướng tới các mục tiêu net zero mà Việt Nam đã cam kết,” TS. Chử Văn Lâm khẳng định.
Về giá trị nguồn lợi từ tài chính khí hậu, tài chính carbon rừng, đây là các vấn đề mới, có nhiều triển vọng và cơ hội cho Việt Nam, đang nhận được sự quan tâm của đông đảo chủ thể kinh tế, đặc biệt các địa phương, doanh nghiệp, các nhà đầu tư, các tổ chức tài chính, ngân hàng. Tuy nhiên, cơ sở pháp lý và các chính sách còn đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện, do đó, các chủ thể cần tiếp cận, nắm bắt đúng, đủ và xác thực các vấn đề liên quan. Điều này có ý nghĩa quan trọng, đảm bảo thực hiện thành công các mục tiêu phát triển của Việt Nam đối với lĩnh vực này.