December 29, 2022 | 09:42 GMT+7

Để khoa học công nghệ thực sự trở thành động lực phát triển

Nhĩ Anh -

"Mong ước của nhiều nhà khoa học là giấy tờ báo cáo kết quả khoa học dày hơn hóa đơn, chứng từ", Bộ Khoa học và Công nghệ cần nghiên cứu, hình thành hệ thống văn bản pháp lý thực sự hiệu lực để các nhà khoa học không phải lo hóa đơn, chứng từ quá nhiều...

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: "Mong ước của nhiều nhà khoa học là giấy tờ báo cáo kết quả khoa học dày hơn hóa đơn, chứng từ".
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: "Mong ước của nhiều nhà khoa học là giấy tờ báo cáo kết quả khoa học dày hơn hóa đơn, chứng từ".

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh điều này tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo năm 2023 của Bộ Khoa học và Công nghệ, chiều 28/12.

Theo Phó Thủ tướng, nhiệm vụ tăng trưởng những năm tới đây vô cùng nặng nề để đạt được mục tiêu mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đặt ra là tăng trưởng trung bình 7%/năm trong giai đoạn 2021-2030. Bên cạnh đó, yêu cầu phát triển hiện nay không chỉ là tăng trưởng nhanh, đơn thuần mà còn phải bền vững. Mục tiêu đặt ra rất khó và chỉ có thể thực hiện được nếu có những đổi mới đột phá mạnh mẽ, trong đó, yếu tố khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được nhấn mạnh tại Đại hội Đảng lần thứ XIII.

KHƠI DẬY TINH THẦN ĐỔI MỚI SÁNG TẠO TRÊN CẢ NƯỚC

Phó Thủ tướng cho rằng trong một số lĩnh vực vẫn còn "dư địa" phát triển. Phân tích các chỉ số đổi mới sáng tạo (GII), bài báo khoa học công bố quốc tế, kinh phí chi cho khoa học công nghệ trong tổng chi ngân sách nhà nước, trong 2 năm bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Phó Thủ tướng đánh giá các hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ có dấu hiệu chững lại trong khi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII yêu cầu phải tăng cường khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Để khoa học công nghệ thực sự trở thành động lực phát triển, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ nghiên cứu, hình thành hệ thống văn bản pháp lý thực sự hiệu lực để các nhà khoa học không phải lo hóa đơn, chứng từ quá nhiều. "Mong ước của nhiều nhà khoa học là giấy tờ báo cáo kết quả khoa học dày hơn hóa đơn, chứng từ". Vì vậy, Bộ phải chủ trì nghiên cứu kỹ những vướng mắc, bất cập trong các luật, nghị định, thông tư liên quan và đề xuất giải pháp, sửa đổi chi tiết, cụ thể. Hệ thống thông tin quản lý khoa học công nghệ cần tiếp tục hướng tới công khai, minh bạch trong mọi khâu từ giao đề tài, phản biện, nghiệm thu…

Để khoa học công nghệ thực sự trở thành động lực phát triển - Ảnh 1

Phó Thủ tướng cho rằng, Bộ Khoa học và Công nghệ đã "thắp lên ngọn đuốc" khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, lan tỏa ra các bộ, ngành, địa phương và phải tiếp tục là nòng cốt cho phong trào này.

Những năm qua, Bộ đã từng bước đổi mới hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, đặt doanh nghiệp ở vị trí trung tâm. Tới đây, khi được chính thức giao nhiệm vụ quản lý về đổi mới sáng tạo, Bộ cần nỗ lực hơn nữa. Đây là trách nhiệm rất nặng nề khi có nhiều chỉ số cần phải cải thiện như: Môi trường pháp lý; nhân lực; tỉ lệ sinh viên nước ngoài/sinh viên bản địa; hạ tầng môi trường, sinh thái; số bài báo khoa học…

Bộ Khoa học và Công nghệ phải giữ vai trò điều phối với các bộ, ngành cải thiện các chỉ số còn thấp để thúc đẩy cả xã hội cùng đổi mới sáng tạo. Trong xếp hạng đổi mới sáng tạo địa phương, bên cạnh các tiêu chí quốc tế cần tính đến đặc thù, phù hợp với trình độ phát triển kinh tế xã hội của từng vùng miền, nhằm khơi dậy tinh thần đổi mới sáng tạo trên cả nước.

Ông cũng nhấn mạnh vai trò của các bộ phụ trách lĩnh vực sản xuất, các hiệp hội doanh nghiệp trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở cộng đồng doanh nghiệp. Bộ Khoa học và Công nghệ cũng cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo thúc đẩy mạnh mẽ phong trào start-up trong các trường đại học.

Bộ Khoa học và Công nghệ làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm rõ khái niệm năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) mang tính dài hạn. Để cải thiện năng suất lao động thì phải cơ cấu lại nền kinh tế, lực lượng lao động; tăng cường ứng dụng công nghệ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực lao động.

TIẾP TỤC ĐỔI MỚI CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH KHOA HỌC CÔNG NGHỆ VÀ ĐỔI MỚI SÁNG TẠO

Bộ Khoa học và Công nghệ, cho biết năm 2022 hành lang pháp lý về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tiếp tục được hoàn thiện. Chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 được Thủ tướng ban hành là bước cụ thể hoá các nội dung khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đề cập trong các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước.

Chiến lược hướng mục tiêu khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phát triển vững chắc, thực sự trở thành động lực tăng trưởng, góp phần quyết định đưa Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.

 
Năm 2023, Bộ tiếp tục hoàn thiện, đổi mới cơ chế, chính sách khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; nghiên cứu, đề xuất cơ chế thí điểm phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ, viện nghiên cứu, trường đại học theo mô hình doanh nghiệp khởi nguồn (spin-off); thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu…

Việc tái cơ cấu các chương trình khoa học công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 được triển khai tập trung vào các hướng nghiên cứu cơ bản, công nghệ ưu tiên, xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm trọng điểm, chủ lực trong các ngành, lĩnh vực. Bộ đã xây dựng cơ chế quản lý nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn và đơn giản hoá quy trình, thủ tục trong thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ.

Năm qua, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo toàn cầu ghi nhận Việt Nam xếp thứ 54, tăng 5 bậc so với năm 2021. Việt Nam có 4 "kỳ lân" công nghệ (VNG, VNPAY, Momo, Sky Mavis), khẳng định vị thế trong “tam giác vàng” khởi nghiệp của Đông Nam Á, bên cạnh Singapore và Indonesia. Bảng xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII), trong 12 năm liền, Việt Nam luôn có kết quả đổi mới sáng tạo cao hơn so với mức độ phát triển.

Bộ cũng đã chủ trì, phối hợp với WIPO và các cơ xây dựng, hoàn thiện Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII). Năm 2022 là năm đầu tiên thực hiện và triển khai thí điểm với 20 địa phương. PII được kỳ vọng sẽ là công cụ hữu hiệu để các địa phương xác định rõ điểm mạnh-yếu, các yếu tố tiềm năng và các điều kiện để thúc đẩy phát triển dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Trong năm 2023, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện và đổi mới cơ chế, chính sách khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; đồng thời nghiên cứu, đề xuất cơ chế thí điểm phát triển loại hình doanh nghiệp khoa học công nghệ, các viện nghiên cứu, trường đại học theo mô hình doanh nghiệp khởi nguồn (spin-off); thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu…

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết Bộ đã và đang hoàn thiện, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các chính sách phát triển thị trường khoa học công nghệ, thí điểm việc thương mại hóa các kết quả nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước, thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate