Đó là những thông điệp chính của các báo cáo về "Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam" và "Đánh giá tác động của công nghệ đến tăng trưởng kinh tế" do Bộ Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng thế giới và Đại sứ quán Australia tại Việt Nam công bố ngày 3/11/2021.
CHÌA KHÓA ĐỂ TĂNG TRƯỞNG BỀN VỮNG VÀ GIẢI QUYẾT CÁC THÁCH THỨC MỚI
Báo cáo "Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (STI)" do Ngân hàng Thế giới và Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam phối hợp thực hiện đã nghiên cứu chính sách và khuôn khổ phát triển hiện tại của STI, phân tích các rào cản gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình đổi mới, đề xuất chương trình cải cách toàn diện để thúc đẩy tăng trưởng đổi mới sáng tạo.
Báo cáo khuyến nghị Việt Nam nên tái cân đối chính sách phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển từ tập trung đầu tư tạo ra công nghệ tiên tiến sang thúc đẩy hấp thụ và phổ biến công nghệ giữa nhóm các doanh nghiệp. Sự lan tỏa công nghệ không chỉ là nghiên cứu và phát triển có thể mang lại hiệu quả năng suất và chuyển đổi kinh tế đáng kể. Đây chính là điểm mà các can thiệp chính sách và hỗ trợ từ Chính phủ có thể mang lại lợi ích lớn nhất.
Cùng với đó, việc quan tâm xây dựng năng lực để tận dụng tối đa các công nghệ hiện đại nhất nên là ưu tiên hàng đầu. Việc thu hẹp khoảng cách về kỹ năng của lực lượng lao động cả chất lượng và số lượng cũng sẽ rất quan trọng để khai thác toàn bộ sức mạnh của đổi mới sáng tạo.
Việt Nam nên tái cân đối chính sách phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển từ tập trung đầu tư tạo ra công nghệ tiên tiến sang thúc đẩy hấp thụ và phổ biến công nghệ giữa nhóm các doanh nghiệp. Sự lan tỏa công nghệ không chỉ là nghiên cứu và phát triển có thể mang lại hiệu quả năng suất và chuyển đổi kinh tế đáng kể.
Báo cáo cũng chỉ ra một số lĩnh vực mà hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo hiện nay có dư địa để cải thiện như hệ thống STI còn tập trung nhiều vào R&D; năng lực doanh nghiệp còn hạn chế về kỹ năng, khả năng quản lý… là những yếu tố quan trọng để tiếp thu đổi mới sáng tạo.
Những phát hiện và khuyến nghị này phù hợp với báo cáo cấp khu vực do Ngân hàng Thế giới thực hiện trước đó với tiêu đề “Đổi mới sáng tạo ở các quốc gia đang phát triển khu vực Đông Á- yêu cầu cấp thiết. Báo cáo cho rằng việc áp dụng đổi mới sáng tạo sâu rông hơn nữa có thể giúp các quốc gia vượt lên các thách thức mới để tiếp tục phát triển, kể cả đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu và sự sụt giảm tăng trưởng năng suất.
Để thúc đẩy đổi mới sáng tạo đòi hỏi một chương trình cải cách toàn diện. Ngoài việc định hướng lại các chính sách khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cho phù hợp hơn với năng lực và nhu cầu của doanh nghiệp, các quốc gia cần tăng cường các yếu tố bổ trợ quan trọng cho đổi mới sáng tạo như kỹ năng của người lao động và khả năng tiếp cận tài chính cho các dự án đổi mới sáng tạo.
Bà Carolyn Turk, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, nhận định Việt Nam sẽ cần những động lực mới cho tăng trưởng kinh tế để có thể đạt được tham vọng trở thành một nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045 và đổi mới sáng tạo sẽ là nền tảng cơ bản trong việc nâng cao thu nhập và cải thiện chất lượng tăng trưởng. Tuy nhiên, có nhiều cách tiếp cận khác nhau để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và báo cáo này đưa ra những ý tưởng có thể phù hợp cho Việt Nam.
Theo các chuyên gia, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo chính là chìa khóa để đạt được tăng trưởng bền vững, phát triển kinh tế, giải quyết được các thách thức mới hiện có. Đây sẽ là một trong những lĩnh vực đột phá chiến lược đột biến để đạt được tốc độ tăng trưởng cao, bền vững cho Việt Nam.
TĂNG ĐẦU TƯ CHO R&D ĐỂ KINH TẾ TĂNG TRƯỞNG TỪ 12-15%/NĂM
Tác động của việc hấp thụ công nghệ cũng được định lượng rõ ràng trong báo cáo “Đổi mới công nghệ ở Việt Nam: Đánh giá tác động của công nghệ đến tăng trưởng kinh tế” do CSIRO, cơ quan khoa học quốc gia Australia và Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam thực hiện. Bằng cách áp dụng các mô hình kinh tế vào cơ sở dữ liệu rộng lớn về việc hấp thụ công nghệ của các doanh nghiệp tại Việt Nam, kết quả nghiên cứu cho thấy yếu tố công nghệ đóng góp ngày càng nhiều hơn vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn 2016-2019.
Theo báo cáo này, trong giai đoạn 2015-2019, lần đầu tiên đóng góp của đổi mới công nghệ đã vượt đóng góp của thâm dụng vốn và chiếm tới hơn 50% tổng tăng trưởng kinh tế. Xét cả giai đoạn 2001-2019, đóng góp của đổi mới công nghệ vào tăng trưởng kinh tế đều có xu hướng tăng ở hầu hết các ngành kinh tế. Việc nâng cao năng lực quản trị, cũng như cải thiện các năng lực phi công nghệ (tổ chức, cơ cấu, văn hóa doanh nghiệp) là rất quan trọng để đáp ứng các yêu cầu của đổi mới công nghệ. Năng suất trung bình của Việt Nam có thể tăng 23% nếu giải quyết được những rào cản về quản lý và tổ chức này.
Bằng cách áp dụng các mô hình kinh tế vào cơ sở dữ liệu rộng lớn về việc hấp thụ công nghệ của các doanh nghiệp tại Việt Nam, kết quả nghiên cứu cho thấy yếu tố công nghệ đóng góp ngày càng nhiều hơn vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn 2016-2019.
Với 2 kịch bản xây dựng, báo cáo chỉ ra rằng, tăng đầu tư cho nghiên cứu phát triển cho phép kinh tế Việt Nam tăng trưởng từ 12 đến 15%/năm đến năm 2045. Trong cả 2 kịch bản, tác động của đầu tư R&D rõ ràng hơn sau 10 năm đầu tư. Điều này khẳng định giá trị lâu dài của đầu tư vào đổi mới công nghệ đối với tăng trưởng kinh tế trong tương lai.
Các chuyên gia thực hiện báo cáo cho rằng, để thu lợi từ công nghệ, các doanh nghiệp không chỉ cần đầu tư nhiều hơn vào công nghệ mà còn phải cải thiện năng lực hấp thụ công nghệ đó. Việt Nam đang ở vị trí quan trọng để thúc đẩy làn sóng tăng trưởng kinh tế tiếp theo nhờ các công nghệ mới và hiện có.
Báo cáo đã khuyến nghị chính sách để tăng cường tác động của đổi mới và sáng tạo công nghệ tại Việt Nam. Theo đó cần tăng cường năng lực hấp thụ công nghệ giữa các doanh nghiệp; nâng cao năng lực quản lý, cơ cấu và các năng lực phi công nghệ. Cùng với đó, thúc đẩy R&D và các ngành công nghiệp mới nổi để nâng cao đường biên công nghệ; phát triển nguồn nhân lực…
Những kết quả của dự án này có thể là nguồn dữ liệu tham khảo quan trọng trong việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.
Đánh giá về các báo cáo, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho rằng, các báo cáo đã đưa ra bức tranh khách quan, chân thực, phân tích và chỉ ra các điểm mạnh, yếu; một số vấn đề trong đổi mới sáng tạo có sự mất cân đối nghiên cứu phát triển tạo ra tri thức so với đầu tư năng lực hấp thụ công nghệ tại doanh nghiệp, giúp thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển công nghệ.
Nhìn từ báo cáo các nước đang phát triển Đông Á cho thấy, đầu tư cho khoa học công nghệ chưa đến được ngưỡng cần thiết để tạo ra bước tăng trưởng, nhảy vọt cho nền kinh tế. Các doanh nghiệp sản xuất vẫn là sử dụng công nghệ 1.0 (sản xuất bằng tay), 2.0 (tự động chưa kết nối máy tính) và có khoảng cách rất xa ở mức sản xuất 4.0. Điều này cho thấy cần có đầu tư tạo động lực cho doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa dám đổi mới công nghệ để phát triển bền vững hơn.
Thứ trưởng Bùi Thế Duy cũng nhấn mạnh, thực tế trong 2 năm xảy ra dịch Covid, những doanh nghiệp đã có quá trình đổi mới công nghệ lâu dài vẫn duy trì phát triển, thậm chí tăng trưởng tốt. Việc đầu tư cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo lâu dài và bền bỉ sẽ giúp các doanh nghiệp bền vững trước các thách thức an ninh phi truyền thống.