Hiện tại, Bộ Giao thông vận tải đang xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 58/2017/NĐ-CP ngày 10/5/2017 quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam về quản lý hoạt động hàng hải và lấy ý kiến đối tượng chịu tác động.
Dự thảo sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý thuyền buồm, thể thao, du lịch cá nhân và tàu lặn du lịch trong vùng nước cảng biển; khai thác khoáng sản, thuỷ hải sản trong vùng nước cảng biển; đầu tư công trình hàng hải và kết cấu hạ tầng hàng hải tạm thời; vận hành luồng hàng hải; lai dắt, cập mạn, trực ca tàu thuyền… Dự kiến văn bản sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp hoạt động hàng hải, du lịch biển, khoáng sản, thuỷ hải sản.
Một trong những nội dung nổi bật tại dự thảo là bổ sung quy định về quản lý tàu lặn hoạt động du lịch trong vùng nước cảng biển Việt Nam, trong đó có quy định vùng hoạt động tàu lặn; thủ tục chấp thuận vùng hoạt động tàu lặn; điều kiện thuyền viên tàu lặn; thủ tục phê duyệt phương án đưa tàu lặn vào hoạt động; quy định thực hiện hoạt động lặn. Dự thảo cũng quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan và công tác phối hợp, báo cáo tai nạn, sự cố và điều tra tai nạn, sự cố.
Bộ Giao thông vận tải cho biết tàu lặn đã được quy định tại Bộ luật Hàng hải Việt Nam gồm 11 điều, trong đó tại khoản 1 Điều 1 quy định “tàu lặn chỉ áp dụng trong trường hợp có quy định cụ thể tại Bộ luật này”.
Theo bộ luật, các quy định cụ thể đối với tàu lặn gồm: Điều 4 (khái niệm tàu lặn), Điều 13 (quy định tàu biển trong bộ luật không bao gồm tàu lặn), Điều 27 (quy định về đăng ký tàu lặn), Điều 32 (quy định về đăng kiểm tàu lặn), Điều 105 (chỉ dẫn của các báo hiệu hàng hải và chấp hành quy tắc phòng ngừa đâm va), Điều 243 (quy định về đại lý tàu biển), Điều 255 (quy định chương hoa tiêu), Điều 263 (quy định chương lai dắt), Điều 275 (quy định cứu hộ hàng hải), Điều 291 (quy định tai nạn đâm va).
Ngoài ra, bộ luật không giao Chính phủ hướng dẫn thực hiện quy định nào về hoạt động tàu lặn.
Về việc triển khai thí điểm dịch vụ tàu lặn tại Vịnh Nha Trang, đây là một sản phẩm du lịch biển độc đáo, đẳng cấp thế giới lần đầu tiên triển khai tại Việt Nam. Theo đó, Công ty cổ phần Vinpearl đã thực hiện thí điểm dịch vụ tàu lặn tại khu vực Bãi Bàng và khu vực Hòn Một trong Vịnh Nha Trang từ tháng 2/2021 đến tháng 4/2023.
Do yếu tố bất khả kháng của đại dịch và đặc trưng thời tiết thay đổi khó dự báo nên ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng và thời gian khai thác thực tế (chỉ 159 chuyến, 69 ngày) song các chuyến lặn chở khách đều an toàn, không có sự cố phát sinh.
Do vậy, để có thêm thời gian đánh giá thực tiễn hoạt động dịch vụ tàu lặn và hoàn thiện các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động dịch vụ tàu lặn, thời gian thí điểm hoạt động dịch vụ tàu lặn được thí điểm đợt 2 bắt đầu từ ngày 16/7/2023 kéo dài đến hết tháng 7/2024.
"Việc bổ sung quy định về tàu lặn hoạt động du lịch trong vùng nước cảng biển Việt Nam sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật. Quy định pháp luật đầy đủ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có nhu cầu khai thác hoạt động tàu lặn du lịch triển khai, thực hiện, góp phần phát triển hoạt động du lịch và kinh tế", Bộ Giao thông vận tải đánh giá.
Công ty sử dụng tàu lặn du lịch tân tiến nhất trên thế giới hiện nay là DeepView 24 do hãng Triton Submarine, Hoa Kỳ sản xuất. Mức giá trọn gói bao gồm cả đào tạo vận hành được cho là vào khoảng 7,7 triệu USD (tương đương 180 tỷ đồng).
Cũng theo Bộ Giao thông vận tải, trên cơ sở kết quả hai đợt triển khai thí điểm dịch vụ tàu lặn tại Vịnh Nha Trang và một số khó khăn vướng mắc phát sinh như: chứng chỉ chuyên môn và chương trình đào tạo thuyền viên tàu lặn.
Cho đến thời điểm hiện tại, hệ thống pháp luật Việt Nam chưa quy định chứng chỉ chuyên môn cho thuyền viên tàu lặn, các cơ sở đào tạo, huấn luyện thuyền viên chưa được cấp phép đào tạo, huấn luyện thuyền viên cho tàu lặn; về phương án tìm kiếm cứu nạn dưới mặt nước.
Hiện nay cũng chưa có quy định cụ thể hướng dẫn phương án cứu nạn dưới mặt nước đối với hoạt động tàu lặn. Ngành hàng hải chưa có đủ phương tiện, trang thiết bị đặc thù để thực hiện tìm kiếm cứu nạn hàng hải dưới nước cho tàu lặn.
Về quản lý hoạt động tàu lặn, theo quy định tại Nghị định số 58/2018/NĐ-CP ngày 10/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam về hoạt động hàng hải, hoạt động cấp phép cho tàu lặn vào, rời khu vực hàng hải hoặc bến phao chưa có quy định.
Ngày 07/3/2024, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản số 2351/TTr-BGTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 58/2017/NĐ-PC ngày 10/5/2017, trong đó có đề nghị xây dựng nội dung quản lý hoạt động tàu lặn. Ngày 01/4/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã có ý kiến thông qua đề nghị xây dựng Nghị định theo đề nghị của Bộ Giao thông vận tải.
Cũng theo Bộ Giao thông vận tải, việc bổ sung quy định về tàu lặn hoạt động du lịch trong vùng nước cảng biển Việt Nam sẽ giúp phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên của đất nước, đặc biệt là tiềm năng biển để phát triển hoạt động du lịch trong vùng nước cảng biển một cách đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm với những bước đi thích hợp.