Báo cáo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024, Phó cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Hoàng Hồng Giang, cho biết trong năm 2023, ước tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển năm 2023 là 756,8 triệu tấn, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2022. Hàng container ước đạt 24,7 triệu TEUs, bằng với cùng kỳ năm trước. Hành khách qua cảng biển đạt 7,04 triệu hành khách, tăng 17% so với năm 2022.
Thời gian qua, lĩnh vực hàng hải cũng đạt được một số thành tựu đáng ghi nhận trong quản lý và khai thác cảng cửa ngõ quốc gia.
ĐỘI TÀU BIỂN TRỤ HẠNG CAO, TỔNG TRỌNG TẢI GIA TĂNG
Theo đó, Ngân hàng Thế giới World Bank công bố Chỉ số hiệu quả hoạt động container (CPPI), trong đó Cảng container quốc tế Cái Mép đứng thứ 12/348 cảng container trên thế giới.
Thống kê của tổ chức Liên hợp quốc về phát triển thương mại, năm 2023, đội tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam đứng thứ 3 trong ASEAN và thứ 22 trên thế giới.
Tính đến tháng 12/2023, Việt Nam có 1.449 tàu biển đăng ký trong sổ đăng ký tàu biển quốc gia, với tổng trọng tải trên 13,7 triệu tấn, tổng dung tích trên 7,2 triệu GT. Trong đó, có 977 tàu vận tải với tổng trọng tải trên 11,1 triệu tấn, tổng dung tích trên 6,6 triệu GT
Cũng theo lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam, hiện đội tàu biển Việt Nam giảm về số lượng so với năm 2022 nhưng tăng về tổng dung tích và tổng trọng tải. Tuổi trung bình của đội tàu vận tải là 16,6.
Trong số đó, chủ yếu là tàu chở hàng rời và hàng tổng hợp tương ứng 679 tàu chiếm 69,57%, tuổi trung bình 16,7. Bên cạnh đó là 175 tàu chở dầu, hóa chất, tuổi trung bình 18,7; có 20 tàu chở khí hóa lỏng, tuổi trung bình 23,2; có 43 tàu chở container, tuổi trung bình 18,5 và 59 tàu chở khách, tuổi trung bình 8,9.
"Trong năm 2023, do suy thoái kinh tế, giá nhiên liệu và lạm phát tăng cao, nhu cầu vận tải biển giảm mạnh ở nhiều thị trường tiêu thụ lớn, một phần do sức mua giảm sút vì lạm phát và kinh tế phục hồi chậm, giá cước vận tải đang giảm mạnh", Phó cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam chia sẻ.
Các Cảng vụ Hàng hải thực hiện kiểm tra được 1.143 lượt phương tiện thủy nội địa mang cấp VR-SB, phát hiện 1.142 lượt tàu có khiếm khuyết với tổng số 4.182 khiếm khuyết.
Cùng với đó, kiểm tra 923 lượt tàu biển Việt Nam hoạt động tuyến nội địa, phát hiện 833 lượt tàu có khiếm khuyết với tổng số 3.203 khiếm khuyết; kiểm tra 317 lượt tàu biển Việt Nam hoạt động tuyến quốc tế, phát hiện 296 lượt tàu có khiếm khuyết với tổng số 2.406 khiếm khuyết.
Kiểm tra 2.847 lượt tàu biển nước ngoài, trong đó 2.504 lượt tàu biển kiểm tra lần đầu, phát hiện 942 lượt tàu có khiếm khuyết với tổng số 2.324 khiếm khuyết và lưu giữ 5 lượt tàu.
Tại các cảng biển khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (Tokyo MOU) có 1.064 lượt tàu biển Việt Nam bị kiểm tra (trong đó bao gồm 858 lượt tàu biển kiểm tra lần đầu, 206 lượt tàu biển kiểm tra theo dạng follow-up), phát hiện 2.734 khiếm khuyết liên quan đến 756 lượt tàu, có 39 lượt tàu bị lưu giữ (tỷ lệ lưu giữ 4.54%) tại cảng của các thành viên thuộc Tokyo MOU.
Hiện tại, đội tàu biển Việt Nam vẫn nằm trong Danh sách Trắng của Tokyo MOU.
Về công tác nạo vét duy tu luồng hàng hải, do còn vướng mắc nên Cục Hàng hải chủ động phối hợp với các địa phương để tìm vị trí đổ chất nạo vét nhưng việc các tỉnh, thành phố chưa quy hoạch vị trí đổ chất nạo vét dẫn đến hàng năm phải mất nhiều thời gian để hoàn thiện các thủ tục.
Các tàu tìm kiếm cứu nạn hàng hải cũng còn thiếu, các tàu cũ khoảng 18 năm tuổi; kinh phí cho việc bảo dưỡng, sửa chữa tàu còn hạn chế, chưa có tàu tìm kiếm cứu nạn hoạt động xa bờ, hiện đang đóng mới một tàu 63m.
Ngoài ra, hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống công nghệ thông tin hỗ trợ trong công tác quản lý của một số cơ quan cũng chưa đồng bộ. Việc kết nối các phương thức vận tải đến cảng biển chưa đồng bộ, dẫn đến chi phí logistics tăng cao.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, cho rằng tình hình thế giới đang trải qua giai đoạn rất khó khăn, xung đột tại một số khu vực diễn biến khó lường, kinh tế tại nhiều nước rơi vào suy thoái hậu Covid-19… ảnh hưởng đến nhiều mặt đời sống, trong đó có lĩnh vực hàng hải, đặc biệt là vấn đề nguồn hàng, thị trường và vận tải biển.
Trong bối cảnh đó, khối lượng hàng hoá thông qua cảng biển năm 2023 vẫn tăng 5%, hành khách tăng 17%, lượt phương tiện thuỷ thông qua tăng 2%, an ninh an toàn hàng hải cơ bản đảm bảo, đội tàu biển Việt Nam vẫn nằm trong Danh sách trắng của Tokyo MOU... là những kết quả nổi bật cho thấy những cố gắng, nỗ lực và quyết tâm của ngành hàng hải bằng việc triển khai các nhiệm vụ sáng tạo, đổi mới.
QUY HOẠCH LẤY CẢNG BIỂN LÀ TRUNG TÂM, TÌM GIẢI PHÁP XÂY ĐỘI TÀU LỚN MẠNH
Ghi nhận, biểu dương những cố gắng của Cục Hàng hải Việt Nam đạt được trong năm 2023, Bộ trưởng cho rằng năm 2024, có nhiều dự báo thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội, song cũng có những yếu tố bất lợi phải nhận diện sớm để có phương án vượt qua.
“Cùng với việc phải đối mặt với nhiều khó khăn, ngành hàng hải còn phải tìm cách đáp ứng xu hướng của thế giới trong việc giảm phát thải. Đây là tiêu chuẩn chung của thế giới. Việt Nam buộc phải thay đổi để thích ứng. Nếu không có nghiên cứu, không có giải pháp, chúng ta có thể bị loại khỏi cuộc chơi, doanh nghiệp sẽ rơi vào khó khăn, thậm chí có thể dẫn tới phá sản", Bộ trưởng đánh giá.
Về những nhiệm vụ trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu Cục Hàng hải Việt Nam tập trung hoàn thiện thể chế, rà soát văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực hàng hải, đặc biệt là đánh giá, tổng kết Bộ luật Hàng hải 2015 và các văn bản đi kèm, trên cơ sở diễn biến của tình hình thực tế, thống kê những quy định bất cập để có những đề xuất chỉnh sửa, bổ sung trình Chính phủ, Quốc hội xem xét.
Đối với công tác xây dựng và triển khai các quy hoạch cảng biển, ngoài việc yêu cầu sớm hoàn thiện các đề án quy hoạch trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Cũng theo Bộ trưởng, lần đầu tiên Việt Nam có quy hoạch tổng thể lấy cảng biển làm trung tâm.
"Do đó, các quy hoạch chuyên ngành về hàng hải đều phải có tầm nhìn dài hạn, linh hoạt, đảm bảo đồng bộ và chuyên nghiệp; cần lấy định hướng từ cảng biển và xác định cảng biển là trung tâm kết nối các phương thức khác, đặc biệt với đường sắt và đường thuỷ nội địa", Bộ trưởng lưu ý.
Quy hoạch cảng biển cần tầm nhìn dài hạn, đồng bộ, chuyên nghiệp nhưng quá trình đầu tư cũng cần linh hoạt, thậm chí điều chỉnh khi thực tế thay đổi. Với những cảng hiện có cần tính toán liên kết các doanh nghiệp cảng biển để tăng tính cạnh tranh.
Bên cạnh đó, trong cảng biển cần có bến thuỷ nội địa, vì đây là lợi thế của Việt Nam với hệ thống đường bờ biển dài, hệ thống sông ngòi đa dạng. Nếu kết nối tốt là điều kiện để giảm chi phí logistics.
Liên quan tới hoạt động vận tải biển, dịch vụ hàng hóa, logistics, Bộ trưởng yêu cầu Cục Hàng hải Việt Nam bám sát định hướng chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải, xây dựng các giải pháp đúng, trúng và đột phá để nâng cao thị phần vận tải hàng hóa bằng đường thủy và tàu biển ven bờ, giảm chi phí logistics.
"Ở Nhật Bản cũng có nhiều điều kiện tự nhiên tương đồng Việt Nam và vận tải đường biển, ven bờ của họ đảm nhận đến 55% khối lượng vận chuyển. Ở Việt Nam, khi kết nối tốt vận tải biển, đường thuỷ với các phương thức khác, chúng ta có cơ hội giảm chi phí logistics thậm chí còn thấp hơn trung bình của thế giới", Bộ trưởng chia sẻ. Muốn vậy phải có đề án, kế hoạch nâng thị phần vận tải hàng hoá bằng đường biển, ven bờ, nhất là trên trục Bắc - Nam.
Bộ trưởng cũng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ nạo vét luồng hàng hải và luồng thủy nội địa tại một số khu vực, nâng tĩnh không cầu. Cục Hàng hải Việt Nam và Cục Đường thủy nội địa Việt Nam phải phối hợp chặt chẽ với nhau cùng xây dựng quy hoạch, kế hoạch để thuận tiện cho việc vận tải hàng hóa, từ đó giảm chi phí logistics.
Về vận tải biển, theo Bộ trưởng, chúng ta phải có giải pháp xây dựng đội tàu lớn mạnh, đa dạng, đủ sức cạnh tranh và đặc biệt quan tâm đến vận tải xanh, tiến tới mục tiêu giảm phát thải về 0 vào năm 2050.