March 04, 2023 | 12:01 GMT+7

Đề xuất giảm 50% mức hưởng nếu rút bảo hiểm xã hội một lần

Nhật Dương -

Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm mà người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần thì mức hưởng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng, theo đề xuất của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), trong đó có nhiều điểm mới về điều kiện và mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Ở lần sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội này, cơ quan soạn thảo đang nghiên cứu bổ sung quy định theo hướng khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần.

Cụ thể, giảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu (từ 20 năm xuống còn 15 năm, không áp dụng đối với người hưởng bảo hiểm xã hội một lần). Người lao động khi hết tuổi mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu sẽ có thêm sự lựa chọn, đó là nếu không nhận bảo hiểm xã hội một lần thì được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; được ngân sách nhà nước mua bảo hiểm y tế; được hưởng các quyền lợi về ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, thất nghiệp.

Về quy định hưởng bảo hiểm xã hội một lần, cơ quan soạn thảo đề xuất sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội  chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần, nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để người lao động hưởng chế độ bảo hiểm xã hội khi đủ tuổi nghỉ hưu.

Về điều kiện hưởng chế độ hưu trí cũng được sửa đổi theo hướng giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm, nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn hoặc quá trình tham gia không liên tục nên có thời gian đóng bảo hiểm xã hội ngắn được hưởng lương hưu.

Lần sửa đổi này, cơ quan soạn thảo cũng đề xuất xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, thông qua việc bổ sung tầng trợ cấp hưu trí xã hội và quy định liên kết giữa trợ cấp hưu trí xã hội với tầng bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Luật Bảo hiểm xã hội 2014 đã quy định về bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm hưu trí bổ sung. Do vậy, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) quy định: Công dân Việt Nam từ đủ 80 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng khác thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách nhà nước đảm bảo.

Về trợ cấp xã hội hằng tháng, bổ sung quy định người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu, và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, được lựa chọn hưởng trợ cấp hàng tháng (thấp nhất bằng với mức trợ cấp hưu trí xã hội) cho thời gian trước khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, tùy thuộc vào thời gian đóng, tiền lương, thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội. Đồng thời, trong thời gian hưởng trợ cấp hàng tháng thì được hưởng bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước đảm bảo.

Để phù hợp với thực tiễn triển khai trong khuyến khích các địa phương, đám bảo tính ổn định, không gây xáo trộn cũng như phát sinh tăng nguồn lực thực hiện, dự thảo quy định, đối với trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách nhà nước đảm bảo do các địa phương thực hiện cùng với các chính sách khác đối với người cao tuổi; trợ cấp hàng tháng do quỹ Bảo hiểm xã hội đảm bảo do cơ quan Bảo hiểm xã hội thực hiện.

Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định giao Chính phủ quyết định điều chỉnh giảm dần độ tuổi hướng trợ cấp hưu trí xã hội phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ, phấn đấu đến năm 2030 khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate